Cuộc chiến đòi lại thương hiệu đã mất tại thị trường nước ngoài

Đã có rất nhiều thương hiệu việt nổi tiếng bị nước ngoài “đánh cắp”, nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại thương hiệu. Nếu có đòi lại được thi

Hiện nay ngoài quyền tác giả, pháp luật Việt Nam đã và đang quy định các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) được Nhà nước bảo hộ bao gồm: Sáng chế; Giải pháp hữu ích; Kiểu dáng công nghiệp; Nhãn hiệu hàng hoá; Tên gọi xuất xứ hàng hoá; Bí mật kinh doanh; Chỉ dẫn địa lý; Tên thương mại; Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN; Giống cây trồng mới; Thiết kế bố trí mạch tĩnh hợp bán dẫn. Nếu đối chiếu với Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền SHTT của WTO), thì từ ngày 2/5/2003 (ngày ban hành Nghị định 42 về bảo hộ SHCN đối với thiết kế bố trí mạch tĩnh hợp bán dẫn) đến nay hệ thống pháp luật VN về SHTT nói chung và SHCN nói riêng đã bảo hộ đầy đủ các đối tượng. Song, trên thực tế nhiều DN Việt Nam vẫn chủ yếu dành nhiều thời gian và chi phí cho việc săn lùng lợi nhuận, chứ ít quan tâm tới yếu tố quan trọng, đó là tên tuổi, là thương hiệu của mình. Họ chưa ý thức hết được giá trị to lớn của thương hiệu đã tác động tới thành công của DN như thế nào. Chỉ mỗi khi có sự tranh chấp xảy ra, họ mới hoảng hốt nhận ra thì đã quá muộn. Trong bài viết này, xin giới thiệu tới bạn đọc 3 vụ điển hình đại diện cho 3 loại hình DN đã kiên trì theo kiện đòi lại thương hiệu đã mất ở nước ngoài, để bạn đọc suy ngẫm.

Vụ thứ nhất: DNTN Duy Lợi thắng kiện một doanh nhân Đài Loan tại Mỹ

Cty TNHH sản xuất Duy Lợi, tiền thân là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Duy Lợi thành lập tháng 01/2000, do ông Lâm Tấn Lợi làm giám đốc, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng độc đáo do DN tự thiết kế, trong đó có sản phẩn võng xếp. Tháng 9/2001, DNTN Duy Lợi đã xuất một container hàng sang Mỹ, sau đó không thấy đơn hàng nào từ Mỹ gửi về đặt mua nữa. Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông Lợi đã nhờ luật sư tra cứu trên mạng, và được biết hiện doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng y hệt võng xếp của Duy Lợi. Trước tình thế đó, ông Lợi đã làm thủ tục ủy quyền cho văn phòng luật sư Phạm & Liên Danh (LS P&LD) thay mặt DN khởi kiện ra Tòa dân sự Mỹ về việc xâm phạm bằng sáng chế kiểu dáng khung mắc võng tại Mỹ.

Theo Luật sư Dương Tử Giang, người theo dõi vụ kiện thuộc Văn phòng LS P&LD, thì: Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của tác giả Lâm Tấn Lợi (giám đốc DNTN Duy Lợi) đã được Cục SHTT (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày nộp đơn hợp lệ 23/3/2000. Trong khi đó, doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) cũng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ cho khung mắc võng có kiểu dáng tương tự vào ngày 15/8/2001. Như vậy ngày ưu tiên của bằng sáng chế của doanh nhân Đài Loan tại Mỹ là sau ngày kiểu dáng của võng xếp Duy Lợi được công bố ở VN. Đây là cơ sở để yêu cầu cơ quan thẩm quyền (tòa án) ở Mỹ hủy bỏ văn bằng trên vì nó không thỏa mãn tiêu chuẩn “tính mới tuyệt đối trên toàn cầu, trước đó chưa ai có” tại thời điểm nộp đơn.

Mặc dù vào thời điểm này, Duy Lợi chưa đăng ký xin cấp bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ, song lại có điều thuận cho Duy Lợi là hai nước Việt Nam và Mỹ đều đã tham gia Hiệp ước sáng chế quốc tế (PCT) giữa 116 nước trên thế giới với những qui định về bảo hộ sáng chế.

Luật sư Giang, cho biết: Để có đủ căn cứ chứng minh kiểu khung võng do ông Chung Sen Wu đăng ký thực chất là sao chép lại khung võng Duy Lợi, chúng tôi đã phải tra cứu trong các cơ sở dữ liệu trên mạng Internet, nghiên cứu hàng ngàn kiểu khung võng khác nhau trên thế giới. Ngày 29/4/2004, văn phòng LS P&LD đã nộp đơn khiếu nại tới cơ quan Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) - nơi cấp bằng độc quyền sáng chế cho doanh nhân Đài Loan, yêu cầu USPTO hủy hiệu lực bằng sáng chế Mỹ đã cấp cho Chung Sen Wu. Sau một đoạn đường gian nan chứng minh kiểu dáng võng xếp Duy Lợi bị đánh cắp, ngày 19/9/2005 USPTO đã ra thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ sáng chế của ông Chung Sen Wu.

Vụ thứ hai: Giành lại nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc

Cty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, tiền thân là cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương ra đời năm 1976, do bà Phạm Thị Tỏ (bà Hai Tỏ) sáng lập ra. Ban đầu, sản phẩm của cơ sở này chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia. Nhưng chỉ sau vài năm kinh doanh trên thị trường này, kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương bị làm giả tràn nan. Bực mình, bà Hai Tỏ đã xin chuyển nhãn hiệu Kẹo dừa Quê Hương sang nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre. Nhưng, hàng bán được một thời gian lại bị nhái như cũ, số lượng nhái càng tăng hơn trước… Nhận thấy có đổi kiểu nào cũng bị nhái, vì luật pháp Campuchia chưa bảo hộ người sản xuất, nên bà Hai Tỏ đành bỏ thị trường Campuchia và chuyển sang thị trường Trung Quốc. Thị trường này DN đã chào hàng từ nhiều năm trước. Vào những năm 1996 -1997, lượng kẹo dừa xuất khẩu của Đông Á qua thị trường Trung Quốc đạt khá cao, bình quân mỗi năm đạt từ 900.000 đến 1 triệu tấn, trung bình mỗi lần xuất đạt hơn chục ngàn tấn. Song đến năm 1998, thì doanh số bán kẹo dừa của DN tại thị trường này bỗng nhiên sụt giảm hẳn. Qua tìm hiểu sự việc, bà Hai Tỏ, chủ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, phát hiện Cty TNHH Rừng Dừa ở Trung Quốc đã lấy thương hiệu của bà sản xuất kẹo dừa, bán tràn lan trên thị trường. Thật trớ trêu, Cty này chính lại là đối tác “ruột” của Cty TNHH Đông Á, sau một thời gian hợp tác làm ăn đã tự tìm đến các thương lái Việt Nam thu mua kẹo dừa, mang về nước rồi gắn mác kẹo dừa Bến Tre để bán ra thị trường. Tháng 8/1998, bà Hai Tỏ còn được biết Cty TNHH Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn ba tháng nữa là được cấp bằng độc quyền. Cùng người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chính Công Thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà DN làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề: Từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Cty Rừng Dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính. Tháng 5/1999, tám tháng sau đăng kí, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của CTy Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Bà Tỏ đem giấy tờ chứng nhận đến tận Đảo Hải Nam, nơi Cty Rừng Dừa đăng ký trụ sở, thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả. Cuối cùng, ông Chí Xình – Giám đốc CTy TNHH Rừng Dừa buộc phải đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất “Kẹo dừa Bến Tre”.

Vụ thứ ba, Vinamit đòi thành công thương hiệu Đức Thành bị mất ở Trung Quốc

“Đức Thành” vốn là thương hiệu của Cty CP Vinamit Việt Nam từ ngày đầu thành lập (1991) và cũng là thương hiệu phổ biến của Vinamit tại thị trường Trung Quốc. Trong quá trình xâm nhập và phát triển tại thị trường này, Vinamit đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu nhưng chỉ đăng ký sở hữu thương hiệu tiếng Việt mà không đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Hoa, nên ngay lập tức bị chính nhà phân phối của mình lấy. Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của sản phẩm Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự. Do đó từ một đơn vị làm ăn chân chính Vinamit bị chính đơn vị làm giả hàng của mình “vu” cho tội “ăn cắp” nhãn hiệu. Thế là toàn bộ hàng hóa mang nhãn hiệu Vinamit đều bị hệ thống siêu thị của Trung Quốc từ chối nhận bán vì không hợp pháp và lãnh đạo Cty còn đối diện với nguy cơ bị án tù 5 năm vì tội sản xuất hàng giả. Trước tình hình đó, buộc Vinamit phải vào cuộc chiến đấu để chứng minh nhãn hiệu của mình bị đánh cắp. Sau 3 năm tìm hiểu, tranh đấu quyết liệt, đến năm 2010, Cty mới phát hiện ra chủ DN làm giả nhãn hiệu của mình chính là ông Xie Hong Yi - một thương nhân Trung Quốc, khách hàng từng mua sản phẩm Vinamit. Chính vì thế mà năm 2010, Vinamit theo đuổi vụ kiện đòi lại thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi. Tới cuối năm 2012 thì Tòa án Thương mại Bắc Kinh tuyên Cty CP Vinamit đã thắng kiện trong vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi. Theo Vinamit, trong bản quyết định của Tòa án nhân dân cấp trung thứ nhất thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi rõ: Ông Xie Hong Yi - một thương nhân Trung Quốc có lẽ biết được Cty Vinamit đã có thương hiệu nổi tiếng và đã giành đăng ký trước tạo nên hành vi bất chính là tranh giành đăng ký thương hiệu. Đây là hành vi vi phạm Điều thứ 31 trong Luật Thương hiệu.

Thu Hường