Đánh giá kết quả tái cơ cấu các công ty tài chính giai đoạn 2012 – 2018

ThS. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu minh họa quá trình phân loại, quá trình tái cơ cấu các công ty tài chính (CTTC). Các số liệu thống kê và nghiên cứu tình huống được sử dụng để phân tích nguyên nhân các CTTC phải tái cơ cấu và để minh họa, luận giải cách thức tái cơ cấu áp dụng cho mỗi công ty hoặc nhóm công ty. Từ kết quả tái cơ cấu, tác giả đánh giá và khuyến nghị chính sách về quá trình tái cơ cấu được đưa ra.  

Từ khóa: Tái cơ cấu, công ty tài chính, khuyến nghị chính sách, tâm lý ỷ lại.

1. Phân loại các công ty tài chính

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thông tin chính thức phân loại, xếp hạng các CTTC. Từ khuôn khổ pháp lý nêu trên và các thông tin từ báo cáo tài chính, các chỉ đạo của Chính phủ, các quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước của Chính phủ hay Bộ chủ quản tác giả xếp các CTTC thành 3 nhóm với các thông tin tài chính cơ bản và phân tích các lý do tái cơ cấu của từng trường hợp.

1.1. Nhóm 1 - Gồm các CTTC đang hoạt động bình thường

Đây là các CTTC đủ vốn - vốn điều lệ cao hơn vốn pháp định và có tình hình tài chính lành mạnh. Các công ty thuộc nhóm này có tỷ lệ nợ xấu thấp hoặc nợ xấu nhỏ so với vốn chủ sở hữu, tổng dư nợ hoặc tổng tài sản. Vì vậy, nợ xấu hoặc tài sản xấu vẫn trong tầm kiểm soát hoặc có thể xử lý được bằng mà không cần quá nhiều nguồn lực. Các CTTC Than - Khoáng sản và Hóa chất chưa bộc lộ bất kỳ khoản nợ xấu nào trong khi tỷ lệ nợ xấu của Điện lực chỉ là 2.8%, nhỏ hơn tỷ lệ cho phép của NHNN (3%). Tỷ lệ nợ xấu của 2 CTTC Dệt may và Xi măng là 3.4% và 5.6%, cao hơn mức 3% nhưng số nợ xấu nhỏ có giá trị lần lượt là 21 và 37 tỷ đồng ở thời điểm năm 2014 khi trục trặc của ngành Ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Vì vậy, hai CTTC Dệt may và Xi măng có thể xử lý được các khoản nợ xấu này. Việc CTTC Vinaconex Viettel có tỷ lệ nợ xấu rất cao nhưng tác giả vẫn xếp vào nhóm 1 được giải thích trong tình huống dưới đây.

Tình huống CTTC Vinaconex Viettel: Theo BCTC 2014, Công ty có tỷ lệ nợ xấu lên tới 70.2% do Công ty chủ động giảm dư nợ và tổng tài sản xuống còn lần lượt là 209 tỷ đồng và 1150 tỷ đồng để chủ động thực hiện tái cơ cấu. Một lưu ý là công ty còn một khoản đầu tư trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng đã quá hạn được bảo lãnh bởi 1 NH thương mại cổ phần đang chờ xử lý và 1 khoản tiền gửi 79 tỷ đồng tại một CTTC đáo hạn từ năm 2012 chưa thu hồi được. Điều này làm công ty lỗ 12 tỷ đồng trong năm 2014, tuy nhiên Công ty không có lỗ lũy kế và vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng cao hơn vốn pháp định (500 tỷ đồng). Thực hiện việc thoái vốn theo chỉ đạo của chính phủ giúp hai 2 cổ đông lớn nhất, Vinaconex và Viettel đang nắm giữ 33% và 32% vốn điều lệ của công ty, tuân thủ quy định về giới hạn nắm giữ cổ phần của 1 TCTD (15%) quy định bởi luật các TCTD 2010.

Lý do chính của việc tái cơ cấu của cả 6 CTTC này là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực tài chính ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, dù có sự khác biệt về mức độ và lộ trình thoái vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty. Các CTTC Than - Khoáng sản, Hóa chất, Dệt may và Vinaconex Viettel được chỉ đạo thoái vốn toàn bộ khỏi các CTTC theo đề án tái cơ cấu được phê duyệt của mỗi tập đoàn, tổng công ty. Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam được giữ lại cổ phần tại CTTC Xi măng với tỷ lệ không chi phối theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt năm 2013. Theo phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, EVN được giữ lại CTTC Điện lực với tỷ lệ nắm giữ dưới 50%. Mặc dù vậy, EVN đã chủ động thoái vốn khỏi CTTC Điện lực theo định hướng chung của Chính phủ. Sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm từ 40% (2012) xuống còn 16.5% (2014), tuy nhiên vẫn còn vượt giới hạn sở hữu quy định cổ phần theo quy định của Luật các TCTD 2010. Đến ngày 31/12/2017, sở hữu của EVN tại CTTC Điện lực chỉ còn 7.5%. Tuy nhiên, EVN sẽ phải thoái vốn hoàn toàn khỏi CTTC Điện lực theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2017-2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2017.

1.2. Nhóm 2 - Gồm CTTC có tình hình tài chính xấu do nợ xấu và tài sản xấu nhiều, thua lỗ kéo dài nhưng vẫn có thể tái cấu trúc được gồm 2 công ty

Tình huống CTTC Sông Đà: Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối năm 2014: tổng số nợ xấu, trái phiếu đầu tư quá hạn và khoản phải thu (bản chất là các khoản đầu tư quá hạn) đã lên tới 660 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng tài sản trong khi vốn chủ sở hữu là 783 tỷ đồng, vốn điều lệ là 686 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn lãi dù ít là do Công ty không trích hoặc trích dự phòng rủi ro rất ít đối với nhiều tài sản xấu. Nếu trích rủi ro đầy đủ Công ty sẽ lỗ lớn. Ngoài ra, cổ đông lớn nhất - Tổng công ty Sông Đà vẫn nắm giữ 27.7% vốn điều lệ, vượt giới hạn quy định bởi luật các TCTD 2010.

Tình huống CTTC Bưu điện (PTF): Công ty hoạt động thu lỗ, không công bố báo cáo tài chính từ nhiều năm. Tuy nhiên vào cuối năm 2011 nợ xấu đã lên tới 79%. Vốn chủ sở hữu của Công ty: 43.96 tỷ đồng và 29.47 tỷ đồng vào năm 2015 và 2016.

Xét theo quy định về KSĐB thì cả 2 CTTC này đều thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt vì hoặc đã lỗ đến âm vốn như Bưu điện hoặc nếu lập và trích dự phòng đầy đủ thì cũng lỗ quá 50% vốn điều lệ như trường hợp Sông Đà. Tuy nhiên,  NHNN vẫn cho 2 công ty này có thêm thời gian để khắc phục.

1.3. Nhóm 3 - Gồm các công ty có tình hình tài chính đặc biệt khó khăn, kinh doanh thua lỗ kéo dài gây lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu

Đó là các CTTC: Cao su, Handico và Tàu thủy và cả 3 công ty đều không công bố báo cáo tài chính từ nhiều năm nay.

Tại thời điểm ngày 31/12/2012, Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su lỗ lũy kế 1.380,95 tỷ đồng/vốn điều lệ 1.088,97 tỷ đồng (Nguồn: Báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2013 - Chú thích 262 mục (ii) Lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ/vốn đầu tư của chủ sở hữu).

CTTC Handico (HAFIC) bộc lộ trục trặc từ những năm 2011 - 2012 với việc “không trả được Ngân hàng Hợp tác xã khoản tiền gửi 585 tỷ đồng đáo hạn từ năm 2011. Công ty lỗ lũy kế đến năm 2013 là 135.52 tỷ đồng. HAFIC có vốn chủ sở hữu âm từ năm 2014. 

CTTC Tàu thủy kinh doanh thua lỗ kéo dài gây âm vốn chủ sở hữu ngày càng lớn: năm 2013 là 4.672 tỷ đồng, đến năm 2016 là 6.561 tỷ đồng.

Trường hợp đặc biệt - Tình huống CTTC Dầu khí (PVFC): PVFC có quy mô lớn, tổng tài sản của công ty lớn hơn tổng tài sản của cả 11 công ty tài chính còn lại. Số nợ xấu lớn, một phần chính do nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và công ty tài chính thuộc tập đoàn này. Theo báo cáo tài chính, PVFC có nợ xấu cuối năm 2012 là 4.650 tỷ đồng (bao gồm cả nợ của Vinashin và Vinalines), chiếm 11.7% tổng dư nợ trong khi vốn chủ sở hữu là 6.644 tỷ đồng, vốn điều lệ là 6.000 tỷ đồng. Ngoài số nợ xấu lớn liên quan đến Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước lớn, vấn đề của PVFC là tổng tiền gửi của khách hàng lên đến 25.035 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí sở hữu 78% PVFC. Việc tái cơ cấu với PVFC là bắt buộc do nợ xấu cao, tổng tiền gửi khách hàng rất lớn và cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí với số vốn đầu tư lên đến 4.680 tỷ đồng. 

2. Quá trình tái cơ cấu

Mục tiêu hướng tới của NHNN khi tái cơ cấu các CTTC là bảo đảm các công ty này hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đúng pháp luật. Trong giai đoạn trục trặc của toàn hệ thống thì hiệu quả chưa cần ưu tiên nhưng an toàn, lành mạnh và đúng pháp luật vẫn cần đảm bảo. Từ tình hình tài chính thực tế của các CTTC trình bày trên, theo mức độ trọng yếu tăng dần thì các công ty có 3 vấn đề là: tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn và yêu cầu thoái vốn, nợ xấu cao và âm vốn. Các giải pháp của NHNN cho các CTTC gồm: cho các CTTC thời gian, cho phép tiếp tục hoạt động dù nợ xấu cao hoặc âm vốn. Động cơ khuyến khích hay phần thưởng cho các CTTC tái cơ cấu thành công hoặc các cổ đông tham gia tái cơ cấu thành công CTTC khó khăn về tài chính là giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng. Việc sử dụng các giải pháp và động cơ khuyến khích này của NHNN được minh họa sau đây. 

Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn của luật và yêu cầu thoái vốn của Chính phủ. NHNN xem đây là vấn đề ít trọng yếu do không ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn hệ thống. Đồng thời do thị trường chứng khoán suy giảm, việc thoái vốn một phần gặp khó khăn. Việc đặt ra kỳ hạn chính xác phải thực hiện sẽ khó thực hiện được hoặc sẽ bị người mua trả giá thấp gây thiệt hại cho cổ đông nhà nước. Do đó, không cổ đông của CTTC nào bị đặt ra thời hạn phải thoái vốn cụ thể. Phương thức này được áp dụng cho tất cả các CTTC nhóm 1. Theo đó, 3 CTTC: Than - Khoáng sản, Hóa chất, Dệt may được bán cho các NH thương mại cổ phần (TMCP): Việt Nam thịnh vượng (VPB), Kỹ thương - Techcombank (TCB) và Hàng Hải (MSB). Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thoái vốn thành công và không chịu lỗ.

Thứ hai, các khoản nợ xấu hoặc tài sản xấu được của công ty được cho thêm thời gian khắc phục, như: Trường hợp của 2 CTTC Xi măng, Điện lực hoặc cho treo phân loại và sẽ giải quyết triệt để trong một tổng thể khi phương án tái cơ cấu được phê duyệt như trường hợp của 2 CTTC: Vinaconex Viettel ở nhóm 1 và ở mức độ khó khăn hơn như Sông Đà thuộc nhóm 2. Theo đó, các công ty này với nền tảng tốt, chỉ gặp khó khăn tài chính ở mức độ nhỏ, có đủ thời gian để xử lý các tài sản nợ xấu, nợ xấu để phục hồi về tình trạng tài chính đạt yêu cầu. Các công ty có mức độ tài chính khó khăn hơn sau thời gian tự khắc phục sẽ được bán lại cho cổ đông mới. Các khoản nợ xấu này sẽ được nhà đầu tư, mà ở đây là các NH thương mại, định giá và tính gộp chung vào giá mua lại cả công ty. Đây là phương thức mà NH là Sài Gòn Hà Nội (SHB) mua lại CTTC Vinaconex Viettel và Quân đội (MBB) sáp nhập CTTC Sông Đà. Tập đoàn Viettel thoái vốn thành công: thoái hết và không chịu lỗ. Không phải công bố thông tin do số lượng cổ phần MBB nhận được từ việc hoán đổi cổ phần CTTC Sông Đà dưới 5%, nhưng với việc thị trường chứng khoán hồi và giá  cổ phiếu MBB tăng mạnh từ 2017, Tổng công ty Sông Đà có nhiều cơ hội bán cổ phần MBB để thu hồi toàn bộ số vốn đã đầu tư vào Sông Đà.

Thứ ba, các công ty đã âm vốn tùy theo mức độ sẽ được NHNN có giải pháp phù hợp. CTTC Bưu điện nợ xấu cao và âm vốn từ nhiều năm nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động. Nhờ Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) hỗ trợ mạnh nên Công ty đã tập trung thu nợ xấu, thu nhỏ quy mô hoạt động. Nhờ đó, Công ty giảm dần lỗ theo thời gian. Khi nhu cầu mua lại CTTC của các NH để phục vụ hoạt động cho vay tiêu dùng tăng, VNPT đã chào bán công khai CTTC Bưu điện. Kết quả thu được là VNPT đã thu được hơn 700 tỷ đồng từ việc bán một CTTC âm vốn kèm một số nghĩa vụ không công bố cụ thể. NH Đông Nam Á (SeABank) là người mua lại CTTC Bưu điện.

Việc cho thêm thời gian để xử lý nợ xấu, treo phân loại hay cho công ty thậm chí đã âm vốn được tiếp tục hoạt động với sự giám sát chặt chẽ là một ngoại lệ (regulatory forbearance - RF). Tất cả 8 CTTC sau khi tái cơ cấu thành công đều được NHNN cấp giấy phép hoạt động tài chính tiêu dùng.

Với các trường hợp tài chính quá yếu kém, NHNN có giải pháp khác biệt.

Tình huống CTTC Cao su: Do nhiều nguyên nhân, trong đó có vụ án liên quan đến CTTC Cao su, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Cao su Việt Nam vào Công ty Mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo Quyết định số 1634/QĐ-TTg ngày22/09/2015 của Thủ tướng về việc sáp nhập. Theo đó, nghĩa vụ của CTTC Cao su sẽ do “Công ty Mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được kế thừa các nghĩa vụ, quyền - và lợi ích từ Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Việt Nam đã xác lập và còn tồn tại để tiếp tục xử lý thu hồi nợ và trả nợ, không thực hiện mới các chức năng liên quan đến hoạt động tín dụng như huy động vốn, cho vay và không nhận tiền gửi, thanh toán. Thời hạn để Công ty Mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện nghĩa vụ trả nợ và quyền thu hồi nợ sẽ chấm dứt khi Tập đoàn đã hoàn tất việc xử lý, thu hồi nợ và trả nợ theo phương án sáp nhập đã được phê duyệt”. Giấy phép hoạt động của CTTC trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Việt Nam bị thu hồi theo Quyết định số 2613/QĐ-NHNN ngày 23/12/2015 của Thống đốc NHNN.

CTTC Tàu thủy và Hafic lỗ lũy kế và âm vốn kéo dài. Hiện tại, hai công ty này vẫn trong tình trạng chờ hướng xử lý của Chính phủ.

Tình hình tài chính và đặc điểm riêng của CTTC Dầu khí (PVFC) đã được trình bày chi tiết ở phần trước. PVFC hợp nhất với NH TMCP Phương Tây (Western Bank) thành NH TMCP Đại chúng (PVcombank) theo Quyết định số 2018/2013/QĐ-NHNN ngày 12/9/2013. 

3. Đánh giá và thảo luận

Đến cuối năm 2018, sau 6 năm thực hiện tái cơ cấu của NHNN đã cho kết quả như sau: Hai CTTC tự tái cơ cấu thành công và 6 công ty được NH thương mại mua lại để chuyển đổi thành 6 CTTC mới. Hệ thống các CTTC cho vay tiêu dùng có thêm 8 thành viên lành mạnh về tài chính, tuân thủ pháp luật về tỷ lệ sở hữu, đủ vốn. Chính phủ không phải bỏ tiền hỗ trợ các trường hợp này, đồng thời các Tập đoàn, Tổng công ty sở hữu các CTTC trước đây đều thoái vốn thành công, không gây lỗ. 

Như vậy, NHNN bằng việc tạo ra động cơ khuyến khích, mà không sử dụng ngân sách, đã góp phần tái cơ cấu thành công 8 CTTC. Trong 12 CTTC thì NHNN phải rút giấy phép 1 công ty. Hiện vẫn còn 2 CTTC chờ hướng xử lý và 1 NH do 1 CTTC đã hợp nhất vẫn tiếp tục tái cơ cấu. Lựa chọn không sử dụng ngân sách trực tiếp khi tái cơ cấu 4 CTTC còn lại không tối ưu. Nghĩa vụ nợ và các trách nhiệm khác của CTTC Cao su, tuy Chính phủ không phải bỏ tiền nhưng Tập đoàn Cao su tiếp tục kế thừa các nghĩa vụ này. Hai CTTC Tàu thủy và Hafic vẫn chưa có giải pháp và càng kéo dài giải pháp chờ đợi này thì khoản lỗ ngày càng gia tăng. Với trường hợp PVFC, câu hỏi đặt ra có hay không quan ngại PVFC quá lớn để đổ vỡ. Nếu có lựa chọn giải pháp tái cơ cấu này sẽ làm tăng tâm lý ỷ lại (moral hazard) cho các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu các CTTC của NHNN giai đoạn 2012-2018 được đánh giá là thành công, nhưng thành công một phần.

Nghiên cứu đã minh họa, phân tích nguyên nhân, cách thức của quá trình tái cơ cấu, đồng thời đánh giá về quá trình này đã được thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn từ gợi mở của nghiên cứu. Đó là tại sao các CTTC tự tái cơ cấu và NH mua CTTC chọn hoạt động cho vay tiêu dùng. Hay nói cách khác là sức hấp dẫn của hoạt động cho vay tiêu dùng là gì. Quá trình NHNN tạo ra cơ chế và động cơ khuyến khích cũng như việc sử dụng các cơ chế, động cơ này để khuyến khích các NH tham gia tái cơ cấu các CTTC. Thêm vào đó là việc có hay không sự thỏa thuận giữa NHNN và NHTM mua CTTC và nếu có thì quá trình này diễn ra như thế nào.

4. Kết luận khuyến nghị chính sách

Việc không dùng ngân sách khi tái cơ cấu 12 CTTC trong nước được đánh giá là thành công, nhưng mới thành công một phần. Kinh nghiệm rút ra từ quá trình tái cơ cấu là tầm quan trọng của việc xác định đúng mức độ khó khăn tài chính của CTTC cần tái cơ cấu. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình thực tế bao gồm mục tiêu, các ràng buộc hạn chế và công cụ sử dụng để có giải pháp và lộ trình tái cơ cấu phù hợp. Khuyến nghị chính sách từ kết quả nghiên cứu là cần có thiết kế các động cơ khuyến khích cho các TCTD tự tái cơ cấu cũng như các cổ đông tư nhân tham gia tái cơ cấu. Bên cạnh đó, với trường hợp TCTD khó khăn tài chính lớn, cần có một ngân sách để tái cấp vốn sớm kết hợp với tham gia quản lý giám sát trực tiếp. Sử dụng ngân sách có thể là một lựa chọn chính sách tốt hơn là việc cho kéo dài thời gian khắc phục mà không có hỗ trợ tài chính vì lựa chọn này thường dẫn đến thua lỗ kéo dài ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Trường Phước (2017). “Đánh giá nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của các CTTC thuộc kiểm soát Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước tại Việt Nam ”. Luận văn thạc sỹ chính sách công. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

2. Thông tin về việc mua lại, sáp nhập các CTTC (Than Khoáng sản, Hóa chất, Dệt may, Sông đà, Vinaconex Viettel) theo thông tin của các Ngân hàng (Việt Nam Thịnh vượng VPB, Kỹ thương Việt Nam Techcombank - TCB, Hàng Hải - MSB, Quân đội - MBB, Sài Gòn Hà Nội - SHB) từ Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, Bản cáo minh bạch của các Ngân hàng, website của NHNN, của các ngân hàng và các báo điện tử.

3. Thông tin về CTTC Bưu điện: Dẫn lại từ Stoxplus (2014). Vietnam Consumer Finance Market.

4. An Hạ (2018) Vì sao SeABank mua lại CTTC Bưu điện với giá 710 tỷ đồng? https://dantri.com.vn/kinh-doanh/seabank-mua-lai-cong-ty-tai-chinh-buu-dien-20180623075000042.htm; và H.N (2018): http://baophapluat.vn/bat-dong-san/nhnn-chap-thuan-viec-mua-ban-chuyen-nhuong-von-gop-cua-vnpt-cho-seabank-394325.html

5. Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng Đông Nam Á SeABank mua lại CTTC Bưu điện. Tuy nhiên, thông tin về việc sau khi mua CTTC Bưu điện ngân hàng Đông Nam Á SeABank sẽ chuyển đổi thành CTTC hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng là của các tác giả dẫn lại từ các phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 31/10/2018, tác giả vẫn chưa có thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước có quyết định chính thức về công ty tài chính của SeABank.

6. Kiểm toán Nhà nước 2017- Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2017 số: 199/BC-KTNN ngày 10/5/2018. Chú thích 405, (vi)). Công ty lỗ lũy kế đến năm 2013 là 135.52 tỷ đồng;

7. KTNN 2014 - Báo cáo kiểm toán 2014. Chú thích 327 mục (iii) Một số đơn vị lỗ lũy kế lớn.

8. Stoxplus (2014). Vietnam Consumer Finance Market 2014.

9. Bản công bố thông tin về việc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam bán CTTC TNHH MTV Bưu điện - tháng 12/2017.

EVALUATING RESULTS OF THE RESTRUCTURING

PROCESSES OF FINANCIAL SERVICES

COMPANIES FROM 2012 TO 2018

● Master. NGUYEN THI THU HUONG

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The study illustrates the process of classifying and restructuring financial services companies. Statistics and case studies were used to analyze the reasons why some financial services companies have to be restructured, and to illustrate and interpret the restructuring processes implemented into each company or group of companies. Based on the restructuring results, the author reviewed and proposed some policy recommendations on these restructuring processes.

Keywords: Restructuring, financial services companies, policy recommendations, psychological dependence.