Canađa là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như WTO, OECD, NAFTA, APEC, G.8. Canađa có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác và chế biến gỗ, lọc hóa dầu, đánh bắt và chế biến thủy - hải sản, điện và năng lượng ... Hiện nay, Canađa đang thi hành chính sách kinh tế và thương mại “cởi mở”, tạo môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp. Canađa cũng là một trong những nước có đầu tư lớn nhất ra nước ngoài, con số đầu tư này lên đến gần 500 tỷ USD tính đến giữa năm 2009. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài có vai trò quan trọng đối với các C.ty của Canađa trong việc tranh thủ lợi thế của chuỗi giá trị toàn cầu, tối đa hóa hiệu quả của mọi khâu trong quá trình sản xuất, là công cụ để các DN Canađa giành lấy cơ hội trong tiếp cận thị trường nước ngoài. 

Bắt đầu từ năm 1989, Canađa tiến hành đàm phán để ký các hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư nước ngoài (FIPA) với các nước đối tác nhằm tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch và có thể dự đoán được cho các nhà đầu tư của Canađa ở nước ngoài. Các FIPA mà Canađa đàm phán và ký kết nhằm bảo đảm tự do hóa đầu tư và các cam kết bảo hộ dựa trên khuôn khổ được xây dựng dưới sự bảo trợ của OECD. FIPA là một phần trong mạng lưới các Hiệp định đầu tư song phương (BIT) mở rộng, là một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ kinh tế quốc tế. Hiện nay, Canađa và Việt Nam đang tiến hành đàm phán FIPA. Chính phủ Canađa xem xét các nước đối tác để tiến hành đàm phán về FIPA chủ yếu dựa trên các yếu tố về thương mại. Nhìn chung các nước mà Canađa chọn làm đối tác để đàm phán là những nước mà các nhà đầu tư Canađa được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bảo hộ của một hiệp định FIPA. Theo đó, một loạt các yếu tố được xem xét gồm lợi ích kinh tế và thương mại, như tiềm năng ở hiện tại và tương lai cho ĐTNN, việc bảo hộ các nhà đầu tư hiện tại bao gồm cả những vấn đề như việc áp dụng các qui định của một luật nào đó, tính luật pháp, mức độ cam kết và khả năng đạt được một thỏa thuận, chính sách thương mại và các chính sánh đối ngoại khác. 

Là một thị trường đang phát triển nhanh và năng động, Việt Nam đang ngày được các nhà đầu tư Canađa quan tâm, với các cơ hội đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, khai thác tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ tài chính ... Tính đến hết tháng 7/2009, tổng vốn FDI của Canađa tại Việt Nam là hơn 4,78 tỷ USD, đưa Canađa vươn lên thứ 10 thế giới về vốn FDI tại Việt Nam, trong đó có tới 62 dự án 100% vốn nước ngoài, 17 dự án liên doanh, 2 dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh và 1 dự án C.ty cổ phần. Việc tiến hành đàm phán FIPA sẽ giúp các nhà đầu tư Canađa dự đoán tốt hơn trước những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đồng thời còn bảo đảm một thỏa thuận bao quát có tính cam kết để bảo vệ các nhà đầu tư thông qua việc thiết lập một khung pháp lý ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm. Vòng đàm phán đầu tiên về FIPA với Việt Nam diễn ra vào tháng 2/2008, vòng thứ 2 vào tháng 10/2008, vòng thứ 3 vào tháng 7/2009 và vòng thứ 4 vào cuối năm 2009. Hai bên cam kết cùng nhau đàm phán để đạt được một thỏa thuận theo một lộ trình. 

Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước mà Canađa đang cung cấp viện trợ ODA. Phía Canađa cho biết, đến khi Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới thì các chương trình hợp tác của Canađa với Việt Nam sẽ có thay đổi theo hướng phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam trong phát triển kinh tế và phía Canađa nhận thấy có cơ hội đóng góp. Mặc dù có những khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các DN Canađa vẫn đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, nổi bật là trên những lĩnh vực như dịch vụ, giáo dục, nông nghiệp, chế biến gỗ, phát triển hạ tầng giao thông ... Năm 2008, trao đổi thương mại 2 chiều đạt gần 1,3 tỷ USD (năm 2007 là 1 tỷ USD). 

Canađa là một thị trường 32 triệu dân, có mức sống cao, nên có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có mặt hàng may mặc. Tiêu thụ hàng may mặc ở thị trường Canađa lên tới khoảng 20 tỷ CAD/năm và là một trong những thị trường NK hàng may mặc tính theo đầu người cao nhất thế giới (nhưng nếu xét về qui mô thị trường thì chỉ bằng 10% thị trường Mỹ). Có tới 50% sản phẩm may mặc tiêu thụ trên thị trường là dành cho phụ nữ. Ngành dệt và may mặc của Canađa rất phát triển với nhiều cơ sở sản xuất qui mô lớn, nhưng nguyên liệu chủ yếu là NK, nên giá thành sản phẩm cao, vì thế hàng may mặc NK thường có sức cạnh tranh hơn ở thị trường Canađa. Trong nhóm hàng may mặc NK thì sản phẩm có giá thấp và trung bình chiếm tỷ trọng lớn hơn nhóm sản phẩm cao cấp, đặc biệt người tiêu dùng Canađa rất ưa chuộng những sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên, nên dạng sản phẩm này thường có giá cao nhưng vẫn dễ tiêu thụ. 

Canađa là một nước nhập siêu hàng may mặc và chính sách của Chính phủ nước này vẫn đang đẩy mạnh NK hàng may mặc. Các thị trường XK lớn hàng may mặc vào Canađa là Mỹ, Mêhicô, Trung Quốc, Italy, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ ... Trong nhóm hàng may mặc NK, người tiêu dùng rất quan tâm đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nên họ rất ưa thích những sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, mặc dù những sản phẩm này thường có giá bán cao. Nhiều nhà XK lớn trên thế giới đã có mặt tại đây, nên áp lực cạnh tranh trên thị trường rất lớn, vì thế các DN Việt Nam cần phải tạo được ưu thế cạnh tranh riêng cho mình. Chính vì áp lực cạnh tranh rất khốc liệt, nên các DN XK cần chủ động tránh mọi sơ xuất (dù chỉ là lỗi nhỏ), gây ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, bởi vì họ sẽ dễ dàng chuyển sang làm ăn với các đối tác khác. 

Lâu nay, các DN Việt Nam thường quá “mải mê” phát triển kinh doanh với thị trường Mỹ mà ít quan tâm đến thị trường Canađa, trong khi Canađa là một thị trường liền kề với Mỹ và cũng rất tiềm năng. Cho đến gần đây, một số DN Việt Nam bắt đầu hướng sang thị trường Canađa. Nhìn chung, những năm qua, Việt Nam thường ở thế xuất siêu với thị trường Canađa, chủng loại hàng hóa trong buôn bán song phương đang được mở rộng thêm. Về phía DN Canađa, họ đang chú trọng hơn đến việc NK hàng hóa từ Việt Nam thay vì NK chủ yếu từ Trung Quốc như trước kia. Chính phủ Canađa hiện nay có chính sách coi trọng phát triển quan hệ thương mại với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam). Việc thiết lập Hội đồng kinh doanh Canađa - Việt Nam tháng 12/2007 là sự khẳng định về ý nghĩa và tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư và kinh doanh Canađa. Năm 2008, Tập đoàn bảo hiểm đầu tư tài chính Malifa khai trương trụ sở tại Tp. HCM và tiếp đó là Tập đoàn năng lượng Talisman cử đại diện đến Việt Nam trao đổi về việc mở rộng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí - một lĩnh vực thế mạnh của Canađa ở Việt Nam. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canađa, đây là một thị trường rất tiềm năng cho XK nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, nhưng để kinh doanh thành công, các DN phải có chiến lược thị trường. Trước hết DN phải quan tâm nhiều đến mẫu mã hàng hóa, phát triển mặt hàng mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, bao gói, nhãn mác, giá cả phù hợp. Đồng thời, DN phải giới thiệu những thông tin về mình thông qua hình ảnh chụp, giới thiệu giấy chứng nhận về sản phẩm của DN, qui cách phẩm chất hàng hóa, giá cả hàng hóa, địa chỉ giao dịch và e-mail. Giới DN Canađa rất coi trọng e-mail bởi họ coi đó là công cụ hữu hiệu để đánh giá nhanh được phản ứng của đối tác trong quan hệ giao dịch. DN Canađa đánh giá cao việc nhà cung cấp nước ngoài duy trì mối quan hệ tốt trong suốt quá trình giao dịch và cả sau bán hàng. DN có thể thực hiện việc giao dịch thông qua mẫu hàng hóa và phải bảo đảm rằng hàng hóa khi sản xuất hàng loạt phải theo đúng qui cách và phẩm cấp như hàng mẫu. DN cần tìm hiểu kỹ các mức thuế áp dụng đối với từng chủng loại hàng hóa để chủ động giao dịch. Xuất xứ đối với hàng hóa cũng rất quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định mà Canađa đã ký như MFN, FTA, GPT, LDCT (thuế quan đối với hàng hóa của các nước kém phát triển). Những qui định khác của thị trường cũng rất quan trọng như: Luật về dán nhãn và quảng cáo; Luật thuế hải quan; Qui định đối với sản phẩm làm từ da động vật. 

Việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, lâu nay các DN Việt Nam thường chỉ dựa vào sự hỗ trợ của Thương vụ tại Canađa hoặc Sứ quán Canađa tại Việt Nam. Nhìn chung, số DN Việt Nam sang tìm hiểu thực tế tại thị trường Canađa còn ít, trong khi nhu cầu thị trường thì lớn và đa dạng, hơn nữa thị trường lại quá rộng (hơn 10 triệu km2) nên hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều khó khăn. 

Canađa là một thị trường khó tính, nhu cầu tiêu dùng có 2 xu hướng lớn, đó là: Nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa và nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa và phong cách phục vụ. Theo qui định của thị trường Canađa, hàng hóa NK phải có mẫu mã và qui cách phù hợp, ngôn ngữ in trên bao bì hàng hóa là tiếng Anh và tiếng Pháp. DN Canađa thường NK hàng hóa theo giá FOB, hình thức thanh toán thường là L/C và CAD. Các đơn hàng của DN Canađa thường có số lượng lớn, thời gian giao hàng chặt chẽ, đa số các nhà NK Canađa là DNNVV nên nhà XK cần quan tâm tìm hiểu kỹ đối tác trước khi xác lập quan hệ giao dịch. Thông thường mùa mua sắm ở Canađa có những “đỉnh cao”, ví dụ: hàng tiêu dùng cao điểm bán vào dịp Giáng sinh và đầu năm mới, hàng thủy - hải sản vào tháng 5 – 11, ngoài ra trong mỗi tháng đều có những dịp lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Trước những dịp cao điểm kể trên, nhà NK Canađa thường có kế hoạch mua hàng dự trữ từ sớm, nên DN XK Việt Nam cần chớp những cơ hội đó để chủ động XK. Kinh nghiệm của các DN đã làm ăn thành công ở thị trường Canađa cho thấy, cách tốt nhất để DN tiếp cận thị trường hiệu quả và tiết kiệm chi phí là lập văn phòng đại diện, mở chi nhánh hoặc hợp tác với một đối tác trung gian. Đến nay, nhìn chung các DN Việt Nam vẫn khó tiếp cận thị trường này, nên sự có mặt của hàng hóa Việt Nam tại Canađa còn hạn chế, trong khi áp lực cạnh tranh trên thị trường rất lớn, bởi ở đây có sự hiện diện của nhiều chủng loại hàng hóa đến từ hơn 150 thị trường khác nhau trên thế giới.

  • Tags: