Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm các nước Bắc Âu) cho biết, trong tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã công bố Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của nước này giai đoạn 2024-2027.
Thông qua chương trình này, Đan Mạch kỳ vọng sẽ thiết lập và duy trì các mạng lưới nhà đầu tư mới có tiềm năng, thu hút thêm các khoản đầu tư chuyên sâu về khoa học và công nghệ.
Đan Mạch sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí trọn gói bảo mật cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin dễ dàng hơn đặc biệt là các quy định luật pháp trong nước.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp Đan Mạch giải quyết các thách thức của xã hội và tạo thêm việc làm cho nền kinh tế. Chiến lược này đặt ra định hướng cho các nỗ lực thúc đẩy đầu tư quốc gia nói chung trong bốn năm tới và hình thành khuôn khổ để thu hút, duy trì và phát triển đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Đan Mạch giai đoạn 2024-2027 tập trung vào bốn mục tiêu chính.
Thứ nhất, phát triển thế mạnh của Đan Mạch: Tập trung vào các khoản đầu tư chuyên sâu về công nghệ và kiến thức giúp tăng năng suất và đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển các thế mạnh của Đan Mạch. Ba phần tư các dự án phải tập trung vào công nghệ.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và đóng góp vào kinh doanh có trách nhiệm: Ưu tiên thu hút các khoản đầu tư hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và đáp ứng trách nhiệm về môi trường và xã hội, 50% dự án đầu tư liên quan đến phát triển bền vững vào năm 2027.
Thứ ba, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển trên toàn Đan Mạch: Tổ chức Đầu tư Đan Mạch được giao nhiệm vụ thu hút đầu tư vào nước này, trong đó hợp tác và hỗ trợ địa phương từ các bên liên quan khác trong hệ thống xúc tiến kinh doanh quốc gia. Mục tiêu tăng 10% tổng số việc làm trên cả nước.
Thứ tư, tăng cường khả năng gắn kết của Đan Mạch: Ưu tiên thu hút các khoản đầu tư nước ngoài giải quyết các thách thức xã hội của Đan Mạch và nhờ đó tăng cường khả năng phục hồi của đất nước. Phát triển một công cụ để đánh giá liệu khoản đầu tư có góp phần tăng cường khả năng phục hồi của Đan Mạch hay không.
Bên cạnh đó, Chiến lược còn nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: khoa học đời sống (các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, dược phẩm, công cụ, dụng cụ y tế…), thực phẩm, kỹ thuật cao và kỹ thuật số, công nghệ xanh.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm các nước Bắc Âu), là một nền kinh tế nhỏ và mở, Đan Mạch phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác dưới hình thức nhập khẩu, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Thương mại và đầu tư xuyên biên giới là một phần quan trọng trong nền tảng cho phép Đan Mạch có các doanh nghiệp có thế mạnh toàn cầu góp phần vào sự phát triển bền vững trong tăng trưởng và thịnh vượng của Đan Mạch.
Trong bối cảnh này, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng. Việc thu hút các khoản đầu tư có mục tiêu không chỉ phát triển các thế mạnh của Đan Mạch và hệ sinh thái của họ mà còn củng cố chuỗi cung ứng của Đan Mạch, ví dụ như bằng cách thu hút sản xuất bền vững đến Đan Mạch. Đầu tư nước ngoài mang đến kiến thức, công nghệ và nhân tài mới giúp Đan Mạch được trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức hiện tại như biến đổi khí hậu và các lỗ hổng công nghệ.
Đan Mạch là một trong những quốc gia tốt nhất thế giới về thành lập và điều hành doanh nghiệp do các điều kiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi của mình cũng như sự ổn định chính trị, khả năng tiếp cận lực lượng lao động được đào tạo bài bản, quan hệ đối tác công tư phát triển, cơ sở hạ tầng hoạt động tốt và xã hội nói chung hoạt động hiệu quả. Đan Mạch cũng đứng đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu và là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, công ty nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.