Đa Hội giàu… mà khổ!

Giàu thì đã rõ. Mới đến đầu làng Đa Hội (xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã thấy sự giàu hiển hiện từ cái cổng làng đồ sộ được xây mới năm 2004. Rồi thì những ngôi nhà 4-5 tầng chót vót. Bước chân vào

Nghề sắt ở Đa Hội có từ thế kỷ XVI. Truyền rằng, tổ nghề là Quận công Trần Đức Huệ, vốn là người gốc Sơn Nam, sinh ra trong một gia đình có nghề thợ rèn. Lớn lên anh thợ rèn khoẻ mạnh, cường tráng ấy tòng quân theo nhà Mạc, trở thành một võ tướng dũng mãnh, được vua phong tới “Thượng trụ quốc thái bảo dương quận công”. Khi về hưu, ông đến vùng quê Kinh Bắc này sinh sống và mở lò rèn, truyền nghề cho dân làng. Ông được dân làng tôn thờ làm tổ nghề ở Đa Hội. Trải mấy thế kỷ, nghề rèn sắt chỉ làm ra những vật dụng hàng ngày chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm, thuổng, xẻng…

Có một thời, nghề rèn ở đây lao đao bởi thị trường ngày càng thu hẹp, khi nông nghiệp đã được cơ giới hoá. Chỉ mới đầu những năm 90 thế kỷ trước thôi, Đa Hội còn phải vật vã tìm hướng đi cho làng nghề. Khi đó người Đa Hội làm một số sản phẩm dân dụng như cửa xếp, ốc vít, bản lề, đinh… Thế rồi chẳng nhớ ai là người đầu tiên xây dựng lò đúc thép, họ mạnh dạn mua sắm dây chuyền cán thép cùng các máy đột dập của Ba Lan, Đức, nhất là của Trung Quốc mang về sản xuất thép xây dựng. Nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, do vậy thép Đa Hội với giá thành hợp lý nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Tuy rằng, chất lượng chưa cao lắm, nhưng để xây những căn nhà 4-5 tầng thì “vô tư” - một chủ lò thép nói. Anh còn bật mí, có nhiều tòa nhà cao tầng ở những khu đô thị mới cũng dùng thép Đa Hội cả đấy.

Những chủ này phất lên nhanh chóng, người Đa Hội thi nhau học tập họ, nay thì cả làng Đa Hội đã trở thành một công trường luyện, cán thép lớn nhất nước. Ở Đa Hội có trên 600 cơ sở sản xuất thép, thu hút trên 3000 lao động địa phương và từ 2000-3000 lao động các tỉnh khác. Ước tính, công suất hàng năm của Đa Hội khoảng 350.000 tấn, tương đương với khu gang thép Thái Nguyên. Đến Đa Hội hôm nay, thấy trên là trời, dưới là sắt thép. Nhìn những đống sắt phế liệu cao như núi chuẩn bị đưa vào lò đúc, tôi có cảm tưởng như đang ở một… triển lãm thế giới cơ khí, thôi thì đủ loại, có cả xác xe tăng, thiết giáp, xe tải hạng nặng, mảnh bom, vỏ tàu biển, toa xe lửa, những chiếc cần trục nặng nề… tất tật được “xả thịt” cho vào lò nấu. Những loại “đồng nát” này có xuất xứ từ làng Quan Độ, một làng cũng ở xứ Kinh Bắc, nổi tiếng về nghề đồng nát. Ở Quan Độ, người ta còn mua cả xác máy bay về xả ra bán cho những lò đúc nhôm.

Nhịp sống ở Đa Hội chẳng giống một làng quê tí nào, ngày đêm đều vội vã, hối hả. Ban ngày thì ầm ĩ bởi hàng trăm xe tải chở nguyên vật liệu cho sản xuất, chở thành phẩm đi các nơi. Ban đêm, từ 22 giờ, các lò đúc thép bắt đầu đỏ lửa, bởi đây là lúc giá điện rẻ nhất. Trung bình mỗi lò luyện được 4 mẻ phôi một đêm, mỗi mẻ khoảng một tấn. Những người thợ luôn chân luôn tay, mồ hôi đầm đìa bêncạnh lò lửa hừng hực, sức nóng cả ngàn độ. Vất vả nhưng thu nhập cũng tàm tạm anh ạ - anh Tân, một người thợ quê ở Hà Nam nói, mỗi đêm làm việc khoảng 6 tiếng,  được trả công chừng một trăm ngàn, sắp tới được tăngthêm, tháng tôi cũng để ra được đôi triệu nuôi con. Tôi có hai cháu đang học đại học cơ, ở quê thì chả biết lấy gì nuôi chúng.

Ông Dương Quang Sắc - Phó Chủ tịch xã Châu Khê nói với vẻ tự hào rằng, ở Đa Hội “ra ngõ gặp tỷ phú”, quả không ngoa. 600 cơ sở sản xuất thép, mỗi cơ sở một tháng cho ra lò trên trăm tấn thép, với giá 17-18 triệu đồng/tấn, tính ra doanh số gần hai tỷ một tháng. Mà sản xuất như ở Đa Hội lãi ròng cao lắm, nguyên vật liệu tính giá đồng nát, không mất phí quản lý, không mất tiền khấu hao máy móc bởi toàn máy cũ hết khấu hao từ lâu… bởi thế các ông chủ hầu như đều có ô tô riêng, mà toàn “xe chấm” thôi. Sắm một con cam-ry “ba chấm” với họ dễ như sắm xe máy vậy. Ở Đa Hội, ta hay bắt gặp cảnh ngồ ngộ: một ông chủ nom mặt mũi đen đúa, chân tay thô ráp, có khi còn đi dép tổ ong (cho mát chân), ngồi lái những chiếc xe hơi đời mới bóng lộn. Có một số người còn sang tận Lào đầu tư lò nấu thép.

Sự giàu của Đa Hội còn biểu hiện ở việc xài điện, có lẽ ngành Điện không thể có khách hàng nào “sộp” như người dân nơi đây, Đa Hội có tới 25 trạm biến áp 1000 kW, trung bình một tháng nộp cho sở Điện lực 27 tỷ đồng. Giàu là vậy, nhưng khó có nơi nào người dân lại khổ như Đa Hội, ấy là nỗi khổ về ô nhiễm. Suốt ngày đêm xe cộ, rồi tiếng máy chạy ầm ĩ. Đường làng được tu bổ thường xuyên nhưng cũng không chịu nổi cường độ của hàng ngàn lượt xe tải nặng ra vào mỗi ngày, do đó nhanh chóng vỡ nát, bụi cuốn mù mịt như một lớp mây. Những nhà ven đường, nhà nào cũng bị một lớp bụi bám vào đồ dạc, vừa lau đã bẩn. Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh, Đa Hội không đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn nào về môi trường. Các chỉ số về nước, chất thải rắn, tiếng ồn, không khí… đều vượt quá chỉ tiêu cho phép từ 1,5 đến 5,4 lần. Ở làng có hơn 200 bể mạ, hàng trăm máy đột dập và hàng ngàn lò luyện, tính trung bình mỗi ngày làng Đa Hội sử dụng trên ngàn tấn than, xỉ than không có nơi đổ, quẳng bừa bãi ra bất kể chỗ nào có thể, do vậy lượng bụi phát tán trong không khí lại càng nhiều.

Hằng ngày, các cơ sở thải ra môi trường một lượng lớn khí thải chứa các chất độc hại như CO2, SO4, do đó vào giờ cao điểm, nhiều người bị chóng mặt, nghẹt thở, nhất là những người già và trẻ em. Ngoài ra, còn các chất khác cũng được thải trực tiếp vào mương máng như kiềm, axit, sơn công nghiệp, dầu mỡ… Ao hồ ở đây bẩn thỉu và chật cứng các loại xỉ than, xỉ sắt thép. Một người Đa Hội chua chát nói rằng từ mấy năm nay chưa nhìn thấy con tôm con cá nào ở trong ao, đến bèo tây còn không sống được. Trung bình một ngày Đa Hội “ném ra đường” 10 tấn rác, 5000 m3 nước thải có độ nóng từ 40-500 C, mang theo nhiều cặn sắt, thép, đồng, măng gan và váng dầu mỡ, tất tật đều không được qua xử lý. Hiện nay, nguồn nước mặt và nước ngầm của Đa Hội đã bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ dân khoan giếng sâu mấy chục mét nhưng nước vẫn không thể dùng được.

Dân Đa Hội phải mua nước sạch về dùng với giá “cắt cổ”, 300 ngàn đồng/m3. Môi trường ô nhiễm đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, 38,66% số người đến khám bị bệnh về hô hấp, đau họng, ngạt mũi, 40,93% mắc các bệnh về da, 14,97% mắc bệnh phụ khoa và khoảng 4,6% mắc bệnh về mắt… Chưa kể năm nào ở Đa Hội cũng xảy ra vài vụ tai nạn lao động chết người. Những bệnh nan y như ung thư có chiều hướng gia tăng. Anh thợ Tân phờ phạc sau một đêm lao động cật lực, anh bảo làm nghề này dễ chết non lắm, đứng cạnh cửa lò mấy tiếng, không khí vừa nóng vừa thiếu ôxy. Trang thiết bị bảo hộ lao động chả có gì, họ chỉ có cách khoác trên người nhiều bộ quần áo cũ để tránh nóng. Lúc không phải đi làm cũng mệt vì ồn, chẳng mấy khi có được giấc ngủ sâu. Mới làm được vài năm mà anh đã thấy yếu đi nhiều, “tôi cũng chỉ làm đến khi các cháu ra trường thôi, rồi về quê làm ruộng, chứ thế này mãi chịu sao nổi”.

Tôi bần thần bên dòng Ngũ Huyện Khê, nơi xưa kia từng là tuyến giao thông huyết mạch, con sông thơ mộng của vùng đất Kinh Bắc. Hai bên bờ sông là những làng quan họ nổi tiếng như làng Diềm, Đương Xá, Phong Khê… Nay thì đây đã trở thành dòng sông chết, nước thải đen ngòm, hôi hám, không một sinh vật nào sống nổi, có những quãng sông bị thu hẹp, tưởng như có thể nhảy qua được, do phế thải người Đa Hội đổ cao lấp cả dòng chảy. Đa Hội giầu, một ngày nào đó các chủ lò, người dân, chính quyền sẽ tìm được lối thoát, di dời cơ sở sản xuất vào cụm, điểm công nghiệp, đầu tư công nghệ mới sản xuất sạch hơn, có hệ thống cảnh báo và xử lý ô nhiễm.  

  • Tags: