Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Chiều ngày 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Luật Điện lực
Toàn cảnh Phiên thảo luận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần vào các năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và các luật, nghị quyết khác.

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).

bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; phát triển năng lượng tái tạo; ưu tiên đầu tư vào điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi; đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng...

Giải trình, làm rõ một số nội dung của các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực là cần thiết.

Việc bổ sung các loại năng lượng mới như điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi hay những loại năng khác là cũng cần được đề cập trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ trong việc thu hút đầu tư, đảm bảo an toàn năng lượng và an ninh quốc gia.

bộ trưởng Diên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu

Đề cập về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, Chính phủ đã có khung giá điện theo quy định của Luật Điện lực và Luật Giá. Dựa vào khung giá đó, các bên có thể đàm phán với nhau để thực hiện.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để khắc phục những bất cập luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách để phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận.(Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ và các ý kiến gửi bằng văn bản ngay sau Kỳ họp để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quy định thông qua tại kỳ họp này hoặc kỳ họp tiếp theo.

Hoàng Phương