Tóm tắt:
Theo lý thuyết và thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, trong quá trình phát triển kinh tế, muốn nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, ứng với mỗi thời kỳ đều phải xác định cho được thực trạng năng lực công nghệ nói chung, trong đó có năng lực tiếp thu công nghệ nói riêng từ cấp độ doanh nghiệp, ngành và quốc gia, để từ đó có thể kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng được các yêu cầu năng lực công nghệ cho từng thời kỳ phát triển cả đối với doanh nghiệp, ngành hay quốc gia đó. Điểm mấu chốt của đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ là làm sao đo lường và lượng hóa được năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp, ngành hay quốc gia dựa trên các tiêu chí đánh giá, để từ đó nêu bật được mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung và tăng cường.
Từ khóa: Công nghệ; Năng lực, phương pháp luận Atlas công nghệ.
1. Khái quát về năng lực tiếp thu công nghệ
Đối với các nước đang phát triển, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhưng các nước này cũng có thể tạo được một nền tảng công nghệ (bao gồm phương tiện, kỹ năng, kiến thức và tổ chức). Theo đó, năng lực công nghệ ở các nước đang phát triển được hiểu rộng hơn và có liên quan đến năng lực của doanh nghiệp trong việc mua, tiếp thu, sử dụng, thích nghi, cải tiến và đổi mới công nghệ. Năng lực công nghệ ở cấp doanh nghiệp được nâng cao sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí trong việc mua và tiếp thu công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của S.Lall (1992): “Năng lực công nghệ quốc gia (ngành, doanh nghiệp) là khả năng triển khai các công nghệ hiện có một cách có hiệu quả và ứng phó được với những thay đổi công nghệ”. Theo khái niệm này, năng lực công nghệ được khái quát dựa trên hai mặt cơ bản là khả năng đồng hóa công nghệ và khả năng phát triển công nghệ nội sinh.
Nghiên cứu của S.Lall cho rằng, năng lực công nghệ của doanh nghiệp được phản ảnh bởi năng lực tổng hợp để thực hiện những nhiệm vụ trong chuỗi hoạt động mua - sử dụng - thích nghi - cải tiến.
Theo nghiên cứu của Fransman (1984): Năng lực công nghệ được Fransman phân loại thành: Năng lực tìm kiếm và lựa chọn công nghệ để nhập; Năng lực tiếp thu và sử dụng thành công công nghệ nhập; Năng lực thích nghi và cải tiến công nghệ nhập và Năng lực đổi mới công nghệ. Theo Fransman, năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp là một cấp độ của năng lực công nghệ của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động nhằm biến đổi đầu vào thành đầu ra.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI): Năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp cũng là một cấp độ trong năng lực công nghệ của doanh nghiệp bao gồm năng lực tìm kiếm, đánh giá, đàm phán, mua bán, chuyển giao, thiết kế nhà xưởng và lắp đặt các phương tiện sản xuất.
Theo OECD (Oslo Manual 1995): Năng lực tiếp thu công nghệ thể hiện mức độ tiếp thu công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khác mà chưa có cải tiến, nâng cấp công nghệ đó một cách đáng kể. Năng lực đổi mới công nghệ được đánh giá ở trình độ cao hơn năng lực tiếp thu công nghệ. Năng lực sáng tạo công nghệ được coi là mức cao nhất, là việc tạo ra một qui trình sản xuất hoặc sản phẩm hoàn toàn mới.
Theo Atlas công nghệ (1989), năng lực tiếp thu công nghệ bao gồm năng lực tiếp thu công nghệ từ bên ngoài và năng lực hỗ trợ tiếp thu công nghệ.
Tóm lại, từ các cách tiếp cận trên, năng lực tiếp thu công nghệ được hiểu là năng lực tiếp thu công nghệ từ bên ngoài (bao gồm năng lực tìm kiếm, đánh giá và chọn công nghệ thích hợp; năng lực lựa chọn hình thức tiếp thu công nghệ phù hợp nhất; năng lực đàm phán giá cả, các điều kiện của hợp đồng chuyển giao; năng lực học tập, tiếp thu công nghệ mới được chuyển giao) và năng lực hỗ trợ tiếp thu công nghệ (bao gồm năng lực chủ trì dự án tiếp thu công nghệ; năng lực triển khai nguồn lực để tiếp thu công nghệ; năng lực tìm kiếm, huy động vốn đầu tư; năng lực xác định các thị trường mới cho sản phẩm…).
2. Những gợi ý cho Việt Nam
2.1. Về phương pháp và tiêu chí đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ theo phương pháp luận Atlas công nghệ
Phương pháp Atlas công nghệ được khởi xướng từ một dự án công nghệ do Trung tâm Chuyển giao công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương (APCTT), thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội (UN-ESCAP) nghiên cứu từ năm 1986 - 1988, dưới dự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản và ban hành bộ tài liệu “Nguyên lý phát triển dựa trên cơ sở công nghệ” được dùng để áp dụng cho các quốc gia trong khu vực. Trong đó, hướng dẫn khá chi tiết các nội dung và phương pháp đánh giá hiện trạng công nghệ của một quốc gia. Phương pháp này tập trung vào khảo sát, đánh giá các chỉ số công nghệ ở ba cấp độ:
- Ở cấp độ doanh nghiệp: Xem xét bốn thành phần công nghệ là thành phần kỹ thuật, thành phần thông tin, thành phần con người và thành phần tổ chức. Kết quả đóng góp của bốn thành phần này xác định được hàm lượng công nghệ gia tăng (TCA), là cơ sở để đánh giá năng lực công nghệ, chiến lược công nghệ và năng lực tiếp thu công nghệ... thông qua năng lực nội sinh công nghệ của doanh nghiệp.
- Ở cấp độ ngành: Xem xét các nguồn lực công nghệ và cơ sở hạ tầng công nghệ.
- Ở quy mô quốc gia: Xem xét môi trường công nghệ và nhu cầu công nghệ.
Để hợp nhất các xem xét công nghệ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa thì điều kiện cơ bản là các nhà nghiên cứu về kinh tế và công nghệ phải hỗ trợ lẫn nhau khi tiến hành các phân tích, đánh giá. Nếu sử dụng bốn hình thức biểu hiện của công nghệ theo cách phân chia theo phương pháp Atlas công nghệ (Thành phần kỹ thuật - Technoware; Thành phần con người - Humanware; Thành phần thông tin - Infoware; Thành phần tổ chức - Orgaware) làm cơ sở để điều tra, khảo sát, đánh giá thì có thể đạt được sự bổ sung cho nhau giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển dựa trên công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp, phân ngành, ngành, địa phương và quốc gia... tùy theo mức độ dự án thực hiện.
Để đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ cấp độ doanh nghiệp, dựa trên phương pháp Atlas công nghệ có thể tiến hành theo các bước cụ thể như:
Thứ nhất, đánh giá định tính các đặc trưng công nghệ.
Đây là bước đánh giá các đặc điểm công nghệ ở cấp ngành dựa trên bốn thành phần công nghệ và môi trường công nghệ. Để đánh giá định tính bốn thành phần công nghệ, người ta sử dụng khái niệm cấp tinh xảo của từng thành phần đó. Việc đánh giá toàn bộ ngành được thực hiện nếu chỉ ra được ý nghĩa của từng thành phần công nghệ trong nước. Thay vì liệt kê toàn bộ các cấp tinh xảo hiện nay, người ta xác định những thành phần trội nhất của một ngành ở từng nước.
- Trước hết, thực hiện kiểm tra chất lượng bốn thành phần công nghệ và thu thập tất cả các thông tin phù hợp.
- Các loại chính của phần con người có thể bao gồm công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ R&D.
- Trong thực tiễn, việc lựa chọn mức độ tinh xảo cho các phương tiện chuyển đổi phụ thuộc vào đặc tính nguyên liệu đầu vào, các thuộc tính cần có của sản phẩm đầu ra, các yếu tố kinh tế có liên quan và những cân nhắc về chính trị - xã hội và pháp lý khác.
Sau khi có giới hạn tinh xảo trên và dưới của bốn thành phần công nghệ, vị trí của mỗi thành phần nằm trong khoảng các giới hạn này phụ thuộc vào trình độ hiện đại của nó. Trình độ hiện đại của công nghệ cũng được đánh giá dựa trên bốn thành phần công nghệ gồm: Phần kỹ thuật (T), phần con người (H), phần thông tin (I), phần tổ chức (O).
Thứ hai, đánh giá định tính mức độ tiếp thu công nghệ.
Đánh giá định tính có thể sử dụng phương pháp chuyên gia trong cùng ngành để đánh giá. Việc đánh giá định tính sẽ cho phép ta hình dung được phần nào năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp trong ngành đó và hướng phát triển tương lai trong tương lai.
Thứ ba, đánh giá hàm lượng công nghệ gia tăng (TCA).
Hàm lượng công nghệ gia tăng được dùng để đo năng lực công nghệ và trình độ phát triển kinh tế của một doanh nghiệp, một ngành hay một quốc gia. Nó chứa đựng sự đóng góp công nghệ và sự phát triển kinh tế, nếu những giá trị TCA của tất cả các doanh nghiệp nằm trong ngành xác định được thì ta sẽ nhận được giá trị TCA cấp ngành bằng cách tính tổng những giá trị đó.
Hàm lượng công nghệ gia tăng (TCA) được tính toán như sau:
TCA = TCO - TCI = λ . TCC . VA
Trong đó:
- λ là hệ số môi trường công nghệ mà tại đó hoạt động sản xuất diễn ra;
- VA là giá trị gia tăng của doanh nghiệp;
- TCA (Technology content added): Hàm lượng công nghệ gia tăng ở doanh nghiệp;
- TCC (Technology contribution coefficient): Hệ số đóng góp của các thành phần công nghệ;
- TCO: Hàm lượng công nghệ của các đầu ra;
- TCI: Hàm lượng công nghệ của các đầu vào;
Hệ số đóng góp của các thành phần công nghệ (TCC) được tính toán như sau:
TCC = KTβt. KHβh. KIβi. KOβo
Trong đó:
- KT là hệ số chỉ mức độ đóng góp của nhóm T;
- KH là hệ số chỉ mức độ đóng góp của nhóm H;
- KI là hệ số chỉ mức độ đóng góp của nhóm I;
- KO là hệ số chỉ mức độ đóng góp của nhóm O;
- βt là trọng số, thể hiện cường độ đóng góp của nhóm T;
- βh là trọng số, thể hiện cường độ đóng góp của nhóm H;
- βi là trọng số, thể hiện cường độ đóng góp của nhóm I;
- βo là trọng số, thể hiện cường độ đóng góp của nhóm O
βt + βh + βi + βo = 1
Thứ tư, đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ thông qua năng lực nội sinh của doanh nghiệp.
Dựa trên nền tảng Atlas công nghệ, các thành phần năng lực nội sinh công nghệ gồm:
- Năng lực vận hành, ký hiệu C1;
- Năng lực tiếp thu công nghệ, ký hiệu C2;
- Năng lực hỗ trợ tiếp thu công nghệ, ký hiệu C3;
- Năng lực đổi mới, ký hiệu C4.
Tiêu chí dùng để đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ (C2) dựa trên 8 năng lực thành phần như sau:
- Năng lực tiếp thu công nghệ từ bên ngoài, bao gồm:
Ctth1: Năng lực tìm kiếm, đánh giá và chọn ra công nghệ thích hợp với yêu cầu của sản xuất kinh doanh .
Ctth2: Năng lực lựa chọn hình thức tiếp thu công nghệ phù hợp nhất (liên doanh, licence v.v…).
Ctth3: Năng lực đàm phán về giá cả, các điều kiện đi kèm trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Ctth4: Năng lực học tập, tiếp thu công nghệ mới được chuyển giao.
- Năng lực hỗ trợ cho tiếp thu công nghệ, bao gồm:
Ctth5: Năng lực chủ trì dự án tiếp thu công nghệ.
Ctth6: Năng lực triển khai nguồn nhân lực để tiếp thu công nghệ.
Ctth7: Năng lực tìm kiếm, huy động vốn cho đầu tư.
Ctth8: Năng lực xác định các thị trường mới cho sản phẩm của mình và đảm bảo đầu vào cần thiết cho sản xuất.
Ta có năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp được tính theo công thức sau:

Trong đó:
- n: số thành phần đã chọn (ở đây là 8).
- 5: là số điểm tối đã cho mỗi thành phần.
Thứ năm, lập báo cáo tổng thể năng lực tiếp thu công nghệ.
Tất cả những chỉ số thu được từ việc áp dụng các bước trên có thể tổ hợp lại trong một bảng tổng kết giúp ta thấy được năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp.
2.2. Về điều kiện áp dụng phương pháp luận đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ
Ở Việt Nam, phương pháp luận Atlas công nghệ được các chuyên gia của Trung tâm Chuyển giao công nghệ châu Á - Thái Bình Dương đề xuất đưa vào Việt Nam từ năm 1998 và đến nay đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất áp dụng ở cấp độ đánh giá trình độ công nghệ sản xuất (Thông tư số 04/TT-BKHCN ngày 8/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất). Đây là điểm quan trọng khi kế thừa và phát triển phương pháp luận này trong xây dựng phương pháp đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ cấp độ doanh nghiệp ở Việt Nam. Điểm hạn chế của phương pháp này khá phức tạp, cần có chuẩn so sánh và cần có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Về chuẩn so sánh ngành trong đánh giá năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, hiện nay có thể kế thừa các chuẩn so sánh được ban hành kèm theo Thông tư số 04/TT-BKHCN ngày 8/4/2014. Tuy nhiên cần tiếp tục cập nhật và bổ sung chuẩn so sánh ngành để đảm bảo tính thống nhất và liên tục nếu không sẽ dẫn tới tình trạng mỗi địa phương, đơn vị, sẽ lại áp dụng một chuẩn so sánh khác nhau trong tính toán. Bên cạnh đó, cũng cần xác định chuẩn đánh giá ở khu vực (hoặc chuẩn quốc tế) để có thể so sánh tương quan với Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang thiếu thông tin và kết quả đánh giá của các nước khi sử dụng phương pháp luận Atlas công nghệ, nên khó xác định đâu là chuẩn của khu vực hay chuẩn quốc tế.
3. Kết luận
Chúng ta có thể áp dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau như phương pháp tiếp cận theo đầu vào và đầu ra, phương pháp đo lường công nghệ học… Tuy nhiên, các phương pháp này cũng bộc lộ những điểm hạn chế nhất định và nhìn chung đều khó áp dụng ở các nước đang phát triển. Phương pháp Atlas công nghệ tập trung vào phân tích đánh giá các chỉ số hàm lượng công nghệ, môi trường công nghệ, trình độ công nghệ, năng lực công nghệ và nhu cầu công nghệ. Điểm mạnh của phương pháp này là có thể sử dụng các dữ liệu về trình độ công nghệ có sẵn theo Thông tư số 04/TT-BKHCN giúp tiết kiệm và giảm chi phí điều tra, khảo sát khi tiến hành đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ. Hơn nữa, phương pháp đánh giá theo Atlas công nghệ có nhiều ưu điểm lớn trong quản lý, hoạch định chiến lược công nghệ, được sử dụng làm cơ sở cho khá nhiều dự án về công nghệ đặc biệt tại các nước đang phát triển. Điểm hạn chế của phương pháp này là tính toán khá phức tạp, cần có chuẩn so sánh và cần có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Quỳnh Mai, Nguyễn Thùy Trang (2007), Phân tích sự khác biệt của một số phương pháp luận áp dụng trong đánh giá trình độ công nghệ tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 10 số 08-2007.
2. Thông tư số 04/TT-BKHCN, ngày 8/4/2014, của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.
3. Trịnh Minh Tâm (2015), Vai trò của FDI trong đổi mới công nghệ tại Doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 6 - tháng 5/2015, p 18-21.
4. Trịnh Minh Tâm (2015), Hấp thụ công nghệ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Điều kiện từ phía Nhà nước và doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 8 năm 2015, p 51-54.
5. Hoàng Đức Thân, Trịnh Minh Tâm, Phan Thị Hoài Vân (2016), Tác động tràn của FDI tới đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 224 (II), tháng 2/2016.
6. Trịnh Minh Tâm (2017), Technology absorption capability evaluation of small and medium enterprises in Vietnam: Conditions from the State and Enterprises, European Science Review, No 3-4 2017, pages 125 - 126.
7. Trinh Minh Tâm, Nguyễn Hữu Xuyên (2017), Enhancing Technology Absorption Capability in Vietnams Agro - Processing Enterprises, International Journal of Business Marketing and Management, Volume 2, Issue 6, July 2017, pages 27-30.
8. Fransman (1984), Promoting technological capability in the capital goods sector: The case of Singapore, Research Policy, Volume 13, Issue 1, February 1984, Pages 33-54.
9. S.Lall (1992), Technology capabilities and industrialization, World Development Volume 20, Issue 2, February 1992, Pages 165-186.
10. OECD (1995), Oslo Manual 1995, Paris, France.
11. Sharif M.N. (1986): “Measurement of Technology for National Development” in Technology Forecasting and Social Change n. 29, pp. 119-172.
12. UN-ESCAP (1989): “Technology Atlas Project Tokyo Program On Technology for Development in Asie and Pacific”, Bangalore, India.
Evaluate the technology acquisition capability of the technology Atlas ethodology and suggestions for Vietnam
PhD. TRINH MINH TAM
PhD. TRAN HAU NGOC
MA. DO SON TUNG
Vietnam Centre for Science and Technology Evaluation
Ministry of Science and Technology
Abstract:
Theories and empirical practices of countries in the world, in the course of economic development that want the economy to grow high and stable, for each period must determine the state of technology capacity in general and technology acquisition capability in particular from the enterprise, sector and national level so that it can be combined with the socio-economic development objectives and capacity of building the technological force for each period of development, both for the business, the industry or the country. The key to assessing technology absorption capability is how to measure and quantify the technology acquisition capacity of the business, industry or country based on the evaluation criteria to highlight the strengths and weakness that need to be overcome and the problems to be readjusted and improved.
Keywords: Technology, Capability, Atlas technology Methodology.