Nhiều người từng đến vùng đất này cũng bâng khuâng tự hỏi “Đà Lạt có gì mà nhung nhớ đến thế?” Những nhóm bạn đến Đà Lạt để lưu giữ những khoảng khắc thanh xuân, đôi lứa yêu nhau đến Đà Lạt để ghi dấu những yêu thương. Còn tôi, đôi khi chỉ để thoả cái cảm giác lang thang các quán cà phê cóc nơi phố núi hoặc tìm một con dốc nào đó thật bình yên, chụp lại những bức ảnh “rất Đà Lạt”. Thế là, thu dọn chút gì đó, thêm chiếc áo dày, quyển sách đọc dở… và đi thôi.
Nhưng con dốc bình yên
Đi dọc dải đất hình chữ S thì Đà Lạt là thành phố duy nhất hiện không có cột đèn tín hiệu giao thông và cũng thật khó để tìm được một con đường bằng phẳng, thẳng băng tại vùng đất cao nguyên này. Phố xá Đà Lạt gắn liền với những con dốc nhỏ, ngoằn nghèo có, khúc khuỷu có, kéo dài bất tận và trở thành một “đặc sản” của thành phố này.
Nhớ lần đầu tiên đến nơi đây, tôi vừa ráng kéo vali vượt qua con dốc vừa được chị chủ homestay chỉ đường, động viên “Cứ ráng bước em ạ, thế nào rồi cũng nhìn thấy nhà, nhà càng nhiều dốc, càng ngắm được Đà Lạt đẹp”. Giờ đây, đi đến bất cứ nơi nào, hình ảnh những con dốc luôn gợi tôi nhớ về Đà Lạt. “Giống Đà Lạt ghê!” dường như luôn là một chuẩn mực ngầm nào đó khi nói về những con dốc.
Bạn đã từng nghe đến Dốc Sông Lô, một những bậc thang đẹp, nguyên thuỷ nhất tại thành phố sương mù? Con dốc chỉ với 70 bậc tam cấp bằng đá rêu phong nhưng cho đù đứng ở điểm cao nhất cũng chẳng thể nhìn được điểm cuối cùng. Người ta bảo, đi hết Dốc Sông Lô sẽ nhớ mãi Đà Lạt chẳng quên. Tôi hỏi vì sao, họ cười, vì mệt quá thì làm sao quên được?
Bên cạnh những con dốc rút cạn sức người, Đà Lạt còn có những con dốc “tình như phim” hay được truyền tai là “cứ đứng vào là có ảnh đẹp khoe Facebook” như Dốc Đa Quý. Cứ mỗi độ xuân về, hàng cây mai anh đào cổ thụ mọc san sát bên Dốc Đa Quý lại nở hồng, nhuộm thắm cả một khoảng không gian tĩnh lặng, thu hút không ít đôi bạn trẻ chọn làm điểm chụp ảnh cưới.
Các con dốc tại Đà Lạt cũng được gọi bằng những cái tên rất đỗi bình dị, dễ nhớ. Chẳng hạn như Dốc Ánh Sáng, khu tập trung của người xứ Huế di cư lập nghiệp, được đặt theo tên của đình Ánh Sáng nơi lưng chừng dốc. Hay như Dốc Nhà Thương có tên gọi này chỉ đơn giản vì ở đỉnh dốc chính là Bệnh viên Đa khoa của thành phố.
Đứng trên con dốc cao, cả thành phố như thu gọn trong tầm mắt, thích thú nhìn những căn nhà nhấp nhô theo sườn đồi đang dần chìm vào sương chiều, lên đèn, mới hiểu được trọn sự bình yên của nơi đây. Nhớ Đà Lạt, có đôi khi chỉ đơn giản là nỗi nhớ những con dốc bình yên ấy!
Cà phê cóc xứ lạnh
Nhiều người đã đến Đà Lạt không ngần ngại thổ lộ “Nhớ cà phê cóc sáng Đà Lạt”, trong đó có tôi. Hiếm có loại hình ẩm thực nào mà người ta, dù lạ hay quen, đều có thể ngồi chung bàn, cùng xuýt xoa cái lạnh sớm mai nơi phố núi, cùng chậm rãi thưởng thức ly cà phê nóng giá 10 nghìn đồng, ngắm thành phố dần thức giấc đón ngày mới như cà phê cóc Đà Lạt.
Không thể tính hết Đà Lạt có bao nhiêu quán cà phê cóc. Mỗi góc chợ, góc phố hầu như đều có một quán cà phê cóc với chỗ ngồi đơn giản chỉ là những chiếc ghế gỗ sờn màu hoặc những chiếc ghế nhựa đủ màu được rải dọc bên hông những căn nhà đã có từ rất lâu. Đông là thế nhưng mỗi quán cà phê cóc tại đây đều có phong cách riêng và gần như người chủ nào cũng có “món tủ” để níu chân khách quen mỗi sáng. Cà phê Hoài nổi bật với vị cà phê đắng đậm làm từ các mẻ cà phê rang mộc, hợp gu khách trung niên thì cà phê sữa thơm dịu, pha chế bằng vợt quán Ông Tường lại hớp hồn giới văn phòng.
Đa phần các cà phê cóc Đà Lạt mở từ rất sớm, có khi là 3 – 4 giờ sáng, để người buôn thúng bán mẹt kịp làm một ly thoát khỏi cơn ngái ngủ. Để người đi tập thể dục về kịp làm một ly nho nhỏ trước khi quay về nhà, đi làm. Với du khách thích dậy sớm, đón chút ánh sáng đầu tiên chiếu xuyên màn sương, cà phê cóc là một cái cớ thuyết phục để họ đạp chăn bước ra khỏi giường.
Không chỉ là nơi để thưởng thức cốc cà phê buổi sáng, quán cóc nhỏ còn là nơi để những người Đà Lạt nói với nhau về những câu chuyện trên báo sáng nay hay gần gũi như chuyện con trai nhà này mới cưới vợ, nhà kia thì mới trồng thêm cây hồng. Đà Lạt dường như trở nên bé xíu lại quanh bàn cà phê cóc.
Với nhiều người “nghiện” Đà Lạt, tức đến Đà Lạt không phải để đi tham quan mà để ngồi với Đà Lạt, thì cà phê cóc là chỗ để họ ngồi nói dăm ba câu chuyện với người địa phương và “mơ’” một ngày mình giã từ phố thị phồn hoa, để làm “người Đà Lạt”.
Như một lời hẹn, mỗi lần vào Đà Lạt là tôi lại lang thang những quán cà phê cóc để thưởng thi ly nâu nóng, bẻ đôi cái bánh mì của quán Liên Hoa, vừa ngắm nhìn đường phố. An yên là đây chứ đâu. Cà phê cóc Đà Lạt ngon hay không ngon? Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào khẩu vị của từng người. Nhưng với tôi, một điều rất chắc chắn là cà phê cóc Đà Lạt luôn để lại những cảm xúc rất riêng cho mỗi lần đến đây.
Gạt bỏ tất cả và sống chậm
Một trong những điều tôi nghĩ ngay khi đến Đà Lạt là sẽ cuộn chăn ngủ vùi thoả thích, không còn chuông báo thức, không còn deadline công việc, không còn những lo nghĩ cuộc sống, ngủ một giấc thật ngon, thật tròn để lấy lại năng lượng. Đà Lạt, với tôi, là một thành phố dành riêng cho những tâm hồn đi tìm sự bình yên, thong dong. Nhiều người nói, những ngày tại Đà Lạt, chỉ cần nằm lười, ngắm khung trời xanh trong qua khung cửa nhỏ thôi cũng đủ thấy lòng nhẹ tênh rồi. Người ta cũng chẳng hiểu vì sao, mảnh đất này lại có khả năng tuyệt diệu như thế trong việc phục hồi năng lượng cuộc sống như vậy. Cứ đến Đà Lạt là lại được khuyến mãi sự bình yên, bảo sao nhiều người thích bỏ phố thị về Đà Lạt đến vậy!
Thật ra, người ta vẫn đùa “tình nhân trong mắt tựa Tây Thi” nên với những ai lòng đã trót thương nhớ về Đà Lạt thì một hiên nhà gỗ cũ kỹ mờ trong sương sớm mai hay cây hồng trụi lá nhưng nặng trĩu quả cũng trở thành những niềm nhớ. Đà Lạt là mảnh đất của rất nhiều những điều đặc biệt. Nét quyến rũ của nơi đây có kể đến hàng giờ cũng chẳng hết. Người ta yêu, nhớ, cảm thức Đà Lạt vì những điều dung dị mà độc nhất vô nhị của nơi đây.