Ở nước ta, người khuyết tật (NKT) chiếm gần 8% dân số, đang phải đối mặt với khó khăn từ rào cản nhận thức đến tiếp cận cơ sở hạ tầng và trong hoạt động nghề nghiệp. Là lớp người yếu thế, họ ít có cơ hội và chịu thiệt thòi trong tìm kiếm việc làm. Gần đây, chính sách xã hội được cải thiện, song nỗ lực trong tổ chức đào tạo và tạo việc làm cho NKT vẫn còn nhiều giới hạn.
Nhận thức về NKT, thực trạng và vấn đề đặt ra
Tại nhiều nước, khuyết tật con người được nhìn nhận với tấm lòng cảm thông để chia.Với quan niệm này, giải pháp thường theo hướng phúc lợi và từ thiện được cộng đồng ủng hộ.
Ở nước ta, có 6,7 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số); trong số này, 75% sống ở khu vực nông thôn. NKT Việt Nam có trình độ văn hóa thấp, hầu hết chưa được đào tạo nghề. Đáng lưu ý là 34,4 % mù chữ, chỉ 9,1% ở trình độ phổ thông trung học và 62% có khả năng lao động sống ở khu vực nông thôn và chính sách đối với NKT thiên cứu tế và trợ giúp.
Với cách nhìn mới, người khuyết tật mong muốn có việc làm có thu nhập, được hòa nhập với cộng đồng, nhấn mạnh đến khả năng lao động và coi trọng việc làm, dựa vào năng lực có thể phát huy cả từ phía xã hội và NKT.
Hướng đến công bằng xã hội, tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã xây dựng những mô hình tạo cơ hội làm việc bình đẳng trong môi trường hòa nhập không rào cản, không mặc cảm đối với NKT. Đi theo hướng này, nhiều nước đã hình thành hệ thống pháp luật và những cam kết đảm bảo quyền của NKT dựa trên nguyên tắc phù hợp giữa trách nhiệm và lợi ích.
Ở Việt Nam, Luật Dạy nghề năm 2006, hướng vào giúp NKT thực hành nghề nghiệp hợp với khả năng. Đến nay, cả nước co 256 cơ sở dạy nghề cho NKT, khoảng 9.400 người được đào tạo nghề (0,14% tổng số NKT).
Do đào tạo nghề mới đến được một bộ phận nhỏ và việc làm còn nhiều hạn chế đã dẫn đến chậm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT(Bộ LĐTB&XH 2009).
Đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho NKT, kết quả ấn trượng của một mô hình thí điểm
Nhận thức được khả năng tiềm tàng có thể phát huy của từng nhóm NKT; từ năm 2007, trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) và Đại học Văn Lang Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành việc thử nghiệm và tổ chức thực hiện dự án đào tạo CNTT cho NKT mang tên ITTP (dự án do cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức Dịch vụ gắn kết tôn giáo (CRS) đồng tài trợ).
Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, thực tiễn Việt Nam, cơ quan chủ trì dự án đã hướng vào xây dựng và cung cấp các khóa học cho NKT theo hướng: Đào tạo lập trình viên CNTT bậc trung cấp quản lý tin học có thời gian học 1 năm; những khóa học 6 tháng dành cho ngành đồ họa thiết kế kiến trúc, kỹ thuật viên đồ họa, xây dựng quản trị website cho người khiếm thính và hướng dẫn viên tin học cộng đồng học 3 tháng đối với người khiếm thị. Cùng với bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, các khóa đào tạo coi trọng cung cấp kỹ năng mềm như giao tiếp, kỹ thuật làm việc, làm việc theo nhóm hướng vào tạo niềm tin, củng cố nhận thức và xóa đi mặc cảm yếu thế của NKT trong hòa nhập cộng đồng.
Song song với đào tạo tại trường, các đơn vị thực hiện đã xây dựng quan hệ liên kết với nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, lấy ý kiến của ngươi sử dụng lao động để hoàn thiện chương trình đào tạo Qua đó tư vấn, giúp học viên tốt nghiệp tiếp cận với những cơ sở có nhu cầu tuyển dụng. Theo phương châm đào tạo gắn với sử dụng lao động, dự án đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp; nhiều cơ sở đã cung cấp địa điểm thực tập, kiểm tra phỏng vấn trực tiếp học viên và sẵn sàng tiếp nhận vào những vị trí làm việc cần tuyển dụng.
Qua 4 năm thực hiện, dự án đã đào tạo nghề cho hơn 500 NKT theo các khóa học dài hạn 1 năm, trên 200 NKT trong đào tạo ngắn hạn. Điều tra, khảo sát học viên sau tốt nghiệp cho thấy, mặc dù phải cạnh tranh thi tuyển cùng sinh viên CNTT đào tạo chính quy hệ dài hạn (học 4 năm), song trên 80% học viên sau 1 năm học đã tìm được việc làm trong các công ty CNTT với mức lương không dưới 4 triệu đồng/tháng. Kết quả ấn tượng về việc làm không chỉ có ý nghĩa xã hội mà quan trọng là mở ra hướng mới trong cách nhìn nhận, đánh giá về khả năng đào tạo và tạo việc làm cho NKT. Rõ ràng là, nếu được trang bị kiến thức theo cách đào tạo thích hợp, NKT hoàn toàn có thể làm việc bình đẳng và cống hiến được nhiều cho xã hội như những người lao động bình thường (USAID, CRS 2011).
Chia sẻ của người trong cuộc
Trong giới thiệu mô hình đào tạo CNTT cho NKT được tổ chức mới đây tại Hà Nội, tiếp xúc với những gương mặt rạng ngời và tình cảm chân thành của những người khuyết tật, trong tôi trào lên niềm xúc động trước những tấm gương của người tàn nhưng không chịu phế, họ đã tạo được biết bao niềm vui cuộc sống trong mỗi công việc thường ngày.
Nghe em Hà Minh Hải, một học viên theo học chưa đầy 6 tháng, giới thiệu những công trình thiết kế đồ họa nội, ngoại thất hoành tráng của những ngôi biệt thự, chung cư phải dùng kỹ thuật hiện đại của Autocad, công nghệ 3D... đòi hỏi phải có hiểu biết kỹ thuật, nguyên lý thiết kế và sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành đồ họa, thiết kế mỹ thuật, chế bản điện tử, dàn trang... tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước sức mạnh tinh thần và nghị lực của một em còn ở tuổi học trò, dám rời khỏi quê hương Phổ Yên (Thái Nguyên) để dấn thân vào lập nghiệp ở nơi xa nhà hàng nghìn cây số. Đem suy nghĩ này trao đổi cùng TS. Nguyễn Dũng, hiệu trưởng Đại học Văn Lang, chúng tôi được biết, Trường đã tạo một cách đi riêng trong đào tạo nghề cho NKT. Thầy Dũng cho biết, ngoài kiến thức chuyên môn, điều cần là khơi dậy được niềm tin, xóa đi mặc cảm để NKT không bị áp lực của rào cản xã hội, từ đó thắp lên nguồn sáng để dám dấn thân. Với triết lý này, học viên của trường được sống nội trú; học cả sáng, chiều trong không khí làm việc theo nhóm như ở doanh nghiệp. Đặc trưng ưu việt của đào tạo theo mô hình doanh nghiệp là học viên phải tham gia với cường độ học tập cao, phải biết vận dụng kỹ năng làm việc theo nhóm để hoàn thành những project được giao.
Mô hình này hướng học viên đến nhận thức nghiêm túc về công việc trong tương lai cả về áp lực và trách nhiệm trong công việc hàng ngày. Học viên khuyết tật của Đại học Văn Lang đã đạt kết quả ấn tượng; nhiều lập trình viên đã vượt qua những ứng viên không khuyết tật để nhận chứng chỉ quốc tế ICDL với 4 module tiếng Anh của tổ chức Springboard, được xem như một công cụ minh chứng cho chất lượng đào tạo đúng hướng của trường.
Tương đồng với Đại học Văn Lang, Nguyễn Văn Giáp, nguyên là học viên của ESTIH bày tỏ, ngôi nhà chung của NKT tại trường trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội đã trở thành nôi ươm tạo, giúp anh và đồng môn có được những hiểu biết cơ bản để bước vào đời. Qua những cuộc thi tuyển mang tính cạnh tranh cùng với nhiều lập trình viên được đào tạo bài bản từ các trường đại học chính quy, Giáp cho biết, sau 1 năm học, anh đi làm việc trong nhiều môi trường sản xuất kinh doanh và đã rút ra, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có việc làm phù hợp nhưng ít có điều kiện hỗ trợ cho NKT; ngược lại, những doanh nghiệp lớn có điều kiện tốt hơn lại đòi hỏi cao, với kiến thức được trang bị trong trường, khó đủ khả năng đáp ứng. Từ thực tiễn và những khó khăn phải đối mặt, anh cùng đồng môn đã lập những nhóm hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động nghề nghiệp thông qua website vietemotion.com.vn.
Minh chứng cho việc làm thành công của học viên, thạc sĩ Hoàng Đức Khiển, hiệu trưởng ESTIH cho biết, hoạt động đào tạo của trường nhằm tạo cơ hội tham gia bình đẳng và toàn diện của NKT vào mọi mặt của cuộc sống, thông qua đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng về giáo giáo dục và việc làm. Đến nay, mô hình giáo dục của trường đã đào tạo được 120 lập trình viên theo chương trình quốc tế của viện NIIT (Ấn Độ), 56 người có trình độ trung cấp CNTT; đào tạo cơ bản và nâng cao trình độ CNTT cho 132 học viên khiếm thị và 51 người khiếm thính (Hoàng Đức Khiển 2011). Những con số nêu ra tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau đó chứa đựng biết bao công sức. Thầy Khiển cho biết, người khiếm thị rất thính tai, có tư duy sáng tạo sinh động; nhưng để chuyển được thông tin đến những đối tượng này lại không đơn giản. ESTIH bắt đầu từ việc chuyển chữ viết sang dạng âm thanh; nghiên cứu để nhập những dạng máy in, máy chữ nổi nhằm kết hợp cả tay và tai của người khiếm thị trong tiếp nhận thông tin. Đối với người khiếm thính, lên lớp bình thường cần đến 3 giảng viên và học theo nhóm, mỗi giảng viên cũng chỉ phụ trách được 4,5 người. Những gì cần làm phải chi phí lớn, khiến giá thành đào tạo lên cao. Đây là một thách thức đối với đào tạo NKT, đòi hỏi phải có cách nhìn thực chất và có thái độ ứng xử phù hợp trong việc mở rộng sau này.