Sản phẩm OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đã công nhận được 149 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, gồm: 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 129 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Đắc Lắk đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.
Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng bình quân trên 12%. Hơn 60% chủ thể OCOP từ 3 sao trở lên đã có doanh thu tăng 17,6%/năm. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10 mô hình HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến phát triển theo hướng sản xuất đạt chứng nhận quốc tế. Đẩy mạnh phát triển 65% HTX nông nghiệp theo hướng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP, tương đương với 296/456 HTX nông nghiệp.
Để sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt rộng khắp thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường quốc tế, tỉnh Đắc Lắk đã tích hợp nhiều giải pháp để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đẩy mạnh thị trường trong nước
Trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đặt ra là tất cả các xã trong tỉnh đều có sản phẩm OCOP; tận dụng tiềm năng, lợi thế, điều kiện để khơi gợi sự sáng tạo ở các vùng, làm sao có đầy đủ 6 nhóm sản phẩm; đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP, năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận, các sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực.
Đồng thời, tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2035, với mục tiêu hình thành nên một trung tâm giới thiệu cấp tỉnh và 15 trung tâm giới thiệu cấp huyện để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Đắk Lắk và các tỉnh thành khác trong cả nước.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương như chi: triển khai chu trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý, chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP... Trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh 4 hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phầm OCOP. Đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước…
Tiếp đến là hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương thực hiện). Việc chuẩn hóa theo các tiêu chí của Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương giúp cho các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở thành một nguồn cung cấp hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về những sản phẩm hàng hóa chất lượng, tinh xảo, độc đáo, ẩn chứa trong mình những yếu tố lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh, trao truyền qua các thế hệ ở mỗi vùng miền trên cả nước.
Thứ ba là đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Thứ tư, tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, đáp ứng được những khát khao của các chủ thể, các nhà sản xuất OCOP. Qua đó các nhà phân phối sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để sản phẩm OCOP có thể xuất hiện.
Tìm giải pháp đưa sản phẩm OCOP tham gia thị trường Châu ÂU
Bên cạnh việc phát triển thị trường trong nước, tỉnh Đắc Lắk cũng tìm nhiều giải pháp để các sản phẩm OCOP của tính có thể tiếp cận được với thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường Đức. TS. Đinh Khắc Tuấn –Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Lắk cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã ký hợp đồng với Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên nghiên cứu giải pháp tiếp cận thị trường CHLB Đức đối với sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk thực hiện từ đầu năm 2023 đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan phục vụ cho nghiên cứu.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk có thể tiếp cận thị trường EU qua đánh giá từ tận dụng cơ hội của hiệp định thương mại EVFTA đem lại như, cơ hội cạnh tranh về giá từ cắt giảm thuế quan, cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh, cơ hội từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan, cơ hội từ việc thuận lợi hóa thủ tục hải quan; cơ hội từ các cam kết về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của EU.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của Đắk Lắk cũng sẽ đối diện với những thách thức khi tiếp cận thị trường EU thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; thách thức từ các tiêu chuẩn an toàn, kiểm soát động thực vật; thách thức từ việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.
Do đó, tỉnh Đắk Lắk cần tham khảo kinh nghiệm Thái Lan và tỉnh Sơn La làm tốt công tác đưa sản phẩm OCOP vào thị trường EU. Bên cạnh đó cần tăng cường tính chủ động từ cấp chính quyền địa phương đến chủ thể OCOP trong tiếp cận, tận dụng, khai thác các cơ hội mà EVFTA mang lại co sản phẩm OCOP của địa phương; Định hướng mục tiêu tiếp cận thị trường EU ngay từ khi xây dựng sản phẩm OCOP để cải thiện và đáp ứng tiêu chuẩn TBT và SPS; Chủ thể sản phẩm OCOP cần xác định đầu tư vào năng lực cạnh tranh để tạo lợi thế riêng biệt cho sản phẩm OCOP và thương hiệu.
Để gia tăng khả năng tiếp cận với thị trường CHLB Đức, TS.Phạm Hùng Tiến chuyên gia nghiên cứu thị trường CHLB Đức khuyến nghị, cơ quan chức năng cần quy hoạch phát triển sản phẩm, doanh nghiệp Đắk Lắk cần có sự liên kết giữa các chủ thể, tiếp tục tìm hiểu về dự báo thị trường, tham gia sâu vào trong chuỗi liên kết xuất nhập khẩu doanh nghiệp Việt Nam, tham vấn kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng vào trị trường CHLB Đức. Đặc biệt, sản phẩm OCOP phải độc đáo sáng tạo gắn với câu chuyện, gắn với cảm xúc để thu hút người tiêu dùng; người mua sẽ trải nghiệm nhiều hơn trong marketing địa phương...
Gắn kết Chương trình OCOP vào xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy, OCOP là một chương trình lớn mà thành quả nó mang lại sẽ góp phần cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới về chất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu đang và sẽ đặt ra cho Đắk Lắk nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí, địa thế, nền tảng sản xuất với quy mô lớn có thể hình thành vùng chuyên canh, triển khai bằng hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến (sản xuất áp dụng công nghệ cao), giá trị gia tăng cao (nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất), có trách nhiệm và bền vững.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê cho biết, qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Với phương châm "Chất lượng làm nên thương hiệu", hiện nay rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho Chương trình, sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tạo làn gió mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp trên phạm vi địa phương và cả nước.