Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Một góc nhìn khác

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã chính thức nổ ra từ giữa năm 2018 và những tín hiệu từ cả hai phía cho thấy, cuộc chiến này sẽ kéo dài, phạm vi cuộc chiến có thể được mở rộng. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có thể “đong đếm” được một số tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Việc đưa ra một góc nhìn khác dưới đây về tác động của cuộc chiến thương mại này nhằm đưa ra các kiến nghị để hoạch định một chiến lược tổng thể, lâu dài, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội và đối phó thách thức từ cuộc chiến này.

Cuộc chiến không vì cân bằng thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy trở thành cường quốc có khả năng thách thức ngôi vị cường quốc số 1 thế giới của Mỹ. Tương quan sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đã rút ngắn đáng kể so với Mỹ, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu nổ ra tại Mỹ năm 2008. Nếu năm 2010, tổng GDP của Trung Quốc mới là 5,9 nghìn tỷ USD, kém xa so với GDP của Mỹ là 14,5 nghìn tỷ USD, thì đến năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, khoảng cách này đã rút ngắn đáng kể, khi tổng GDP của Trung Quốc là 12,7 nghìn tỷ USD và của Mỹ là 19,7 nghìn tỷ USD.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, nước này đã từng bước điều chỉnh chính sách phát triển đất nước, chính sách đối ngoại theo hướng từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình trước đây. Theo đó, Trung Quốc đã và đang triển khai một loạt chiến lược phát triển lớn với tham vọng thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc phát triển vào giữa thế kỷ này. Chẳng hạn, triển khác sáng kiến “Vành đai và Con đường” có quy mô gần như toàn cầu; thực hiện kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” nhằm nâng cấp một số ngành chế tạo, công nghệ, các ngành kinh tế mới để cạnh tranh với Mỹ và phương Tây…

Về phía Mỹ, sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống năm 2016, Chính phủ Mỹ đã triển khai các chính sách kinh tế đối ngoại cứng rắn hơn, theo phương châm “nước Mỹ trên hết”. Theo đó, Mỹ gia tăng các chính sách bảo hộ mậu dịch, tăng thuế với hàng hóa của một loạt đối tác thương mại chủ chốt, đàm phán lại một số FTA theo hướng có lợi hơn cho Mỹ…

my trung
Mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến này là nhằm ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Trung Quốc chứ không phải hướng tới cân bằng thương mại song phương.

 

Riêng trong lĩnh vực thương mại, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn của nhau. Trung Quốc là nước chiếm tỉ trọng hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ từ Trung Quốc trong những năm gần đây không tăng nhanh, nhưng vẫn ở mức cao, năm 2018 mức thâm hụt này là 416,2 tỷ UDS (theo thống kê từ phía Trung Quốc).

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả thâm hụt thương mại là chính giới Mỹ gần đây đã thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, quan điểm phổ biến của chính giới Mỹ là thúc đẩy cải cách, mở cửa kinh tế ở Trung Quốc để qua đó làm nước này thay đổi về chính trị, trở thành một nước lớn “có trách nhiệm” và nằm trong hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Mỹ nhận ra rằng Trung Quốc phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng vẫn đi theo con đường riêng của mình và đang trở thành cường quốc duy nhất trên thế giới có thể thách thức địa vị cường quốc số một thế giới của Mỹ.

Trong bối cảnh nêu trên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang được giới phân tích nhìn nhận là một biểu hiện của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Nói cách khác, mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến này là nhằm ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Trung Quốc chứ không phải hướng tới cân bằng thương mại song phương. Thông qua cuộc chiến thương mại,  Mỹ muốn kiềm chế, ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, chế tạo…

Dấu mốc chính và những tác động đã “đong đếm” được

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã manh nha từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, viện dẫn lý do việc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngày 15/6/2018, Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt thuế suất 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức nổ ra. Tiếp đó, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra 3 lượt tăng thuế với hàng hóa của đối phương. Tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Hôm 5/5, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố thuế suất áp dụng với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 25%. Từ tháng 5 đến nay, sau khi vòng đàm phán thương mại song phương thứ 11 tại Washington thất bại, Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% với 325 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất vào Mỹ hiện vẫn chưa bị đánh thuế.

Từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đến nay, đã có nhiều dự báo bi quan về tác động của cuộc chiến này với kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, cuộc chiến này sẽ làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020, với khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn quy mô kinh tế Nam Phi. Đối với Trung Quốc, hiện nay đa số các dự báo cho rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,5%; thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng trong kịch bản xấu nhất, GDP của nước này còn giảm tới 1,5%. Đối với Mỹ, các dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm từ năm 2019. Việc đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm rối loạn chuỗi cung ứng, gây tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ và tạo ra thách thức với uy tín ông Trump trong bối cảnh Trung Quốc “trả đũa” tăng thuế với nông sản Mỹ tại nhiều bang quan trọng với ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới…

my - trung
Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% với 325 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất vào Mỹ hiện vẫn chưa bị đánh thuế.

 

Tuy nhiên, trên thực tế đến nay tác động thực sự từ cuộc chiến thương mại nói trên với kinh tế toàn cầu không lớn như dự báo. Ngoài tác động tâm lý đến thị trường chứng khoán trong một số phiên, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với kinh tế toàn cầu không thật sự rõ ràng và chưa thể đong đếm hết được. Đối với kinh tế Trung Quốc, mặc dù đã có nhiều dự báo bi quan, song trên thực tế GDP của nước này trong quý 1/2019 vẫn tăng 6,4%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng trong năm 2018, đạt hơn 416 tỷ USD. Riêng trong tháng 5 vừa qua - tháng mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng - xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 1,1% và thặng dư với Mỹ vẫn đạt 26,89 tỷ USD, tăng nhiều so với mức 21 tỷ USD của tháng 4. Nếu làm một phép so sánh, có thể thấy, lượng hàng hóa mà Trung Quốc có thể bị Mỹ đánh thuế ở mức tối đa cũng chỉ là khoảng 550 tỷ USD. Con số này vô cùng nhỏ so với quy mô nền kinh tế hơn 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế nước này chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu khoảng 18%.

Đối với Mỹ, các con số thống kê cũng cho thấy, tác động của cuộc chiến thương mại với kinh tế nước này là không đáng kể. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,1% năm 2018; 3,2% trong quý 1/2019 và tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 vừa qua là 3,6%, thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Hôm 6/6 vừa qua, trong dự báo mới nhất, IMF đã nâng dự báo kinh tế Mỹ lên 2,6% trong năm nay, tăng 0,3% so với dự báo tháng 4/2019. Mới đây, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow nhận định rằng, kinh tế nước này có thể tăng trưởng 3% năm nay. Đối với “ông chủ Nhà Trắng” D. Trump, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc dường như cũng không thể “làm khó” ông trong cuộc bầu cử sắp tới. Kết quả thăm dò mới nhất mà báo chí Mỹ công bố cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump tăng và đạt mức 53%, cao hơn tới 9% so với người tiền nhiệm Obama ở cùng thời điểm của nhiệm kỳ Tổng thống.

Tuy nhiên, nhìn vào cục diện mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay cũng như những tín hiệu từ hai phía, có thể dự báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài và lan rộng sang các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh đó, tác động của cuộc chiến này với Mỹ, Trung Quốc và thế giới có thể nghiêm trọng hơn thời gian qua rất nhiều. Nhìn về trung hạn, có thể dự báo, cuộc chiến thương mại và kiểu quan hệ Mỹ - Trung như hiện nay kéo dài ít nhất đến năm 2025. Lý do đơn giản là quan điểm từ hai phía không thay đổi và ở Mỹ, ông Trump nhiều khả năng tái cử thêm một nhiệm kỳ, còn ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng sẽ làm điều tương tự. Trong thời gian tới, Trung Quốc chắc chắn không nhượng bộ Mỹ khi các đòi hỏi của Washington đụng chạm đến những “lợi ích mang tính cốt lõi” của Bắc Kinh, trong khi phía Mỹ chắc chắn không ngừng gây sức ép trong bối cảnh họ đang chiếm “thế thượng phong” trong cuộc chiến này.

Một khi bản chất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được xác định là cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, cuộc đối đầu giữa hai bên có thể không chỉ dừng ở lĩnh vực thương mại, mà còn lan sang các lĩnh vực khác. Trước mắt, ba cuộc chiến khác đã manh nha và có nguy cơ bùng phát trong tương lai tùy thuộc vào diễn biến thực tế quan hệ Mỹ - Trung, đó là các cuộc chiến tranh về: Công nghệ, tiền tệ, thông tin.

my - trung 2
Ba cuộc chiến khác đã manh nha và có nguy cơ bùng phát trong tương lai là Công nghệ, tiền tệ, thông tin.

 

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam cũng trở thành tâm điểm chú ý của giới phân tích vì vị trí địa lý nằm ngay cạnh Trung Quốc và mối quan hệ thương mại sâu sắc với cả hai đối tác Mỹ - Trung. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những dự báo rất khác nhau về tác động của cuộc chiến nói trên đối với Việt Nam. Chẳng hạn, một số chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cuộc chiến thương mại nói trên sẽ tác động tiêu cực, làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 2020; trong khi đa số các chuyên gia phương Tây cho rằng Việt Nam là nước được lợi từ cuộc chiến này, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, tác động tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 1,5%. Đa số các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các nhà đầu tư sẽ chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam…

Ở thời điểm hiện tại, nếu nhìn vào các con số thống kê đầu tư, xuất nhập khẩu, có thể thấy Việt Nam đã ít nhiều được hưởng lợi về đầu tư, thương mại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể là, trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đã chảy mạnh vào Việt Nam. Trong đó, riêng FDI từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng đột biến với mức 7,1 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, con số này chưa phản ánh hết kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, bởi vì nhiều công ty Trung Quốc còn đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty của họ ở Singapore.

xuat khau xoai
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu vào Mỹ, gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra gay gắt.

 

Về xuất khẩu, các số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu vào Mỹ, gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra gay gắt. Quý 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái và điều này trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm đang diễn ra ở tất cả các thị trường còn lại của châu Á, bao gồm Singapore (-8,9% trong quý 1/2019), Thái Lan (-1,6%), Hàn Quốc (-8,5%) và Đài Loan (-4,5%) tính theo USD. Riêng với thị trường Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã đạt 22,6 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm trước. Một số phân tích chỉ ra rằng, Việt Nam có cơ hội thay thế hoặc tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng nhựa, hóa chất, đồ gỗ, đồ điện tử, nông sản… của Trung Quốc tại thị trường Mỹ, trị giá khoảng 13 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cùng kỳ đã giảm 2,6% và chỉ đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%. Một số mặt hàng giảm mạnh như: thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%.

Nhìn từ số liệu thống kê nêu trên, có thể thấy về tổng thể, Việt Nam được hưởng lợi kinh tế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạc quan về lợi ích mà cuộc chiến này mang lại. Trong đánh giá tác động của cuộc chiến nói trên với Việt Nam và tư vấn chính sách, cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, những thống kê tích cực từ đầu tư, thương mại nêu trên không hoàn toàn do Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà còn do thời gian qua Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy ưu thế nguồn nhân lực giá rẻ và nhất là tận dụng ngày càng tốt hơn ưu thế từ 16 Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán.

Thứ hai, đối với lĩnh vực đầu tư, bên cạnh tín hiệu tích cực là FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đạt tới 16,74 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cần lưu ý là Việt Nam đang đối mặt các nguy cơ gia tăng về quá tải hạ tầng, giá đất, nhân công và nguy cơ tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cũng không nên quá lạc quan vào việc sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam bởi ba lý do sau: (1) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài và các doanh nghiệp chỉ chuyển sang Việt Nam khi cục diện cuộc chiến này đã ngã ngũ và gây nhiều khó khăn cho họ; (2) Xét trong bài toán lợi ích tổng thể, nhiều doanh nghiệp sẽ không chuyển sang Việt Nam trong bối cảnh hạ tầng cơ sở và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện còn kém xa Trung Quốc; (3) Chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc sẽ tìm cách “giữ chân” các nhà đầu tư lớn thông qua nhượng bộ về lợi ích cũng như các biện pháp hành chính.

Thứ ba, đối với lĩnh vực thương mại, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ đã gia tăng đáng kể, song cần lưu ý hai điểm. Một là, một khi chiến tranh thương mại leo thang, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ còn khó khăn hơn do tỷ giá đồng NDT có thể giảm khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn tại Trung Quốc và khi kinh tế Trung Quốc suy giảm, nhu cầu nhập khẩu cũng giảm theo. Hai là, dù Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thời gian khá dài mới có thể chuẩn bị đủ dây chuyển sản xuất, nguyên liệu, nhân công… để sản xuất hàng hóa thế chỗ “khoảng trống” mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc để lại ở thị trường Mỹ. Đó là chưa kể, Việt Nam còn đối mặt các thách thức khác trong mối quan hệ thương mại phức tạp với hai đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc.

doanh nghiep viet
Cần tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp có thể linh hoạt, chủ động ứng phó các biến động của thị trường bên ngoài.

 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo là cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn như trên, Việt Nam cần có các đối sách trước mắt và giải pháp mang tính chiến lược dài hạn để tận dụng cơ hội và đối phó các thách thức. Theo đó, trong ngắn hạn, những “việc cần làm ngay” của Việt Nam là tăng cường thông tin cho các chính quyền địa phương, doanh nghiệp để có nhận thức đúng và thống nhất về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như các giải pháp, chính sách ứng phó của Chính phủ. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện một cơ chế sàng lọc đầu tư để chọn lọc thu hút các dự án đầu tư tốt; Chính  phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp có thể linh hoạt, chủ động ứng phó các biến động của thị trường bên ngoài.

 Về dài hạn, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các “khâu đột phá chiến lược” về cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao trình độ nhân lực để tăng cường nội lực và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sức hút với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường tính tự lực, tự cường của nền kinh tế thông qua việc xây dựng hai chiến lược lớn. Một là, “chiến lược đầu tư ra nước ngoài” để tăng cường vị thế, nội lực cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Hai là, triển khai chiến lược “Made by Vietnam” (sản xuất bởi Việt Nam). Chiến lược này giúp tăng cường vị thế hàng Việt, tăng nhanh tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu do người Việt đầu tư, thiết kế, sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cao; đồng thời, giúp kinh tế Việt Nam từng bước giảm lệ thuộc vào khu vực FDI.

Nguyễn Quốc Trường

                                                Viện Chiến lược phát triển, Bộ KHĐT