Cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Trung Quốc

Với sản lượng và chất lượng gạo của Long An, Đại diện Tập đoàn Thâm Đồng Hâm, Trung Quốc chắc chắn, trong thời gian sắp tới, hạt gạo chất lượng cao được sản xuất tại Long An sẽ có mặt tại nhiều nơi ở Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao chất lượng gạo Việt

Hiệp hội Lương thực và 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc đã đến 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang để trực tiếp đàm phán, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn nhập khẩu gạo Việt trong thời gian sắp tới.

Mới đây, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc và 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc đã có buổi làm việc với ngành Công Thương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo tỉnh Long An nhằm trực tiếp đàm phán nhập khẩu gạo trong thời gian sắp tới.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Trung Quốc
Doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc làm việc với  tỉnh Long An để trực tiếp đàm phán, kết nối giao thương và mong muốn nhập khẩu gạo Việt trong thời gian sắp tới

Trung Quốc là bạn hàng quen thuộc của hạt gạo Long An và tiềm năng rất lớn khi có nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm đến đặt hàng để nhập khẩu gạo với số lượng lớn.

Ông Lưu Anh, Uỷ viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây cho biết, trước đây tỉnh Sơn Tây và một số địa phương ở Trung Quốc thường nhập khẩu gạo của Thái Lan, Pakistan nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nhập khẩu gạo từ Việt Nam vì gạo Việt Nam chất lượng cao, giá tốt, giao thương giữa hai quốc gia có nhiều thuận lợi.

Ông Lưu Anh đánh giá, từ thực tế tận mắt xem hệ thống nhà máy xay xát gạo, kho trữ, các phòng Lab kiểm tra chất lượng, nhiều mẫu gạo chất lượng cao được trưng bày tại Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến rõ ràng là tiềm năng để Hiệp hội và doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm hợp tác, nhập khẩu gạo của Công ty với số lượng lớn trong thời gian sắp tới.

Ông Trần Văn Bảo - Đại diện Tập đoàn Thâm Đồng Hâm (Thành phố Thâm Quyến) cũng cho biết, hiện nay Tập đoàn đã nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong đó 70% lượng gạo nếp được nhập khẩu từ Long An.

Đối với Trung Quốc, sản phẩm gạo thâm nhập được vào thị trường quan trọng là phù hợp với khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người dân, và hơn nữa chất lượng gạo là yếu tố quyết định.

Với sản lượng và chất lượng gạo của Long An, ông Bảo chắc chắn trong thời gian sắp tới, hạt gạo chất lượng cao được sản xuất tại Long An sẽ có mặt tại nhiều nơi ở Trung Quốc.

Gạo Long An rộng đường sang Trung Quốc

Long An là một trong những địa phương sản xuất lương thực lớn nhất nước, gần đây một lượng lớn gạo ngon đã xuất khẩu đi Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu gạo qua thị trường này ngày càng tăng.

Mỗi năm Long An xuất khẩu 600.000 - 800.000 tấn gạo, chiếm 17 - 20% sản lượng xuất khẩu cả nước. Trong năm 2018, Long An xuất khẩu gần 470.000 tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 235 triệu USD, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Ghana, Nam Phi…

Cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Trung Quốc
Với sản lượng và chất lượng gạo của Long An, đại diện doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, trong thời gian sắp tới, hạt gạo chất lượng cao được sản xuất tại Long An sẽ có mặt tại nhiều nơi ở Trung Quốc

 

Quí I, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 150.000 tấn, qua thị trường Trung Quốc và thị trường mới là Cameroon, Philippines. Hiện tại, Long An có 21 doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh Long An được phép xuất khẩu gạo trực tiếp, trong đó có 3 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thành Mười - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến cho biết, sau 15 thành lập, Công ty hiện là 1 trong 2 doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo của Việt Nam đi qua các nước.

Công ty xuất khẩu khoảng 350.000 tấn gạo sang Philippines, Malaysia, Indonesia, HongKong, trong đó có 150.000 tấn qua thị trường Trung Quốc với sản phẩm chủ yếu là gạo thơm, gạo nếp.

Hiện tại, Long An có 21 doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh Long An được phép xuất khẩu gạo trực tiếp, trong đó có 3 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Trung Quốc là bạn hàng quen thuộc của hạt gạo Long An và tiềm năng rất lớn khi có nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm đến đặt hàng để nhập khẩu gạo với số lượng lớn.

Hiện nay, Long An có 520.000 ha diện tích trồng lúa, sản lượng đạt khoảng 2,8 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao đạt 40%. Long An hiện đang sản xuất các loại giống lúa thơm, đặc sản chủ lực, chất lượng cao như gạo nếp, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên, Nàng Thơm, RVT…

Cho đến nay, Long An đã quy hoạch xây dựng các vùng, tiểu vùng với 40.000 ha lúa chất lượng cao, đặc biệt còn có hơn 8.600 ha lúa ứng dụng công nghệ cao và sẽ đạt 20 .000 ha lúa canh tác kiểu này trong năm 2020.

Thu Thủy