Trường Đào tạo nghề Mỏ Hồng Cẩm có một bề dày lịch sử gắn liền với sự tồn tại và phát triển của ngành Than Quảng Ninh, là nơi đào tạo thợ mỏ. Trước đây, Trường chỉ đào tạo học sinh với số lượng hạn chế, vì nhu cầu về thợ mỏ ngày đó còn chưa nhiều. Nhưng vài ba năm trở lại đây, do sự phát triển của Ngành, nhu cầu công nhân lao động tăng đột biến, Trường đã mở thêm nhiều loại hình đào tạo. Bên cạnh hệ dài hạn chính quy có từ trước, Trường đã mở thêm hệ dài hạn không chính quy, hệ ngắn hạn và bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ công nhân với lưu lượng học sinh hàng năm hơn 8.000 người, chiếm khoảng 40% trong tổng số 20.000 học sinh tốt nghiệp hàng năm, từ học nghề đến bậc đại học của Quảng Ninh. Học viên là những cán bộ, công nhân viên từ các mỏ được gửi đến đào tạo lại và học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 24 ngành học và mới bổ sung thêm 4 ngành học là: Vận hành thiết bị cơ điện hầm lò; Vận hành thiết bị nâng tải; Sửa chữa cơ điện mỏ hầm lò; Sửa chữa và lắp đặt thiết bị đường sắt mỏ hầm lò, nâng tổng số ngành đào tạo lên 28.
Có thể nói, trong những năm qua, Trường Đào tạo nghề Mỏ Hồng Cẩm đã có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Sau khi một số cơ sở sáp nhập về Trường đã trở thành một cơ sở đào tạo nghề có quy mô lớn. Ban Giám hiệu Nhà trường đã có những bước đi, cách làm đúng hướng, bước đầu là sắp xếp lại tổ chức, xây dựng hoàn thiện lại bộ máy đào tạo, sau đó là đổi mới phương thức giảng dạy và học tập sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngay từ đầu những năm học, Nhà trường đã triển khai công tác tuyển sinh đến từng doanh nghiệp, khảo sát và nắm bắt nhu cầu các ngành, nghề cần đào tạo, kí kết hợp đồng trách nhiệm tuyển sinh đào tạo với các doanh nghiệp theo quy định của Tổng công ty Than Việt Nam.
Khác với mọi năm, năm học 2003 - 2004, Nhà trường đã có những đổi mới đặc biệt trong công tác tuyển sinh, là không gọi nhập học tất cả học sinh cùng một lúc, mà gọi từng đợt để tránh tình trạng “quá tải” ở các lớp, tận dụng hết cơ sở hiện có cũng như năng lực giảng dạy của giảng viên các khoa, nhằm đưa kiến thức tới học sinh một cách nhanh nhất. Bên cạnh công tác đổi mới tuyển sinh, Trường còn phối hợp với các doanh nghiệp có sự chỉ đạo của Tổng công ty Than để xây dựng, điều chỉnh lại chương trình đào tạo nghề khai thác hầm lò, xây dựng mới hệ thống vận hành máy mỏ, xây dựng thí điểm đào tạo nghề cơ điện hầm lò. Vì vậy, với số lượng lớp nhiều, học sinh đông, lại đa dạng về ngành nghề đào tạo và hệ đào tạo, nhưng tiến độ giảng dạy và kế hoạch đào tạo vẫn được đánh giá tốt, chất lượng học tập của học sinh khá hơn so với những năm trước. Không chỉ quan tâm đến chất lượng đào tạo, Trường đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và giáo dục học sinh. Ban Giám hiệu Nhà trường đã thành lập Phòng Giáo dục học sinh, chuyên phụ trách công tác quản lý và giáo dục học sinh, ban hành các nội quy trong Nhà trường, kiểm tra nề nếp học tập, sinh hoạt hàng ngày trên lớp học và trong khu nội trú, kết hợp với địa phương cùng quản lý học sinh ngoại trú... Ngoài ra, Trường còn lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, chính khoá, các phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao với các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống Nhà trường, về quê hương, đất nước, tìm hiểu pháp luật phòng chống ma tuý, mại dâm... Hàng tháng, tuỳ theo chủ đề, Nhà trường tổ chức gặp mặt đối thoại với học sinh, lắng nghe những băn khoăn, khúc mắc của các em để tìm biện pháp giải quyết. Để động viên học sinh học tập tốt, Trường đã có quy chế học bổng, quy định về khen thưởng, kỷ luật, thực hiện các chính sách đối với học sinh như chế độ ưu đãi, chế độ miễn giảm học phí, chế độ học bổng; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và rèn luyện, đồng thời kết hợp với gia đình học sinh để giáo dục, kỷ luật những học sinh vi phạm nội quy kỷ luật. Nhờ các hoạt động giáo dục này, học sinh đã có tính tự giác, chấp hành nghiêm túc nội quy và quy chế của Nhà trường, tạo không khí sôi nổi trong học tập và rèn luyện.
Song song với công tác đào tạo và giáo dục học sinh, công tác giảng dạy luôn được đề cao hàng đầu. Nhà trường luôn ý thức để mỗi giáo viên không nên có tư tưởng thoả mãn với bài giảng của mình. Trường thường xuyên tổ chức các buổi hội giảng cấp khoa, cấp nhà trường, tổ chức cho các giảng viên đi thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp, nhằm tiếp cận tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại, tạo điều kiện và thời gian để bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trẻ, đội ngũ kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của Trường trong những giai đoạn tiếp theo. Giáo trình, tài liệu giảng dạy cũng được cải tiến thường xuyên, xây dựng các chương trình cụ thể cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng học sinh, cán bộ, công nhân mỏ. Ngoài ra, Nhà trường còn hợp đồng với hàng trăm cán bộ kĩ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp để giảng dạy, bồi dưỡng, kèm cặp học sinh thực tập tại các mỏ.
Để tạo môi trường học tập và sinh hoạt thuận lợi cho các cán bộ, giảng viên và học sinh, Nhà trường đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới khu giảng đường nhà 5 tầng với các phòng học rộng rãi, thoáng mát có khu luyện tập thể thao cho giảng viên, học sinh; khu phân xưởng thực tập hầm lò ở Hoành Bồ. Quý I năm 2004, Nhà trường tiếp tục thực hiện Dự án quy hoạch lại cơ sở đào tạo Hoành Bồ với tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng. Ngoài ra, còn đầu tư mua sắm thêm một số trang thiết bị cho phòng thí nghiệm để học sinh thực hành...
Từ những cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên, học sinh, cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu mà đứng đầu là người Hiệu trưởng luôn tâm huyết với nghề, với sự nghiệp đào tạo, Trường Đào tạo nghề Mỏ Hồng Cẩm trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển toàn diện cả về bề rộng lẫn chiều sâu, khẳng định được vị trí của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Mỏ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất của ngành Than và nhu cầu của xã hội. Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, hy vọng rằng, Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống của mình, đào tạo nhiều thợ mỏ giỏi tay nghề, có sức khoẻ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vùng vàng đen của Tổ quốc.
Đào tạo bám sát thực tiễn sản xuất
TCCT
Một trong những mục tiêu chiến lược phát triển của Tổng công ty Than Việt Nam đến năm 2010 là phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ kĩ thuật của đội ngũ cán bộ, công n