Theo đó, công tác chuẩn bị Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV đến nay cơ bản đã hoàn thành, gồm 2 phiên họp, dự kiến được tổ chức trong 2 ngày mùng 05-06/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ bao gồm 400 đại biểu chính thức là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu, đại diện cho gần 150 nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành Công Thương trong cả nước tham dự. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê Thị Đức cho biết, Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV là sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương và có ý nghĩa to lớn trong việc đề ra các chủ trương lớn, nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn theo Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tạo điều kiện cho các cấp Công đoàn ngành đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành và hoạt động chung của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Chủ đề của Đại hội là “Đổi mới tổ chức và hoạt động; Xây dựng Công đoàn Công Thương Việt Nam vững mạnh toàn diện; Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên lao động ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình hội nhập và phát triển”.
Trong hai ngày diễn ra Đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2018-2023, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; quyết định chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028 phù hợp với chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết, chỉ đạo của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và tình hình thực tế của công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương.
Các đại biểu dự đại hội cũng sẽ tham gia ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ XIII; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐVN về những vấn đề có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn. Đồng thời, sáng suốt bầu chọn Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa IV có đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu hợp lý; đủ nguồn lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ Đại hội đặt ra. Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đúng số lượng, cơ cấu được Tổng LĐLĐVN phân bổ.
Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Lê Thị Đức nhấn mạnh, Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 là Đại hội “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành Công Thương nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh.