TÓM TẮT:
Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu định lượng được thực hiện với phương pháp chọn mẫu thuận tiện với mẫu nghiên cứu là 233 du khách đã từng tham quan Chợ nổi, phân tích Cronbach’s alpha, phân tích EFA và mô hình hồi quy tuyến tính bội. Kết quả cho thấy có bốn nhân tố chính ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách: (1) Cảnh quan môi trường, (2) Con người, (3) Cơ sở vật chất, và (4) Sự hỗ trợ từ ứng dụng du lịch thông minh. Những phát hiện này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về trải nghiệm của du khách, mà còn đưa ra các hàm ý chính sách nhằm nâng cao sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, Thành phố Cần Thơ và thúc đẩy hành vi du lịch của du khách trong tương lai.
Từ khóa: Chợ nổi Cái Răng, trải nghiệm của du khách, sự hài lòng.
1. Đặt vấn đề
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan nổi bật của thành phố Cần Thơ và là biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 (Tổng cục Du lịch, 2016). Với quy mô lớn và sự phong phú về hàng hóa, từ rau củ đến các thực phẩm đặc sản, Chợ nổi Cái Răng đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Đây luôn là điểm đến được du khách lựa chọn trong các chuyến du lịch về Tây Nam Bộ (Phạm Côn Sơn, 2005; Nhâm Hùng, 2009). Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của các điểm du lịch tại Việt Nam (Huỳnh Diệp Trâm Anh, & Phạm Xuân Hậu, 2021; Phạm Xuân Hậu, & Huỳnh Diệp Trâm Anh, 2018; Hà Nam Khánh Giao, 2020; Khuong và Ha, 2014), vẫn còn một khoảng trống trong việc đánh giá sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng. Sự hài lòng của khách du lịch là chủ đề mà các học giả đã quan tâm và nghiên cứu từ thế kỷ XX. Các nghiên cứu này tập trung vào khía cạnh sự hài lòng của du khách đối với các sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khách sạn, nhà nghỉ và các điểm du lịch (Chen, Zhang, & Qiu, 2012).
Không dừng lại ở đó, các nghiên cứu liên quan đến sự hài lòng của khách du lịch ngày càng được thực hiện một cách cụ thể và chuyên sâu hơn nhằm đánh giá chính xác hơn các yếu tố tác động đến sự hài lòng của họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các yếu tố như cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương, mà chưa xem xét đầy đủ các nhân tố khác như cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ trong du lịch. Mục tiêu nghiên cứu là xác định các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách, từ đó đưa ra những gợi ý chính sách nhằm nâng cao trải nghiệm cho họ. Bố cục nghiên cứu bao gồm: phần đầu giới thiệu về bối cảnh và tầm quan trọng của Chợ nổi Cái Răng, cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả khảo sát và thảo luận, cuối cùng là kết luận và các hàm ý chính sách nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách tại Chợ nổi Cái Răng.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết về trải nghiệm và sự hài lòng của du khách
Trải nghiệm du lịch là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu du lịch, phản ánh cách du khách tương tác với môi trường và dịch vụ tại điểm đến. Theo Pine và Gilmore (1999), trải nghiệm du lịch được cấu thành từ bốn yếu tố chính: giải trí, giáo dục, thẩm mỹ và thoát ly thực tại. Những yếu tố này không chỉ tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc và sự hài lòng của du khách đối với điểm đến (Pine và Gilmore, 1999).
Chất lượng trải nghiệm du lịch được định nghĩa là phản ứng cảm tính của khách du lịch đối với những tương tác cá nhân với các dịch vụ được cung cấp tại điểm đến (Otto và Ritchie, 1996). Khác với chất lượng dịch vụ, vốn mang tính khách quan và liên quan đến các thuộc tính dịch vụ, chất lượng trải nghiệm mang tính chủ quan và gắn liền với cảm xúc của du khách (Otto và Ritchie, 1996). Điều này cho thấy sự hài lòng của du khách không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố vật chất mà còn vào cảm xúc và trải nghiệm mà họ có được trong suốt chuyến đi.
Theo Kotler (2000), sự hài lòng của khách hàng là cảm giác hài lòng hoặc thất vọng của một người phát sinh từ việc so sánh kết quả thu được từ sản phẩm (hoặc dịch vụ) với kỳ vọng của họ, hay có thể hiểu rằng sự hài lòng của khách hàng thường được hình thành từ hai nhân tố đó là kỳ vọng và trải nghiệm thực tế.
Nghiên cứu về sự hài lòng của khách du lịch đã trở thành một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực du lịch từ thế kỷ 20. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sự hài lòng là đánh giá sau trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ (Chen và cộng sự, 2012). Hơn nữa, các yếu tố như cảnh quan tự nhiên, văn hóa địa phương, cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ cũng cần được xem xét để hiểu rõ hơn về sự hài lòng của du khách (Giao, Hang, Son, Kiem, & Vuong, 2020; Khuong và Ha, 2014).
2.2. Mô hình sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại các điểm du lịch
Nghiên cứu này dựa trên lý thuyết kinh tế trải nghiệm của Pine và Gilmore (1998), trong đó nhấn mạnh trải nghiệm mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho khách hàng là yếu tố quan trọng nhất sau khi họ sử dụng dịch vụ. Những trải nghiệm này, dù vô hình, có thể lưu giữ trong tâm trí khách hàng lâu dài, ảnh hưởng đến sự hài lòng của họ đối với điểm đến. Bên cạnh đó, mô hình Kỳ vọng - Cảm nhận của Oliver (1980) cũng là một công cụ quan trọng trong nghiên cứu sự hài lòng của khách du lịch. Mô hình này dựa trên hai yếu tố chính: kỳ vọng của khách du lịch trước khi trải nghiệm và cảm nhận sau khi trải nghiệm dịch vụ tại Chợ nổi Cái Răng. Qua đó, mô hình cho phép so sánh những gì du khách kỳ vọng trước và sau khi trải nghiệm các dịch vụ tại đây. Ngoài ra, mô hình nghiên cứu Holsat của Tribe và Snaith (1998) đánh giá tổng quan Kỳ vọng - Cảm nhận của khách du lịch về một điểm đến cụ thể, không chỉ giới hạn ở các dịch vụ du lịch. Mô hình này phù hợp để đánh giá mức độ kỳ vọng - cảm nhận của du khách tại Chợ nổi Cái Răng.
Nghiên cứu của Baxter và Glenn (2020) đã phân tích tác động của hình ảnh điểm đến đến sự hài lòng của khách du lịch tại Chợ Nổi Đồn - Wai ở Nakhon Pathom thông qua các nhân tố như: (1) Cảnh quan thiên nhiên, (2) Di tích lịch sử, (3) Sản phẩm du lịch, và (4) Kiến trúc. Nghiên cứu của Lưu Thanh Đức Hải và Nguyễn Hồng Giang (2010) đã đánh giá chi tiết những nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của khách du lịch với dịch vụ du lịch ở Kiên Giang, cho thấy các nhân tố như: (1) Sự tiện nghi của cơ sở lưu trú, (2) Phương tiện vận chuyển tốt, (3) Thái độ hướng dẫn viên, (4) Ngoại hình của hướng dẫn viên, và (5) Hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch đều có tác động đáng kể đến sự hài lòng. Nghiên cứu của Giao và cộng sự (2020) đã chỉ ra thái độ phục vụ của nhân viên, chất lượng dịch vụ và điều kiện cơ sở hạ tầng đều ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách. Nghiên cứu này còn nhấn mạnh sự hài lòng không chỉ là kết quả từ một dịch vụ cụ thể mà là cả quá trình trải nghiệm tại điểm đến. Nghiên cứu của Pai và cộng sự (2020) cho thấy sự hỗ trợ từ ứng dụng du lịch thông minh có tác động tích cực đến sự hài lòng và trải nghiệm của du khách, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến ý định quay trở lại.
Dựa trên những vấn đề đã thảo luận ở trên, các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:
H1: Yếu tố Cảnh quan môi trường có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
H2: Yếu tố Con người có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
H3: Yếu tố Cơ sở vật chất có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
H4: Yếu tố Sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Sự hài lòng đóng vai trò then chốt trong việc thu hút du khách đến với điểm đến. Các nghiên cứu trước đây đã nhận định sự hài lòng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố như cảnh quan môi trường, con người, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và giá cả (Lưu Thanh Đức Hải và Nguyễn Hồng Giang, 2010; Chen và cộng sự, 2016). Nghiên cứu cũng bổ sung thêm yếu tố Sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh (Hà Nam Khánh Giao, 2020) nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đến sự hài lòng của du khách. Mô hình nghiên cứu đề xuất sẽ được trình bày ở Hình 1.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Nghiên cứu đã tổng hợp các thang đo trong mô hình được sử dụng từ những nghiên cứu trước và được kiểm định như nghiên cứu của Baxter và Glenn (2020), Lưu Thanh Đức Hải và Nguyễn Hồng Giang (2010), Hà Nam Khánh Giao (2020) và Pai và cộng sự (2020) để giải thích được mối quan hệ giữa các yếu tố: cảnh quan môi trường, con người, cơ sở vật chất và sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng. Đồng thời thang đo sơ bộ được sử dụng để phỏng vấn sâu 11 chuyên gia là những lãnh đạo sở ban ngành về du lịch, ban quản lý Chợ nổi Cái Răng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự dài lòng của du khách khi trải nghiệm du lịch tại Chợ nổi Cái Răng. Thang đo chính thức sau khi phỏng vấn sâu chuyên gia được điều chỉnh cho rõ nghĩa và việc trả lời được chuẩn xác để đưa vào phỏng vấn du khách. Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 233 du khách đã trải nghiệm du lịch tại Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2024 với phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Thang đo bao gồm 24 biến quan sát được thực hiện dựa theo thang đo Likert 5 điểm với mức độ đồng ý được tăng dần từ 1 (Hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (Hoàn toàn đồng ý).
3.2. Phương pháp xử lý dữ liệu
Dữ liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm SPSS 26. Dữ liệu khảo sát được thu thập từ 233 du khách đã trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng. Trước khi nhập vào SPSS, dữ liệu được làm sạch để loại bỏ các giá trị không hợp lệ hoặc thiếu sót (Hà Nam Khánh Giao & Bùi Nhất Vương, 2019). Phân tích dữ liệu bao gồm các bước: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach's Alpha để xác định mức độ nhất quán của các biến trong thang đo (Hair, Hollingsworth, Randolph, & Chong, 2017), phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis- EFA) để xác định cấu trúc tiềm ẩn giữa các biến quan sát. Cuối cùng, hồi quy bội được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa các yếu tố độc lập (cảnh quan môi trường, con người, cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh) và sự hài lòng của du khách. Kết quả phân tích được trình bày dưới dạng bảng và biểu đồ nhằm minh họa rõ ràng các phát hiện từ nghiên cứu.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Thông tin mẫu nghiên cứu
Kết quả khảo sát cho thấy, về giới tính, tỷ lệ nam là 54.5% và nữ là 45.5%. Về cơ cấu mẫu theo độ tuổi, 20 - 35 tuổi là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất với 42.9%; nhóm tuổi dưới 20 chiếm tỉ lệ khá cao là 31,3%; nhóm tuổi 36 - 50 chiếm 19,7%; nhóm tuổi từ 50 - 60 có tỷ lệ thấp nhất chỉ chiếm 6.0%, cho thấy Chợ Nổi Cái Răng ít thu hút được du khách lớn tuổi thường xuất phát từ những hạn chế về sức khỏe hoặc thời gian. Về hình thức tham quan chợ nổi Cái Răng cho thấy phần lớn du khách lựa chọn tham gia tour du lịch, với tỷ lệ là 47,6%; tỷ lệ du khách tự do khám phá chợ nổi đứng thứ hai là 20,2%; tham quan cùng gia đình chiếm 24,9% và cuối cùng chỉ có 7,3% du khách chọn cùng đồng nghiệp bạn bè.
4.2. Kiểm định độ tin cậy của thang đo
Kết quả phân tích có hệ số Cronbach’s Alpha trong khoảng từ 0.715 đến 0.891, đều lớn hơn 0.6 và tương quan biến tổng đều lớn hơn 0.3 (Hair và cộng sự, 2017). Việc này cho thấy thang đo của các nhân tố này đạt được độ tin cậy, 24 biến quan sát đều giải thích được cho các thành phần trong mô hình nghiên cứu. Như vậy, với kiểm định Cronbach’s Alpha, mô hình nghiên cứu đảm bảo được chất lượng với thang đo biến độc lập gồm 4 nhân tố, 19 biến và biến phụ thuộc gồm 5 biến quan sát được đưa vào phân tích EFA.
4.3. Phân tích EFA
Phân tích EFA được thực hiện trên 19 biến để đánh giá độ tin cậy của 04 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tại Chợ Nổi Cái Răng. Kết quả kiểm định KMO và Bartlett's chỉ ra rằng, với Sig. = 0,000 (dưới mức ý nghĩa 5% là sig. < 0.05), và chỉ số KMO là 0.904 (> 0.5) cho thấy phân tích nhân tố là phù hợp. Kết quả cho thấy với phương pháp trích nhân tố (Principal Component), phương pháp xoay nhân tố (Varimax) cho phép trích được 04 nhân tố từ 19 biến quan sát đạt yêu cẩu hệ số tải > 0,50 và phương sai trích tích lũy là 60.511% đạt yêu cầu > 50%) , tức là 4 nhân tố này giải thích được 60.511% biến thiên dữ liệu và tương ứng với giá trị Eigen từ 1.084 - 1.368 (đạt yêu cầu>1).
Sau khi phân tích EFA cho biến phụ thuộc sự hài lòng của du khách, kết quả hệ số KMO = 0.778 và kiểm định Barlett có ý nghĩa ( Sig = 0.000 < 0.05) cho thấy phân tích nhân tố thích hợp và các biến quan sát có sự tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải nhân tố > 0.5 giá trị Eigen là 2.686 và phương trích là 53.728%. Như vậy thang đo được chấp nhận được sử dụng cho phân tích tiếp theo.
4.4. Phân tích hồi quy và kiểm định mô hình
Bảng 1. Kết quả hồi quy tuyến tính bội
|
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
Kiểm định t |
Mức ý nghĩa thống kê Sig |
Đa cộng tuyến |
||
B |
Độ lệch chuẩn |
Beta |
Phương sai |
VIF |
|||
Hằng số |
1.150 |
0.193 |
|
5.956 |
0.000 |
|
|
CQ |
0.151 |
0.064 |
0.145 |
2.355 |
0.019 |
0.551 |
1.815 |
CN |
0.170 |
0.036 |
0.291 |
4.689 |
0.000 |
0.543 |
1.843 |
CS |
0.125 |
0.053 |
0.145 |
2.362 |
0.019 |
0.553 |
1.809 |
STT |
0.276 |
0.048 |
0.315 |
5.694 |
0.000 |
0.683 |
1.465 |
Hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.515 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả (2024)
Tại Bảng 1, mức ý nghĩa Sig = 0.000 nhỏ hơn 0.05, kết quả kiểm định F cho thấy mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kê cao F = 62.468. Qua đó chứng minh được có ít nhất một trong các biến độc lập có mối liên hệ tuyến tính đáng kể với biến phụ thuộc. Đồng thời, các hệ số VIF đều nhỏ hơn 2 còn cho biết không có vấn đề đa cộng tuyến, đảm bảo tính ổn định của mô hình.
Với kết quả như trên, phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa được thể hiện như sau:
Y= 1.150+ CQ* 0.151+ CN*0.170 + CS* 0.125+ SHT* 0.267
Hệ số hồi quy được thể hiện bằng dấu (+) nói lên được các nhân tố trong mô hình hồi quy đều có tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Dựa vào những nghiên cứu trên, các giả thuyết H1, H2, H3 và H4 đều được chấp nhận.
4.5. Kết quả kiểm định sự khác biệt
Kết quả kiểm định t-test và kiểm định ANOVA cho thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm giới tính, độ tuổi, hình thức tham quan về sự hài lòng khi trải nghiệm Chợ nổi Cái Răng.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
5.1. Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra bốn nhân tố chính: Cảnh quan môi trường, Con người, Cơ sở vật chất và Sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh, đều có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm tại Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Những phát hiện này khẳng định việc cải thiện các yếu tố này không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương. Cảnh quan môi trường đẹp và trong lành, cùng với sự thân thiện và chuyên nghiệp của con người, tạo nên một bầu không khí hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các ứng dụng du lịch thông minh, giúp du khách dễ dàng hơn trong việc khám phá và tận hưởng những nét đặc sắc của chợ nổi. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến sự hài lòng mà còn có thể tác động đến ý định quay trở lại của du khách trong tương lai.
5.2. Đề xuất hàm ý chính sách
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ tại Chợ nổi Cái Răng. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch nên chú trọng đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân viên phục vụ, cũng như phát triển các ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch. Qua đó, không chỉ nâng cao trải nghiệm cho du khách mà còn góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo của Chợ nổi Cái Răng. Cụ thể:
Đối với cảnh quan môi trường, cần sơn mới tàu thuyền, đồng bộ màu sắc, trang trí họa tiết truyền thống và giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Đối với con người, cần nâng cao chất lượng phục vụ, cần tuyên truyền, đào tạo và kiểm tra các bằng cấp của nhân viên phục vụ tại Chợ Nổi Cái Răng.
Đối với cơ sở vật chất, cần cải thiện ánh sáng, biển báo tại bến và đảm bảo vệ sinh để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, hệ thống thông tin liên lạc, cần duy trì tính liên tục và dễ dàng sử dụng, giúp du khách nhanh chóng liên hệ khi cần thiết, từ đó cải thiện tốc độ giải quyết vấn đề và tối đa hóa trải nghiệm du lịch.
Đối với sự hỗ trợ của ứng dụng du lịch thông minh, cần cải thiện chất lượng thông tin, thiết kế giao diện thân thiện và tích hợp các tính năng như dự báo thời tiết và đặt tour đơn giản, đồng thời khuyến khích chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội để quảng bá điểm đến.
5.3. Hạn chế của nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo
Mặc dù nghiên cứu đã đạt được những mục tiêu ban đầu đề ra, vẫn tồn tại một số hạn chế cần được xem xét. Thứ nhất, mẫu khảo sát chỉ bao gồm 233 du khách, có thể chưa phản ánh đầy đủ sự đa dạng về đối tượng và trải nghiệm của tất cả du khách đến chợ nổi. Thứ hai, nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các yếu tố tác động đến sự hài lòng mà chưa khai thác sâu về các khía cạnh văn hóa và xã hội của chợ nổi, điều này có thể ảnh hưởng đến việc hiểu rõ hơn về bối cảnh và động lực của du khách khi tham quan (Nhâm Hùng, 2009). Hơn nữa, nghiên cứu không xem xét các yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, môi trường và chính sách quản lý có thể tác động đến hoạt động du lịch tại Chợ nổi Cái Răng. Để khắc phục những hạn chế này, các nghiên cứu tiếp theo nên mở rộng quy mô mẫu khảo sát để bao quát nhiều đối tượng du khách hơn, bao gồm cả du khách quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như phỏng vấn sâu hoặc nhóm tập trung có thể giúp thu thập thông tin phong phú hơn về trải nghiệm và cảm nhận của du khách. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nên xem xét các yếu tố bên ngoài tác động đến sự phát triển của chợ nổi, bao gồm ảnh hưởng từ sự phát triển hạ tầng giao thông và chính sách quản lý địa phương, nhằm đưa ra những giải pháp toàn diện hơn cho việc phát triển bền vững du lịch tại Chợ nổi Cái Răng. Cuối cùng, việc nghiên cứu các mô hình du lịch khác nhau có thể giúp xác định các chiến lược phù hợp để nâng cao trải nghiệm du lịch và sự hài lòng của du khách tại Chợ nổi Cái Răng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các điểm đến khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chen, Y., Zhang, H., Qiu, L., 2012. A Review on Tourist Satisfaction of Tourism Destinations. Proceedings of 2nd International Conference on Logistics, Informatics and Service Science, DOI 10.1007/978-3-642-32054-5_83, 593 - 604.
2. Giao, H. N. K., Hang, T. D., Son, L. T, Kiem, D., & Vuong, B. N. (2020). Tourists‘ satisfaction towards Bao Loc city, Vietnam. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(7), 269-277. doi:10.13106/jafeb.2020.vol7.no7.269.
3. Hà Nam Khánh Giao (2020). Gợi ý nâng cao trải nghiệm du khách với du lịch thông minh. Hội thảo “Giải pháp phát triển hệ thống du lịch thông minh của các tỉnh/thành phố”, Khoa Vận tải Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam.
4. Hà Nam Khánh Giao, & Bùi Nhất Vương (2019). Giáo trình Cao học Phương pháp Nghiên cứu Khoa học trong Kinh doanh - Cập nhật SmartPLS. Nhà xuất bản Tài chính. Hà Nội. ISBN: 978-604-79-2154-6
5. Hair, J., Hollingsworth, C. L., Randolph, A. B., & Chong, A. Y. L. (2017). An updated and expanded assessment of PLS-SEM in information systems research. Industrial management & data systems, 117(3), 442-458.
6. Huỳnh Diệp Trâm Anh, & Phạm Xuân Hậu (2018). Văn hóa Chăm và khả năng thu hút khách du lịch đến tỉnh Ninh Thuận. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 15(11), 131.
7. Kotler, P. (2000). Marketing management (10th ed.). Prentice Hall.
8. Khuong, M. N., và Ha, N. T. (2014). The impact of service quality on customer satisfaction: A case study of tourism services in Vietnam. International Journal of Business and Management, 9(3), 15-25.
9. Lưu Thanh Đức Hải & Nguyễn Hồng Giang. (2011). Nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của du khách khi đến du lịch ở Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 19b, 85-96.
10. Nhâm Hùng, (2009). Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Trẻ.
11. Oliver, R. L. (1980). A cognitive model of the antecedents and consequences of satisfaction decisions. Journal of Marketing Research, 17(4), 460-469.
12. Otto, J. E., & Ritchie, J. R. B. (1996). The service experience in tourism. Tourism
Pai, C-K., Liu, Y., Kang, S., & Dai, A. (2020). The Role of Perceived Smart Tourism Technology Experience for Tourist Satisfaction, Happiness and Revisit Intention. Sustainability, 12(16), 65-92. DOI: 10.3390/su12166592
13. Pine, B. J., & Gilmore, J. H. (1998). The experience economy: Work is theatre & every business a stage. Harvard Business Review Press.
14. Phạm Côn Sơn (2005). Chợ nổi Cái Răng: Điểm đến không thể bỏ qua ở Tây Nam Bộ. Tạp chí Du lịch Việt Nam, 6(2), 22-30.
15. Phạm Xuân Hậu & Huỳnh Diệp Trâm Anh (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch homestay của điểm đến Huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 18(4), 773-783.
16. Tổng cục Du lịch. (2016). Công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: Chợ nổi Cái Răng. Báo cáo thường niên.
17. Tribe, J., & Snaith, T. (1998). Issues of the holistic approach to tourism management: The Holsat model. Tourism Management, 19(4), 487-500.
Evaluating tourist satisfaction at the Cái Răng Floating Market in Cần Thơ City
Huynh Diep Tram Anh1
Ha Nam Khanh Giao1
Dang Van Ut2
Le Van Duong1
1Vietnam Aviation Academy
2University of Finance - Marketing
Abstract:
This study evaluates tourist satisfaction at the Cái Răng Floating Market in Cần Thơ City, Vietnam. Using a quantitative approach, data were collected through convenience sampling from 233 tourists visiting the market. The analysis involved Cronbach’s alpha, exploratory factor analysis (EFA), and multiple linear regression modeling. The findings identify four key factors influencing tourist satisfaction: (1) environmental conditions, (2) interpersonal interactions, (3) infrastructure quality, and (4) support from smart tourism applications. These results not only provide insights into tourists’ experiences but also suggest policy recommendations to enhance satisfaction and positively influence future tourist behavior at the Cái Răng Floating Market.
Keywords: Cái Răng floating market, tourists, experience, satisfaction.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]