Đạm Cà Mau: Hài hòa điều tiết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Từ nhiều năm nay, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường mới để xuất khẩu. Kết quả kinh doanh qua các năm tại các thị trường này đều tăng trưởng dương.

Ngay từ đầu năm, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE, DCM) đã lên kế hoạch chuẩn bị đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối trong vụ Hè thu vừa qua và vụ Đông xuân sắp tới, đồng thời chủ động xuất khẩu khi thị trường trong nước thấp vụ và từng bước chinh phục thị trường thế giới. Minh chứng cho hoạt động này là kết quả xuất khẩu trong quý 3/2020 đạt được tổng lượng hơn 120.000 tấn cho các đơn hàng đi các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Ấn Độ, Brazil…

Từ nhiều năm nay, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường mới để xuất khẩu. Kết quả kinh doanh qua các năm tại các thị trường này đều tăng trưởng dương.

Riêng trong quý 3/2020, Đạm Cà Mau đã triển khai xuất khẩu các đơn hàng lớn với tổng lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn đi các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Brazil, góp phần đáng kể vào sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Thông thường, ở Việt Nam, Qúy 3 là giai đoạn thấp điểm của thị trường do nhu cầu trong nước giảm, tồn kho thường tăng cao do các tỉnh phía Nam bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, và thu hoạch lúa Chiêm tại khu vực phía Bắc, nên doanh số bán hàng của nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành giảm.

damm ca mau
Sản lượng Urea tiêu thụ 9 tháng 2020 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019

Tuy nhiên, với dự báo tình hình trên thế giới do ảnh hưởng của dịch COVID 19, nhiều nước chú trọng tăng cường đầu tư cho sản xuất nông nghiệp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng cao. Đặc biệt là tại các nước ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Thái Lan, Myanmar, Srilanka, Campuchia và các nước Mỹ la tinh như Brazil, Argentina.

Đơn cử như Ấn Độ, trong 2 đợt thầu trong tháng 8/2020 đã đặt mua hơn 2,7 triệu tấn urea (trong đó RCF trúng thầu 952.000 tấn trong phiên thầu ngày 10/8 và MMTC trúng thầu 1,795 triệu tấn trong phiên thầu ngày 26/8); Brazil bình quân 3 tháng gần đây mua từ 450.000-600.000 tấn, đó là chưa kể nhu cầu nhập khẩu từ các nước khác với nguồn cung đến từ nhiều nước trong khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nga, Ai Cập…

Tận dụng cơ hội từ thị trường thế giới, chủ động trong kế hoạch triển khai hoạt động xuất nhập khẩu, Đạm Cà Mau đã phối hợp với các đối tác, nhà phân phối lớn tham gia các phiên đấu thầu quốc tế và thu được kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong quá trình triển khai kế hoạch năm 2020. Qua đó, không chỉ mang về hàng chục triệu USD doanh thu, cải thiện hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn góp phần trực tiếp giảm áp lực tồn kho, cân bằng cán cân cung cầu của ngành phân bón nội địa nói chung và tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu phân bón Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.

dam ca mau 1

Trong quý 4/2020, Đạm Cà Mau tiếp tục chủ động triển khai mở rộng thêm các thị trường mới nhằm thực hiện chiến lược lớn của Công ty với khát vọng vươn tầm khu vực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón nhưng vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác bán hàng tại khu vực nội địa, đã sẵn sàng cung ứng hơn 200.000 tấn phân bón phục vụ cho vụ Đông Xuân ở khu vực ĐBSCL cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ phân bón ở các vùng miền khắp cả nước.

Gần 10 năm nhìn lại, tầm nhìn trở thành doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hàng đầu khu vực của Đạm Cà Mau đang dần được hiện thực hóa, không chỉ từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh của mình mà còn hướng đến khát vọng góp phần cùng các đơn vị khác đưa doanh nghiệp Việt vươn cao, vươn xa trên thị trường thế giới.

 

PV