Cụ thể,ngày Mùng 1 Tết, nhân dân chủ yếu đi chơi Tết, thăm hỏi, lễ chùa đầu năm, hoạt động mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ Tết. Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại từ trưa ngày Mùng 1 như: một số siêu thị thuộc hệ thống Lotte Mart, Hapro Mart, siêu thị Aeon. Một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, Shop & Go mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với trước Tết.
Trong ngày mùng 2 Tết, thị trường đã sôi động hơn ngày mùng 1 Tết, đã có thêm một số trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa bán hàng trở lại như: Tại Hà Nội có thêm 75 địa điểm mở cửa trở lại, ngoài ra có Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên mở cửa xuyên Tết, hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K cũng tiếp tục hoạt động 24/7, kể cả ngày Tết. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có siêu thị Co.opmart mở cửa trở lại từ 8h00 đến 12h00, siêu thị Lotte Mart mở cửa trở lại từ 10h00 đến 21h00 mùng 2 Tết, Aeon Mall mở cửa liên tục,... Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với trước Tết.
Tại các chợ, một số tiểu thương đã bày bán các mặt hàng hoa, quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm và bắt đầu bán rau xanh, cá, thịt trở lại. Nhìn chung, các mặt hàng được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như rau xanh, thủy sản, hoa, quả tươi, bánh kẹo.
Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 2 Tết tại các siêu thị ổn định so với ngày mùng 1 Tết, cụ thể như sau:
- Mặt hàng lương thực giá ổn định: giá các loại gạo tẻ thường từ 13.500-16.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 27.000 đ/kg.
- Mặt hàng thực phẩm: giá thịt lợn như thịt mông sấn từ 90.000-95.000 đ/kg, thịt ba chỉ từ 100.000-110.000 đ/kg, nạc thăn từ 100.000-120.000 đ/kg; giá gà ta làm sẵn dao động phổ biến từ 100.000-120.000đ/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đ/kg; thịt bò thăn dao động từ 300.000-320.000đ/kg.
- Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 150.000-160.000 đ/kg; giò bò 280.000-310.000 đ/kg; lạp xưởng vissan loại I 170.000-180.000 đ/kg.
- Mặt hàng công nghệ thực phẩm: đường bán lẻ 20.000-22.000 đ/kg; dầu ăn 42.000-44.000 đ/lít, bia lon bia Heineken 375.000-410.000đ/thùng; Cocacola 170.000-195.000đ/thùng; bia lon Hà Nội 220.000-240.000 đ/thùng.
- Hoa, quả các loại: Cam canh 40.000-60.000 đ/kg, xoài cát chu 50.000-60.000 đ/kg, bưởi da xanh 70.000-75.000 đ/kg, bưởi năm roi 50.000-63.000 đ/kg, dưa hấu không hạt 22.000-24.000 đ/kg,… Hoa cúc 40.000-60.000 đ/chục, hoa hồng loại có cành lộc 100.000-120.000 đ/chục…
Theo Bộ Công Thương, công tác trực Tết được Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tổ chức Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Cục Quản lý thị trường các địa phương đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường thường trực 24/24 trong những ngày nghỉ Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại tại thị trường nội địa và trên khâu lưu thông. Tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, ATVSTP… đặc biệt kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.
Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục theo dõi, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương nắm sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tiêu dùng dịp Tết, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kịp thời xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm; Thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp không bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; đặc biệt, công tác theo dõi, giám sát các điểm bán hàng bình ổn giá, các điểm bán hàng lưu động được duy trì thường xuyên.