“Cuộc chiến không tiếng súng” - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Không gian mạng đã trở thành một vùng lãnh thổ bên cạnh đất liền, vùng biển, vùng trời của một quốc gia. Chính vì vậy, bên cạnh không gian vật chất truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên không gian mạng trong kỷ nguyên số hiện nay.

Thế giới đang bước vào “kỷ nguyên số” với sự phát triển như vũ bão của các công nghệ thông tin và ứng dụng internet. Sự phát triển này tạo ra một không gian chiến lược mới - “không gian mạng”, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc trưng mở, phổ biến, liên kết cao, không gian mạng là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng để tác động, bóp méo dư luận với các mục tiêu chống phá chế độ, chống phá Đảng. Không gian mạng đã trở thành một vùng lãnh thổ bên cạnh đất liền, vùng biển, vùng trời của một quốc gia. Chính vì vậy, bên cạnh không gian vật chất truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên không gian mạng trong kỷ nguyên số hiện nay.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Bên cạnh không gian vật chất truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên không gian mạng trong kỷ nguyên số hiện nay

Bản chất, cốt lõi của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nền tảng tư tưởng là hệ thống quan điểm chỉ đạo nhận thức và hoạt động thực tiễn của một cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng của Đảng đã được xác định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là những học thuyết, những tư tưởng được hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại; liên tục được bổ sung, phát triển từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nghĩa là làm cho cán bộ, Đảng viên, nhân dân hiểu đúng và vận dụng các học thuyết nói trên trong thực tiễn; Đấu tranh phản bác các nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về lãnh đạo Đảng, nhà nước, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước; Cung cấp thông tin thường xuyên kịp thời về thành tích phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để củng cố, gia tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, bảo vệ nền tảng của Đảng còn là việc giữ vững hình ảnh, uy tín của từng Đảng viên, cơ sở, cấp ủy Đảng. Mỗi Đảng viên, cơ sở, cấp ủy Đảng không làm tốt công việc được giao, bị dụ dỗ, mua chuộc hoặc có biểu hiện tham ô, tham nhũng hay tự diễn biến, tự chuyển hóa đều tác động tiêu cực đến dư luận xã hội và niềm tin của nhân dân vào Đảng và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ mang mục đích tự thân mà còn là mang lại nhiều phúc lợi hơn, giảm chi phí, phiền hà, mang lại cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn cho người dân, doanh nghiệp, xã hội. Từ đó người dân, doanh nghiệp, xã hội càng tin yêu Đảng hơn, ủng hộ, phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng nhiều hơn.

Sự cấp bách trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới, là quốc gia có lượng người dùng internet và dùng mạng xã hội lớn (lần lượt ở mức 78 triệu và 70 triệu người tính đến tháng 3/2023 - theo Digital Vietnam Report 2023 của We Are Social).

Có thể nói không có cộng đồng nào ở Việt Nam có số lượng thành viên đông và đa dạng như cộng đồng không gian mạng. Không có môi trường nào có thể truyền bá, định hướng dư luận hiệu quả và nhanh chóng bằng môi trường mạng. Chính vì vậy, các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài đang ra sức sử dụng không gian mạng để bôi nhọ hình ảnh, nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm làm suy giảm uy tín, vai trò và vị thế của Đảng.

Các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng tập trung chủ yếu vào một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Thứ hai, tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tấn công vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; Tung tin giả về thân thế, sự nghiệp, tài sản, “sai phạm” của lãnh đạo cấp cao.

Thứ ba, bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả Đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; Phủ nhận thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, bịa đặt, đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên bình diện thông tin đối ngoại; Phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng ta với các chiêu bài như “bài”, “thoát” nước này, liên minh với nước kia.

Công tác triển khai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Nhận thức tầm quan trọng của việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Quán triệt các Nghị quyết nói trên, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai công tác tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ, thường xuyên, tích cực công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông, thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo Bộ; Cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành; Thông tin về thành tích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc thông qua các talk show chuyên ngành về công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (như talk show về thương mại điện tử). Chủ động theo dõi, phát hiện, xử lý và viết bài phản bác khi xuất hiện các bài viết, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng. Khi kịp thời nhận được các thông tin chính thống, công chức, Đảng viên và người dân sẽ có lập trường tư tưởng vững vàng, rất khó bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu độc, xuyên tạc trên không gian mạng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Tháng 6/2022, Bộ Công Thương lần đầu tiên khánh thành và đưa vào hoạt động Phòng Truyền thống ngành Công Thương trong đó trưng bày, giới thiệu về lịch sử hào hùng của ngành Công Thương

Thứ hai, thường xuyên chú trọng công tác bồi dưỡng học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và học tập truyền thống lịch sử ngành Công Thương. Tháng 6/2022, Bộ Công Thương lần đầu tiên khánh thành và đưa vào hoạt động Phòng Truyền thống ngành Công Thương trong đó trưng bày, giới thiệu về lịch sử hào hùng của ngành Công Thương. Đặc biệt, các nội dung, hiện vật trưng bày tại phòng Truyền thống được đưa lên môi trường số, giúp cho mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đều có thể tham quan, tìm hiểu các giai đoạn lịch sử của ngành Công Thương, từ đó thêm thấu hiểu, cảm phục, tin yêu vai trò của Đảng, nhà nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phát động phong trào học tập, làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Có những cuộc thi viết về học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thu hút được sự tham gia của 100% công chức, Đảng viên của một số đơn vị thuộc Bộ. Đây là những việc làm sinh động, thiết thực để bảo vệ, phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng trong Đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân.

Thứ ba, luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng cao ý thức bảo vệ chính trị nội bộ của cán bộ, Đảng viên để ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ cán bộ, Đảng viên bị lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ bởi các thế lực thù địch trên môi trường không gian mạng. Công tác này được quan tâm đặc biệt vì hàng năm Bộ Công Thương có số lượng lớn cán bộ tham gia công tác đàm phán các Hiệp định/Thỏa thuận về thương mại với nước ngoài cũng như cán bộ đi công tác nhiệm kỳ dài hạn tại Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Trong quá trình đàm phán hoặc công tác tại Thương vụ, cán bộ luôn đứng trước nguy cơ bị phía nước ngoài lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí cài bẫy.

Thứ tư, luôn quan tâm bồi dưỡng ý thức bảo vệ tài liệu mật và an ninh mạng đến từng chi bộ, Đảng viên để chống lộ lọt, rò rỉ tài liệu, thông tin mật. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh đối với hệ thống email, website của Bộ cũng đặc biệt được quan tâm để tránh nguy cơ xâm nhập hệ thống, chỉnh sửa, đăng tải thông tin xấu độc hoặc lộ lọt thông tin.

Thứ năm, Bộ Công Thương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số và công tác cải cách hành chính nhằm giảm chi phí, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đến thời điểm này, tất cả 302 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên (08 DVCTT mức độ 3, 228 DVCTT mức độ 4). Tổng số hồ sơ DVCTT trong năm 2022 và 04 tháng đầu năm 2023 lần lượt là 1.7 triệu và 537 nghìn bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ (số liệu lấy từ Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương).

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng

Thứ sáu, thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng. Đây là công tác rất quan trọng vì nếu tình trạng hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng không được xử lý, quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ, người dân sẽ có cái nhìn tiêu cực đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của Đảng, nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Để thực hiện công tác này, Bộ Công Thương đã bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội gỡ bỏ thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24h kể từ khi nhận được yêu cầu (đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử); Tích cực chủ động phối hợp các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Năm 2022 gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Kiểm tra gần 800 vụ việc (vi phạm trong thương mại điện tử và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả), xử phạt gần 6 tỷ đồng (số liệu tổng hợp từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số và Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương).

Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Thời gian qua, các cơ quan, trong đó có Bộ Công Thương, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Tuy vậy, trong thời gian tới, hiệu quả công tác này vẫn có thể được nâng cao hơn nữa nếu tập trung đổi mới về công cụ, phương pháp, bổ sung nguồn lực, mở rộng không gian, đối tượng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ nhất, phải xây dựng được công cụ hữu hiệu giúp nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Công cụ này có thể là các thuật toán tự động sàng lọc, phân loại, ngăn chặn xử lý thông tin trên mạng xã hội dựa trên các từ khóa hoặc các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Thứ hai, về nguồn lực, cần huy động sự tham gia của tất cả cán bộ, Đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần đề cao kỷ luật phát ngôn, ý thức trách nhiệm của Đảng viên, công chức khi tham gia các mạng xã hội. Công chức, Đảng viên tham gia các mạng xã hội tỉnh táo phân tích, kiểm chứng thông tin trên mạng trước khi bình luận, chia sẻ. Tuyệt đối không lưu trữ, cung cấp, phát tán, chia sẻ thông tin xấu độc, không nói trái chủ trương, chính sách, pháp luật trên mạng xã hội.

Thứ ba, bên cạnh việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phát hiện ngăn chặn thông tin xấu độc thì cần yêu cầu cán bộ, Đảng viên, nhất là Đảng viên giữ cương vị lãnh đạo nêu gương trong sinh hoạt và công vụ. Hành động gương mẫu, nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là “mệnh lệnh không lời”, trực tiếp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân dân học tập, noi theo, qua đó, góp phần bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát thông tin trên không gian mạng để phát hiện thông tin xấu độc từ sớm, từ xa. Tập trung phát hiện các trang web, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; Phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá; Phát hiện, xử lý cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá Đảng.

Thứ năm, mở rộng không gian, đối tượng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Hiện nay nhiều cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội tuy không dùng mạng xã hội nhưng thường xuyên phát biểu, bình luận trái chiều, bài xích, phủ nhận tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Phát biểu của những đối tượng này được các thế lực thù địch lợi dụng đăng tải trên không gian mạng để chống phá Đảng. Vì thế, cần phải mở rộng đối tượng đấu tranh, xử lý đến cả những đối tượng không tham gia không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác đa phương và song phương, ký kết thỏa thuận hợp tác với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài để giải quyết từ gốc đối với thông tin xuyên tạc, tin giả, sai sự thật vì phần lớn các thế lực thù địch đều hoạt động ở nước ngoài để trốn tránh sự xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam.

Có thể thấy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là công tác thường xuyên, lâu dài. Mặc dù khó khăn nhưng công tác này chắc chắn sẽ thành công nếu huy động được sự tham gia rộng rãi của đảng viên, công chức, phát huy được sự kiên nhẫn, bền bỉ, lý tưởng, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mỗi Đảng viên cũng như cấp ủy các cấp.

Chi ủy Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số