TÓM TẮT:
Ngành Du lịch ngày càng thể hiện được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Bài viết đưa ra những thành tựu trong sự phát triển ngành Du lịch tại thành phố Đà Nẵng và những hạn chế còn tồn tại, từ đó kiến nghị giải pháp để Đà Nẵng thực hiện mục tiêu đặt ra trong Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Từ khóa: du lịch, thành phố Đà Nẵng, khách du lịch.
1. Đặt vấn đề
Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Trong những năm qua, thành phố đã chú ý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông cùng những công trình kiến trúc nhằm tạo ra những điều kiện tốt để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nhiều loại hình du lịch mới được triển khai đã góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố. Nhờ đó, ngành Du lịch Đà Nẵng đã phát triển nhanh chóng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch chưa theo hướng bền vững, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, việc đề ra các giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích hiện tại và tương lai là đòi hỏi cấp bách đối với thành phố Đà Nẵng.
2. Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Với lợi thế về bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp, con người thân thiện, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các chính sách thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả, Đà Nẵng đã thu hút du khách và trở thành điểm đến có thể sánh ngang với nhiều nơi nổi tiếng trên thế giới. Nhiều đường bay thẳng được mở đến Trung Quốc và Hàn Quốc giúp du khách đi lại thuận lợi và du khách tại hai quốc gia này đã trở thành nguồn khai thác thị trường du lịch chính của Đà Nẵng.
Giai đoạn 2016-2019, ngành Du lịch có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, được du khách đánh giá cao. Các chỉ tiêu tăng trưởng đều vượt bậc; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2019 đạt 16,73%; tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%. Đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố hằng năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, năm 2016 là 23,72%; năm 2017 là 24,1%; năm 2018 là 26,35% và năm 2019 là 31,4%. Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng đạt 8,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng. Đà Nẵng có 35 đường bay quốc tế với tần suất 496 chuyến/tuần và 10 đường bay nội địa đến thành phố với tần suất 662 chuyến/tuần. Ngành Du lịch thành phố cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016. Du lịch Đà Nẵng cũng đã được vinh danh với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, như: Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á, đứng đầu Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020.
Đến năm 2023, theo báo cáo của Sở Du lịch, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ cả năm 2023 đạt hơn 7,4 triệu lượt (đạt bằng 175% so với kế hoạch giao), tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 93% so với năm 2019; trong đó khách quốc tế dự kiến đạt hơn 2 triệu lượt (đạt 397% so với kế hoạch giao), tăng hơn gấp 4 lần so với năm 2022, bằng 62% so với 2019; khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,4 triệu lượt (đạt 145% so với kế hoạch), tăng 69% so với năm 2022, bằng 113% so với 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2022 (vượt kế hoạch), bằng 178% so với 2019. Kết quả này cho thấy, Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Ngành Du lịch thành phố rất quan tâm tới việc đầu tư, làm mới các sản phẩm du lịch đặc sắc; tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô quốc tế để kích cầu, thu hút và phục vụ khách đến Đà Nẵng, qua đó khẳng định thương hiệu Đà Nẵng - Điểm đến lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á…
Theo Văn bản số 2726/QĐ-UBND về việc ban hành đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu lưu trú, lữ hành đạt khoảng 12,75%/năm. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 17,63%/năm. Năm 2030, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 5,8-6,3 triệu lượt. Ngày lưu trú bình quân khách quốc tế dự kiến là 3,3 ngày, lưu trú bình quân khách nội địa dự kiến là 3,1 ngày. Chi tiêu bình quân khách quốc tế là 10,5-11 triệu đồng/ khách, chi tiêu bình quân khách nội địa là 6,5-7 triệu đồng/khách. Nguồn nhân lực khoảng 87.900 lao động trực tiếp. Đề án cũng dự báo xu hướng du lịch trong giai đoạn đến là du lịch gắn với văn hóa bản địa, sự khác biệt của điểm đến; du lịch theo trào lưu; du lịch gắn với công nghệ kỹ thuật số; du lịch trở về với thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch xanh;…
Về định hướng phát triển, giai đoạn 2022 - 2030, điểm đến Đà Nẵng được xác định sẽ phát triển tập trung vào 4 nhóm không gian du lịch trọng điểm với 9 không gian du lịch chức năng gồm: nhóm không gian du lịch biển (không gian du lịch ven bờ Đông và không gian du lịch vịnh Đà Nẵng); nhóm không gian du lịch đô thị (không gian du lịch đô thị trung tâm; không gian du lịch sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh; không gian “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch); nhóm không gian du lịch núi (không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông; không gian du lịch sinh thái phía tây); nhóm không gian du lịch liên ngành (không gian du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; không gian du lịch gắn với đổi mới sáng tạo).
Định hướng trong thời gian tới, thành phố sẽ phân bổ không gian phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, hạ tầng viễn thông và hệ thống điện, nước, thu gom và xử lý chất thải. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và thị trường du lịch, phát triển nguồn lực đầu tư du lịch và nguồn nhân lực.
3. Thành tựu và hạn chế trong phát triển du lịch tại Đà Nẵng
Những số liệu trên cho thấy sự thay đổi "thần kỳ" của Đà Nẵng ngoài giá trị cốt lõi về tài nguyên du lịch còn nhờ vào tư duy đột phá của các cấp lãnh đạo thành phố. Từ một thành phố trẻ, qua 25 năm với những bước đi sáng tạo, khẩn trương, đi tắt đón đầu, Đà Nẵng đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những đô thị có sức hấp dẫn nhất Việt Nam. Sức hấp dẫn đó đến từ việc chú trọng phát triển hạ tầng khang trang, sạch đẹp và thân thiện; quy hoạch đô thị hướng ra sông, biển, xen kẽ các khu vực đồi núi tạo nên một diện mạo vừa hiện đại vừa hấp dẫn.
Bên cạnh việc tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch, thành phố còn không ngừng tìm tòi khai thác, kiến tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ và hấp dẫn. Đà Nẵng cũng rất chủ động trong việc liên kết các địa phương, vừa hỗ trợ du lịch phát triển, vừa cùng nhau tạo nên các sản phẩm liên kết vùng miền đặc sắc.
Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng đang phát triển nóng và đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, thành phố đang cần có những trung tâm mua sắm chất lượng cao, có uy tín và tạo niềm tin cho du khách. Thứ hai, thành phố phải mạnh dạn thu hồi những khu đất vàng đã giao cho các nhà đầu tư không thực hiện như cam kết ban đầu, trên tinh thần xử lý thấu tình đạt lý. Những lô đất đắc địa ở Đà Nẵng nên được dùng để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư tiềm năng. Thứ ba, dọc bờ biển của Đà Nẵng đang có tới 44 cửa xả thải trực tiếp ra biển. Đây là nguy cơ về ô nhiễm môi trường, khiến du khách quan ngại. Thứ tư, sản phẩm du lịch đã được đầu tư phát triển với một số sản phẩm đẳng cấp nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực mặc dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức cho ngành du lịch phải đổi mới, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá, khai thác và quản lý các hoạt động du lịch.
Đồng thời Đà Nẵng cũng thiếu các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du lịch du thuyền, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Các khu vực tiềm năng đặc sắc như bán đảo Sơn Trà, tuyến đường thủy quanh bán đảo Sơn Trà, đường thủy kết nối với Hội An còn nhiều vướng mắc để khai thác và phát triển du lịch.
Tất cả những vấn đề trên là thách thức đặt ra cho Đà Nẵng trên con đường thực hiện mục tiêu đề ra đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
4. Giải pháp phát triển ngành Du lịch Đà Nẵng theo mục tiêu đặt ra
Thứ nhất, cần khắc phục sự thiếu hụt về chính sách phát triển ngành du lịch. UBND các quận, huyện rà soát, kiện toàn bộ máy để triển khai phát triển du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, đồng thời đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Thông tư số 08/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phù hợp các quy định hiện hành cũng như yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đồng thời, rà soát các quy định còn bất cập, chồng chéo, chưa chặt chẽ để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan, có tác động đến ngành du lịch, triển khai các Bộ tiêu chí Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.
Thứ hai, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC, mỹ quan đô thị; kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; chống thất thu thuế; kiểm tra việc khai báo, quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố; thực hiện tốt công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch; thực hiện văn minh ứng xử du lịch; giữ vững an ninh quốc phòng. Đồng thời vận động các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; tổ chức tuyên truyền hạn chế sử dụng rác thải nhựa tại các bãi biển.
Thứ ba, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, các khu vui chơi giải trí có thưởng, casino, sân golf, trung tâm hội nghị triển lãm quy mô lớn và các dịch vụ phụ trợ cho du lịch MICE, trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế... để đáp ứng các thị trường khách du lịch đặc thù, phù hợp với định hướng phát triển du lịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- UBND TP. Đà Nẵng (2022), Quyết định 187/KH-UBND ban hành ngày 28/10/2022 về Kế hoạch triển khai đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 43-NQ/TW ban hành ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ban hành ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
- Chính phủ (2021), Quyết định số 359/QĐ-TTg ban hành ngày 15/3/2021 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- HĐND TP. Đà Nẵng (2022), Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ban hành ngày 14/7/2022 về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Developing Da Nang city’s tourism by 2030 with a vision to 2045
Master. Nguyen Huong Lien
Faculty of Toursm and Hotel, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
The tourism industry is increasingly demonstrating its role as a key economic sector, contributing to economic restructuring, promoting the image of Da Nang city, attracting investment, creating more jobs, improving the life quality of local people, and preserving and promoting national cultural values. This paper presented the achievements of Da Nang city’s tourism and pointed out its remaining limitations. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to help Da Nang achieve the goals set out in the Project of Da Nang Tourism Development by 2030 with a vision to 2045.
Keywords: tourism, Da Nang city, tourists.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]