Công nghiệp tăng trưởng khá
Theo báo cáo của Cục thống kê thành phố Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội tháng 07 và 7 tháng năm 2024, nhìn chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố tháng 07/2024 có xu hướng tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 năm 2024 ước tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lần lượt (+3,9%) và (+10,7%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng (+2,5%) và (+16,2%)…
Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay; trong đó, có 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 15,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%; riêng hoạt động khai khoáng tiếp tục đà giảm (-38,3%) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các nhóm ngành công nghiệp, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù mức tăng chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã có những tín hiệu phục hồi khá tích cực.
Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, cùng với đó là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên tục bị gián đoạn, điển hình ở một số nhóm ngành như: sản xuất phương tiện vận tải khác (-30,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-19,0%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-18,3%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (- 17,7%); chế biến gỗ và sản phẩm sản xuất từ gỗ, tre, nứa (-17,0%)... Sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 07 năm 2024, nhiều sản phẩm có mức tăng cao so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng, đóng góp tích cực cho mức tăng chỉ số IIP chung toàn ngành như: vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên (+86,4%); cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (+80,2%); dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, tàu vũ trụ (+50,3%); dịch vụ xử lý nước thải (+37,2%); bộ lọc dầu/ xăng dùng cho động cơ đốt trong (+35,7%).
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 7/2024 giảm 4,9% so với tháng trước và tăng 7,8% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm cuối tháng 7 năm 2024 ước tính tăng 11,7% so với cùng thời điểm năm 2023. Đây là mức tồn kho khá cao, tuy nhiên mức tồn kho này tập trung ở một số các mặt hàng hiện đang duy trì được đầu ra tiêu thụ khá ổn định.
7 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.488 tỷ đồng
Đối với thương mại và dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao trong trong tháng 7, tháng cao điểm của mùa du lịch hè. Các hoạt động thương mại, du lịch diễn ra sôi động với nhiều chương trình kích cầu được triển khai đồng loạt, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến với Đà Nẵng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 ước đạt 13.071 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 79.675 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng 57,6%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 6.617 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.488 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng mức và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình xuất, nhập khẩu, ước tính tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 282,0 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 172 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt 110 triệu USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.871 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.102 triệu USD, tăng 3,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 768,4 triệu USD, tăng 24,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 334,3 triệu USD.
“Cán đích” lượng khách quốc tế của năm
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các hoạt động sự kiện liên tục được tổ chức; công tác triển khai phát triển các sản phẩm du lịch được quan tâm thực hiện; chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Tận hưởng Đà Nẵng 2024 - Enjoy Danang 2024” từ ngày 17-21/7 với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước; lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - diễn ra từ ngày 8/6-13/7 đã trở thành sự kiện tâm điểm làm nên một mùa hè bùng nổ tại Đà Nẵng; tăng cường quảng bá du lịch MICE và chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE đến các công ty lữ hành, sự kiện trong nước và quốc tế vv... đã làm cho hoạt động du lịch càng trở nên sôi động trong mùa du lịch hè.
Tính chung 7 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 15.700 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng mức và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 7 tháng ước đạt 6,6 triệu lượt, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 34,7%; khách trong nước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 31,9%.
Như vậy tính đến thời điểm 7 tháng đầu năm, mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế tới Đà Nẵng trong năm 2024 đã hoàn thành (năm 2024 Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách). Dự kiến lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2024 có thể tương đương thời điểm trước dịch (3,5 triệu lượt).
Hiện nay thị trường khách quốc tế chiếm tỉ trọng lớn của Đà Nẵng là Hàn Quốc (chiếm hơn 42% tổng lượng khách), Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ...
Đối với Đà Nẵng, năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch; tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.