Rà soát vị trí xây dựng khu thương mại tự do
Ngày 26/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý, Nghị quyết đã dành một điều riêng (Điều 13) quy định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo đó, Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Với việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập mô hình này.
Thông tin về việc chuẩn bị để thành lập khu thương mại tự do, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang tích cực chuẩn bị các bước xây dựng đề án này.
Trong đó, rà soát các vị trí phù hợp để đưa vào hình thành các khu chức năng gồm khu thương mại dịch vụ, khu sản xuất, khu logistics và khu chức năng khác… thuộc khu thương mại tự do. Các vị trí này sẽ thể hiện rõ ở vị trí, quy mô, ranh giới và được nêu rõ trong quyết định thành lập của Chính phủ.
"Sở Công Thương đang phối hợp với các sở ngành liên quan đề xuất một số vị trí có thể phù hợp để đưa vào hình thành các khu chức năng khu thương mại tự do. Cho đến khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt thì mới xác định chính xác các vị trí nào", bà Phương thông tin.
Dự kiến quy mô Khu thương mại tự do có tổng diện tích khoảng 1.000 - 1.500 ha, nằm rải rác ở từng khu vực theo điều kiện thực tế của thành phố.
Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, công tác chuẩn bị cho việc hình thành Khu thương mại tự do được thực hiện đồng bộ gồm: Lựa chọn, rà soát, đánh giá vị trí làm khu thương mại; xem xét về các nội dung về quy hoạch, các vấn đề liên quan đến đất đai; đánh giá về giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù; đánh giá về các lĩnh vực liên quan dến lao động, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Đặc biệt là vấn đề liên quan đến kết nối giao thông để xác định nguồn ngân sách thành phố cần phải chuẩn bị để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo thuận lợi cho phát triển khu thương mại tự do. Việc chọn nhà đầu tư vào Khu thương mại tự do được xem là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nếu một nhà đầu tư đảm bảo các điều kiện, tiêu chí do thành phố đưa ra thì được lựa chọn; nếu từ hai nhà đầu tư trở lên thì áp dụng quy định về đấu thầu.
"Đến nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, liên hệ xin thông tin tìm hiểu về chính sách của Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà đầu tư nào chính thức có văn bản đề nghị đầu tư, nên thành phố chưa có cơ sở để xem xét cụ thể", bà Phương cho hay.
“Chạy đua” với thời gian
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, hiện toàn thế giới có rất nhiều Khu thương mại tự do, nhưng ở Việt Nam thì Đà Nẵng là thành phố đầu tiên. Đây là sự tin tưởng của Trung ương, Quốc hội dành cho thành phố.
"Đà Nẵng còn một khối lượng công việc rất lớn và phải 'chạy đua' với thời gian để khu thương mại tự do này sớm thành hình", ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, xây dựng chính sách gì đưa vào khu thương mại tự do là vấn đề phải xem xét. Hiện nay chúng ta mới có khu kinh tế, khu công nghiệp. Nhưng rõ ràng, Quốc hội cũng họp nhiều, các chuyên gia cũng nói, với những chính sách đó thì chúng ta khó cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực. Việc xây dựng chính sách mạnh hơn, tốt hơn cũng phải có thời gian. Rồi vấn đề kiểm thử, kiểm thử lĩnh vực gì cũng phải tiếp tục hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin thêm, từ nay đến thời điểm Nghị quyết 136 của Quốc hội có hiệu lực (ngày 1/1/2025), Đà Nẵng phải trình lên Thủ tướng đề án thành lập khu thương mại tự do, các chính sách đi kèm, thể hiện rõ những vị trí đặt phân khu chức năng để được thông qua. HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành gần 30 Nghị quyết về quy trình, thủ tục, thẩm quyền giao UBND, các sở ngành quận huyện liên quan đến Khu thương mại tự do.
“Nghị quyết 136 chỉ thí điểm trong 5 năm. Vì vậy, Đà Nẵng phải làm sớm, ít nhất là khu thương mại tự do phải hình thành được 1-2 phân khu. Để đến giai đoạn 2027-2028 khi đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết thì đã có hình hài và những chính sách đó cần phải thay đổi, bổ sung ra sao, để kiến nghị Quốc hội cho những chính sách mạnh hơn cạnh tranh hơn với các quốc gia khác…", ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật.
Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Về thẩm quyền, Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
UBND thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng bảo đảm đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND thành phố quyết định việc lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan và quyết định theo thẩm quyền.