TÓM TẮT:
Vào những ngày đầu năm 2016 giá dầu xuống thấp ở mức kỷ lục 30 $/thùng - đúng bằng mức giá bắt đầu chu kỳ giá dầu cao năm 2004. Dầu mỏ của OPEC, Nga và đặc biệt là từ nước Mỹ vẫn tiếp tục được sản xuất bất chấp điều đó chỉ làm cho lượng cung trở nên dư thừa và giá dầu sẽ tiếp tục đi xuống. Có nhiều cách tiếp cận để lý giải hiện trạng này. Lý thuyết trò chơi với cân bằng Nash đã rất nổi tiếng khi các "người chơi" lựa chọn chiến lược vượt trội là chiến lược phi hợp tác tạo ra trạng thái cân bằng ở mức giá thấp mà họ đều bị thiệt hại. Lý thuyết của Nash cho phép giải thích vì sao giá dầu quốc tế lại giảm về mức 20-35 $/thùng khi chỉ đúng 2 năm trước đó (2013), mức giá bình quân năm vẫn ở mức 109 $/thùng [1].
TỪ KHÓA: Lý thuyết trò chơi, độc quyền nhóm, cân bằng Nash, giá dầu quốc tế, chiến tranh giá…

I. Khi giá dầu về ngưỡng 30 $/thùng

Liên tiếp trong những năm 2011 - 2013, giá dầu thế giới dao động ở mức bình quân 105 $/thùng, giai đoạn đỉnh điểm của chu kỳ giá cao được bắt đầu trước đó 10 năm (2004). Sang năm 2014, nửa cuối năm giá dầu giảm mạnh, người ta nói giá dầu bắt đầu vào chu kỳ giá thấp với những dự báo được xem là bi quan vào thời điểm đó là khoảng giá "bền vững" ở mức 45-50$/thùng [2] và sớm tăng trở lại.

Nhưng thực tế, những dự báo được coi là bi quan đó giờ trở thành quá lạc quan khi những giao dịch trên thị trường giao ngay (spot market) tuần 2 tháng 1/2016 giá dầu Brent đã ở mức thấp kỷ lục từ 11 năm nay khi rơi về mức 30$/thùng và dường như đó vẫn chưa phải là đáy [3]. Kịch bản của những năm 1986 dường như lại lặp lại, giá dầu vào chu kỳ giá thấp và chiến tranh giá xảy ra. Khi đó, lý thuyết trò chơi và cân bằng Nash sẽ rất phù hợp để giải thích những biến động này. Thật vậy, lý thuyết kinh tế với bài toán kinh điển "nghịch lý nhà tù" này, luôn rất hiệu quả khi giải thích hành vi của các chủ thể trong thị trường có cấu trúc độc quyền nhóm.

II. Lý thuyết trò chơi và cân bằng Nash

Một cách khái quát, lý thuyết trò chơi là một trong những công cụ được sử dụng trong phân tích kinh tế về ra quyết định và lựa chọn chiến lược kinh doanh [4]. Bài toán "nghịch lý nhà tù" kinh điển khi hai người tù thay vì lựa chọn chiến lược hợp tác "không khai" họ lại lựa chọn chiến lược phi hợp tác "khai" nhưng là vượt trội dù đó là lựa chọn làm cả hai cùng thiệt hại, đã được vận dụng trong phân tích kinh tế đối với các thị trường có cấu trúc độc quyền nhóm. Ví dụ mang tính khởi nguồn của lý thuyết trò chơi là trường hợp thị trường được thâu tóm bởi một vài doanh nghiệp lớn. Một trong số này mong muốn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng việc thực hiện các chương trình quảng cáo. Lợi nhuận mà doanh nghiệp kỳ vọng là phải lớn hơn so với tình trạng ban đầu do việc gia tăng lượng bán đối với những người tiêu dùng mới cũng như chiếm lĩnh khách hàng của các đối thủ. Tuy vậy, rất khó để các đối thủ chịu ngồi yên và để mất khách hàng, họ cũng thực hiện các chương trình quảng cáo. Cuối cùng, thị phần của các doanh nghiệp vẫn như lúc đầu, những chi tiêu cho chương trình quảng cáo với kỳ vọng gia tăng lượng bán, chiếm lĩnh thêm thị phần đã không mang lại kết quả như ý. Các doanh nghiệp rơi vào tình huống không tăng được sản lượng bán nhưng mất thêm chi phí cho quảng cáo giống như bài toán "nghịch lý nhà tù".

Với ngôn ngữ mà lý thuyết trò chơi thường sử dụng, chiến lược cùng chi tiêu cho quảng cáo trong trường hợp này làm một chiến lược vượt trội, cân bằng được thiết lập (các doanh nghiệp cùng thực hiện quảng cáo) là cân bằng phi hợp tác (cân bằng Nash). Sở dĩ họ lựa chọn chiến lược như vậy và sở dĩ được gọi là chiến lược vượt trội (mặc dù nếu họ hợp tác tức là cùng nhau không chi tiêu cho quảng cáo thì thị phần của họ vẫn không thay đổi, lợi ích của doanh nghiệp sẽ lớn hơn) là vì nếu họ không phản ứng (không chi cho quảng cáo), họ sẽ bị mất thị phần, mất khách hàng, chịu thiệt hại khi đối thủ thực hiện quảng cáo. "Nghịch lý nhà tù" vì thế đã trở thành một minh họa điển hình cho những bài toán về sự tương tác chiến lược giữ cấu kết và cạnh tranh nơi các nhà độc quyền nhóm có sự phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế lý thuyết trò chơi đặc biệt hiệu quả để giải thích sự vận động của thị trường dầu mỏ quốc tế - nơi mà các nhà độc quyền nhóm đặt trong mối quan hệ phụ thuộc, chiến lược họ lựa chọn quyết định cân bằng của thị trường. Và thực tiễn của lịch sử dầu mỏ cho thấy, họ lựa chọn chiến lược vượt trội - chiến lược phi hợp tác.

II. Chiến tranh giá 1985 - 1986: Cân bằng Nash từ chiến lược phi hợp tác của các thành viên OPEC

Giai đoạn 1973 - 1979, thị trường dầu mỏ được đánh dấu bằng hai cuộc khủng hoảng thiếu. Đây cũng là thời kỳ các thành viên OPEC đã thể hiện sự liên kết chặt chẽ khi ấn định quotas cung ứng. Chiến lược họ lựa chọn là chiến lược hợp tác. OPEC là một khối thống nhất, họ điều tiết lượng cung để kiểm soát thị trường và tăng giá dầu lên các mức sốc. Tuy nhiên trạng thái cấu kết đã không bền vững. Sau giai đoạn giá cao và kéo dài, các hiệu ứng từ phía cung và phía cầu làm cho lượng cung tăng và lượng cầu giảm, giá trên thị trường giảm xuống. Khi giá giảm rõ ràng là nếu OPEC cấu kết, các thành viên sẽ phải cắt giảm sản lượng sản xuất để cứu vãn thị trường, ngăn chặn đà giảm giá. Thực tế đã không xảy ra như vậy.

Việc các định mức sản xuất (quotas) được phân bổ đã nhanh chóng bị nhiều thành viên không tuân thủ. Một mặt họ vẫn cam kết thực hiện các định mức phân bổ, mặt khác họ muốn hưởng lợi nhiều hơn lợi ích từ cấu kết mang lại. Vì thế, dầu mỏ ngoài quotas đã được bán ra làm cho lượng cung thực của thị trường tăng lên. Và do đặc trưng ít co giãn của cung và cầu so với giá nên khi lượng cung tăng cũng làm cho giá nhanh chóng giảm xuống. Trên bàn họp OPEC càng cố gắng giảm lượng cung bao nhiêu thì trên thị trường càng làm tăng sự gian lận của các thành viên và dầu mỏ ngoài định mức tham gia vào lượng cung càng nhiều hơn. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi OPEC không thể điều tiết được lượng cung cũng là thời điểm tổ chức này tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn các định mức sản xuất giữa các thành viên (không cấu kết) và thị trường dầu mỏ nằm ở trạng thái khủng hoảng thừa, chiến tranh giá đã xảy ra vào năm 1985-1986.

Trò chơi giá dầu đã được xây dựng với các dữ liệu cụ thể về mức giá tương ứng với mức doanh thu của các thành viên OPEC [5] với 02 nhóm người chơi gồm OPEC vùng Vịnh (gồm Ả rập Xê út, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và Koweit) và các thành viên còn lại của OPEC. Các kết quả đều chỉ ra rằng, chiến lược cắt giảm sản lượng để giữ giá (chiến lược hợp tác) mang lại kết quả tốt nhất cho OPEC. Nhưng nếu nhóm này giữ cam kết cắt giảm (hợp tác), trong khi nhóm khác không chấp hành quotas (cạnh tranh), người bị thiệt sẽ là người giữ cam kết vì sản lượng bán ra ít và giá bị giảm xuống, còn người có doanh số cao là người vi phạm. Vì lo ngại việc "đối thủ" không giữ cam kết sẽ gây thiệt hại lớn nên các thành viên OPEC đã lựa chọn chiến lược cạnh tranh dù lựa chọn đó làm cho họ bị thiệt hại.

Đó là trạng thái cân bằng Nash ở thế tiến thoái lưỡng nan trên thị trường dầu mỏ năm 1985-1986. Bảng số liệu cho thấy, nếu người chơi 1 lựa chọn chiến lược hợp tác, kết quả họ nhận được là 106 và 82,2, còn nếu họ lựa chọn chiến lược cạnh tranh, kết quả họ nhận được là 113,7 và 91,4 bất kể người chơi 2 lựa chọn chiến lược thế nào. Như vậy khi làm phép so sánh rõ ràng chiến lược cạnh tranh với người chơi 1 là chiến lược vượt trội và họ lựa chọn. Tương tự với người chơi 2 nên cân bằng trên thị trường là trạng thái cạnh tranh cho lựa chọn này làm cả hai đều thiệt hại {91,4; 353,5} so với lựa chọn hợp tác {106; 410}.

Bảng 1: Cân bằng Nash của thị trường dầu 1986

Đơn vị: G$

Người chơi 2 (Phần còn lại của OPEC+ khác)

Người chơi 1 (OPEC vùng Vịnh)

CHIẾN LƯỢC

HT

CT

HT

(106; 410)

(82,2; 424,1)

CT

(113,7; 331)

(91,4; 353,5)

Ghi chú:

Chiến lược hợp tác HT: Đồng thuận cắt giảm sản lượng để giữ giá.

Chiến lược cạnh tranh (CT): Xóa bỏ quotas, thả nổi thị trường, người bán cạnh tranh.

Nguồn: BUI X.H (2003) [5]

Cũng có một cách lý giải khác về cân bằng của thị trường vào năm 1986. Sau những thành công ban đầu của chiến lược cấu kết (1973, 1979) số lượng các thành viên OPEC tăng lên làm cho tính không đồng nhất giữa các thành viên (trữ lượng, sản lượng, giá thành, mức sống v.v...) cũng tăng lên. Giữa họ đã không thể có được sự nhất trí về điều quan trọng nhất: mức giá. Với các nước mà trữ lượng ít hơn, chi phí sản xuất cao hơn mong muốn áp dụng mức giá cao trong khi các nước có trữ lượng dồi dào, chi phí sản xuất thấp lại muốn áp dụng mức giá hợp lý hơn. Do đó khi thực hiện chiến lược cấu kết, dù lợi ích tổng thể của “Cartel” là lớn nhất nhưng sẽ có sự khác biệt giữa các thành viên. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng thêm tính không bền vững của chiến lược cấu kết hay nói cách khác chiến lược thỏa hiệp không bền vững và rất khó duy trì.

III. Cân bằng Nash 2016 - Cấu trúc mới - chiến lược cũ - Chiến tranh giá phiên bản 2

Từ năm 2004, sự vận động trong dài hạn của thị trường dầu mỏ quốc tế đã đem đến một diện mạo mới. Nếu như trước đây các phân tích cấu trúc thường nhắc cơ cấu điển hình của thị trường là OPEC và phần còn lại của thế giới thì ngày nay một cơ cấu mới ra đời mà ở đó các nhà độc quyền nhóm sẽ là OPEC, Nga và Hoa kỳ. Chiến tranh giá của những năm 1985 là sự lựa chọn chiến lược phi hợp tác giữa các thành viên của OPEC. Cân bằng Nash 2016 là chiến lược cạnh tranh của những nhà độc quyền nhóm mới là OPEC, Mỹ và Nga. Sở dĩ thị trường dầu mỏ vẫn được xem như có cấu trúc độc quyền nhóm bởi theo số liệu của năm 2014 của BP thì sản lượng dầu thô sản xuất của 3 nhà sản xuất này đã lên tới 66% sản lượng toàn thế giới (Bảng 2).

Bảng 2: Sản lượng dầu mỏ sản xuất 2012-2014

Million tones

2012

2013

2014

Mỹ

394.7

448.5

519.9

OPEC

1779.0

1734.4

1729.6

Liên bang Nga

526.1

531.0

534.1

Σ 3 nhà sản xuất

2699.8

2713.9

2783.6

Tổng thế giới

4116.4

4126.6

4220.6

% 3 nhà sản xuất

65.6%

65.8%

66.0%

Nguồn: BP Statistical Review of World Energy 2015 - Workbook 5

Con số 66% không phản ánh hết được mức độ thâu tóm thị trường dầu mỏ quốc tế của ba chủ thể này vì thực chất dung lượng của thị trường, những giao dịch quốc tế hầu hết là các dòng chảy từ OPEC, Nga, còn dầu mỏ của Mỹ đáp ứng nhu cầu cho chính hộ tiêu dùng lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nếu Ả rập Xê út giữ vai trò “leader” trong OPEC với sản lượng sản xuất vượt trội so với các thành viên khác thì những năm gần đây, Mỹ thậm chí đã vượt qua đất nước vùng Vịnh này để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất, trong khi sản lượng của Nga cũng không thua kém nhiều so với 2 đối thủ (Hình 1). Rõ ràng một cấu trúc độc quyền nhóm mới được hình thành.

Hình 1: Biến động về sản lượng dầu thô sản xuất tại Mỹ, Ả rập Xê út và Nga (Mb/ngày)


                                                      Nguồn: BP. Bloomberg-Les Echos 2015

Đặc biệt hơn, những nhà độc quyền nhóm mới thậm chí còn có sự khác biệt rất lớn về địa chính trị nên không ngạc nhiên các quyết định chiến lược của họ không đơn thuần là đảm bảo sự an toàn cung ứng như ý nghĩa của một chiến lược vượt trội, mà thực sự là cuộc cạnh tranh khốc liệt đúng nghĩa của sự sát phạt, triệt hạ lẫn nhau. Vì vậy, nguy cơ của chiến tranh giá dầu mới đang rất hiện hữu. Lượng cung dư thừa từ chiến lược cạnh tranh của các nhà độc quyền nhóm trong cấu trúc mới, cân bằng Nash sẽ đẩy giá dầu năm 2016 xuống thấp ở mức chiến tranh giá. Chúng tôi sẽ phân tích từng chủ thể độc quyền nhóm và sư lựa chọn chiến lược của họ để khẳng định về nguy cơ của chiến tranh giá dầu phiên bản 2.

Trước hết là OPEC và chiến lược của họ. Thị phần của OPEC trên thị trường quốc tế dù có giảm đi nhiều so với những năm 70 nhưng những nhà sản xuất OPEC có những lợi thế vượt trội. Đặc biệt là về chi phí cung ứng dầu thô thuộc dạng thấp nhất thế giới và trữ lượng của họ vẫn còn dồi dào. Khi đó chiến lược giá thấp lại là chiến lược khôn ngoan khi vẫn đảm bảo được việc cung ứng là có lãi (dù giá có về mức 20$/thùng), đồng thời loại bỏ được các nhà cạnh tranh khác có chi phí cao hơn. Thực tế họ đã lựa chọn chiến lược này và hiệu lực của nó đã đến ngay cả trong ngắn hạn [6].

Tại Vienne (Áo), đầu tháng 12/2015, cuộc họp thường quý của OPEC đã diễn ra, bất chấp giá dầu đã xuống ở mức 40 $/thùng, với sự quyết đoán của Ả rập Xê út, các nước thuộc tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã đồng thuận áp dụng chiến lược mà họ đã đưa ra cách đây 1 năm tức là tiếp tục duy trì thị phần của OPEC trước các đối thủ lớn là Nga và Mỹ. Như vậy nếu Mỹ hay Nga có tăng sản lượng, OPEC duy trì thị phần thì sẽ đẩy lượng cung vốn dĩ đã dư tới sự dư thừa lớn hơn nữa. Quyết định này ngay lập tức đã đẩy giá dầu xuống ở mức 34 $/thùng cho các giao dịch ở New York và Luân Đôn. OPEC lựa chọn chiến lược phi hợp tác bất chấp điều này gây ra tổn thất không nhỏ cho họ, đặc biệt là các thành viên yếu hơn như Venezuela, Algerie hay Nigeria. Tuy vậy sẽ vẫn là sự lựa chọn vượt trội ở hai khía cạnh, trước tiên, giá dầu như vậy với OPEC chưa phải là thảm họa nhưng sẽ làm cho các đối thủ của họ có chi phí cao sẽ gặp vô cùng nhiều khó khăn. Thứ 2, nếu OPEC cắt giảm sản lượng vô hình chung họ sẽ mất thị phần vào tay Mỹ hay Nga và giá cả vẫn sẽ không tăng lên, thiệt hại kép cho OPEC vì doanh số bán dầu bị giảm.

Và cũng chính lựa chọn chiến lược vượt trội này OPEC cũng đã phần nào đạt được mục tiêu thứ 2: làm suy yếu đối thủ. Thật vậy, lượng giàn khoan dầu hoạt động và sản lượng sản xuất của Mỹ tăng suốt giai đoạn 2009-2014 đã giảm mạnh trong năm 2015.

Hình 2: Số lượng giàn khoan dầu mỏ của Mỹ đang hoạt động giai đoạn 2009-2015


                                                                                   Nguồn: Baker Hughes

Chủ thể độc quyền nhóm thứ 2 của thị trường dầu mỏ quốc tế là Mỹ. Những áp lực về đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh giá dầu cao trước đó dường như lại giúp nước Mỹ thay đổi cấu trúc thường thấy của thị trường dầu mỏ quốc tế. Với thành công mang tính lịch sử của công nghệ khai thác dầu đá phiến “shale oil” đã đưa nước Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới vào năm 2014 (Hình 1). Vai trò của Mỹ là hết sức quan trọng trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ quốc tế khi họ không chỉ là nhà sản xuất mà còn là hộ tiêu dùng lớn nhất thế giới. Vào chu kỳ giá thấp, chiến lược của nước Mỹ sẽ thế nào?

Nước Mỹ đã không cắt giảm sản lượng nhiều như dự kiến, khi năm 2015 sản lượng của họ vẫn ở mức 9.2 Mb/ngày. Điều đáng ngạc nhiên không chỉ ở sản lượng sản xuất mà dự trữ dầu thô của nước Mỹ cũng đạt mức kỷ lục, trong khi tiêu dùng trong nước không biến động nhiều [7]. Trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tới 25% từ 380 M lên 490Mb (Hình 3). Việc tăng lượng dự trữ ở Mỹ nhắm tới 2 mục tiêu, tích trữ dầu khi giá thấp đồng thời với việc mua vào nhiều như vậy sẽ giải quyết được phần nào lượng cung dư thừa trên thị trường quốc tế để giữ giá. Và chắc chắn rằng nếu Mỹ không tăng lượng dự trữ dầu thô, giá dầu đã không tăng trở lại ở mức 60 $/thùng vào tháng 5/2015.

Hình 3: Dự trữ dầu thô của Mỹ (2012-2015)

                                                                                              Nguồn: La Tribune 12/2015

Tuy vậy, giá dầu thực tế sau đó bị giảm mạnh và nguyên nhân của nó chính là phản ứng của các nhà độc quyền nhóm khác trên thị trường: OPEC, Nga v.v... Khi Mỹ càng cố gắng giải quyết dư thừa bằng việc tăng dự trữ, các nhà độc quyền nhóm khác sẽ lại tiếp tục bán ra và khi không thể tăng thêm dự trữ được nữa, lượng dư thừa lớn lại quay trở lại và giá sẽ giảm. Viễn cảnh giảm giá chắc chắn chưa dừng lại khi Mỹ sẽ dần điều chỉnh lượng dự trữ dầu thô phù hợp với lượng tiêu dùng, nếu như vậy dự trữ sẽ giảm. Nhưng dự trữ giảm để đáp ứng lượng cầu nội địa thì có nghĩa là giảm lượng cầu của Mỹ trên thị trường quốc tế, điều này sẽ chỉ làm cho giá dao động theo hướng giảm sâu hơn nữa.

Đặc biệt, cuối năm 2015, với việc gỡ bỏ điều luật cấm xuất khẩu dầu thô có hiệu lực từ 40 năm nay, dầu mỏ của Mỹ đã có thể chảy vào thị trường quốc tế. Một quyết định mang tính lịch sử cho phép suy đoán trữ lượng và năng lực sản xuất dầu đá phiến của nước Mỹ lớn như thế nào. Quyết định như lời khẳng định vai trò mới của nước Mỹ trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Rõ ràng nước Mỹ không xóa bỏ lệnh cấm bán dầu ra bên ngoài để cắt giảm sản lượng, đó cũng như một lời cảnh báo với các chủ thể độc quyền nhóm khác trên thị trường. Chiến lược cạnh tranh đã được Mỹ lựa chọn.

Chủ thể độc quyền nhóm thứ 3 trên thị trường dầu mỏ là Nga. Nga là nước sản xuất dầu mỏ thứ 3 thế giới nhưng lại đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu thô chỉ sau Ả rập Xê út [1], nên vai trò của Nga cũng hết sức quan trọng trong cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ. Nước Nga đang trong cấm vận, nhưng ngay cả khi không cấm vận cũng rất khó để Nga lựa chọn chiến lược khác ngoài cạnh tranh. Thứ nhất, Nga và OPEC rất khó tìm được tiếng nói hợp tác trong cắt giảm sản lượng khi OPEC đã chính thức lên tiếng với chiến lược bảo đảm thị phần của họ. Nếu như Nga và OPEC có thỏa thuận được với nhau để cắt giảm sản lượng thì điều đó chỉ có lợi cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ. Còn giữa Nga và Mỹ, hố sâu ngăn cách, các lệnh cấm vận, trừng phạt nhau ngày càng nặng nề nói gì tới sự hợp tác về dầu mỏ. Tóm lại, Nga phải đảm bảo một tỷ trọng ngân sách từ dầu mỏ nhất định và ứng phó các chiến lược từ OPEC và Mỹ. Trong bối cảnh đó lượng “vàng đen” từ Nga vào thị trường quốc tế chắc chắn sẽ không thể giảm đi.

Những phân tích trên đây về các chủ thể chính của thị trường dầu mỏ quốc tế và các chiến lược họ đã đang và sẽ lựa chọn để thấy rằng, cân bằng Nash của thị trường dầu mỏ quốc tế năm 2016 sẽ diễn ra. Cân bằng mà các nhà độc quyền nhóm cạnh tranh quyết liệt với nhau, thậm chí triệt hạ nhau nhằm thiết lập lại trật tự của thị trường. Đã có những tố cáo từ Nga nhằm vào Mỹ và Ả rập Xê út rằng chính các nước này làm lũng loạn thị trường và chỉ nhằm vào mục tiêu làm kinh tế Nga suy yếu như đã làm với Liên bang Xô viết trước đây. Những ngôn từ về “cuộc chiến giá dầu” [8] đã được sử dụng. Khi các quốc gia dầu mỏ này cùng đồng thời theo đuổi chiến lược cạnh tranh trong bối cảnh giá dầu thấp, chắc chắn sản lượng sẽ dư thừa nhiều hơn nữa và kịch bản “chiến tranh giá-phiên bản 2” là kịch bản được hầu hết các tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đưa ra. Goldman Sachs [9], trong logic như vậy đã đưa ra mức giá dầu năm 2016 thậm chí rơi về mức 20$/b - mức giá là kết quả của cân bằng Nash mà thay cho lời kết, là trạng thái cân bằng khi các chủ thể độc quyền nhóm quyết cạnh tranh với nhau dẫn tới chiến tranh giá phiên bản 2.

Tài liệu tham khảo:

[1] Dữ liệu thống kê: BP Statistical Review of World Energy 2015.

[2] BUI. X.H., [2015]: Prix du pétrole entre 1973 et 2014: Une évolution cyclique à long terme, in Revue de l'Énergie, ISSN 0303-240X, No 624, Avril 2015.

[3] La Tribune [2016]: Pétrole: Le Brent sous les 35 dollars pour la première fois en 11 ans, 7 janvier 2016.

[4] CAHUC P. et all., [2005]: État des lieux de l’Analyse économique, in Cahiers français, No. 327, Juillet-Aout, 2005.

[5] BUI X.H. [2003]: Dynamique des prix et des marchés internationaux de l’énergie: de l’enjeu actuel à la prise en compte des contraintes d’émission de long terme, thèse de doctorat, IEPE, Grenoble, pages 37-39.

[6] BEZAT J-M [2015]: L’OPEP laisse les vannes ouvertes, in Le Monde Économie, 12/2015.

[7] VESPIERRE G. [2015]: Pourquoi le prix du pétrole devrait encore baisser, in La Tribune, 23/12/2015.

[8] BEZAT J-M [2016]: Le plus dure sera 2016 pour les majors du pé trole ; et La guerre du brut ne fait que commencer, in le Monde Économie, VIETTIMES [2015]: Ả rập Xê út đang “giết chết” kinh tế Nga bằng cuộc chiến giá dầu.

[9] GOLDMAN SACHS [2016]: 2016 Global Oil Industry Outlook.

[10] BAZET J.-M. [2015]: Les marchés anticipent un pétrole à 40 dollards, in Le Monde, Economie & Entreprise, 3/2015.

Ngày nhận bài: 15/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 12/01/2016

Thông tin tác giả:

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi

Bộ môn Kinh tế công nghiệp - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Điện thoại: 0966656368

ThS. Nguyễn Xuân Vương

Công ty CP Phát triển Phú Gia

The oil price war 2016: The Nash equilibrium and the using dominant strategies of the game’s player

Assoc., Prof. Bui Xuan Hoi,

Department of Industrial Management,

Hanoi University of Science and Technology

Master. Nguyen Xuan Vuong,

Phu gia Development Joint Stock Company

Abstract:

In the early days of 2016, the oil price fell to US$ 30 a barrel, the lowest level since 2004 when the oil price started to rise. Organization of the Petroleum Exporting Countries and other countries, espicially, Russia and the United States still produce oil despite it only makes the oil price fell. There are many approaches to explain this situation. One of these approaches is Nash equilibrium in game theory. The Nash equilibrium is a solution concept of a non-cooperative game when players play their dominant strategy to create an equilibrium leading to a lower price. This lower price hurts every players. The Nash’s theory can be used to explain why the oil price fell from the average annual price of US$ 109 a barrel in 20013 to US$ 20 – 35 a barrel in 2015.

Keywords: The game theory, oligopoly, Nash equilibrium, international oil prices, the price war.