DAP - Vinachem cam kết giảm giá 2,5% ngay khi phân bón được đưa vào diện chịu thuế VAT 5%

Ông Vũ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem cho biết như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam diễn ra mới đây.
phân bón DAP
Từ khi thực hiện Luật Thuế 71 giá thành phân DAP trong nước tăng tăng 7,3%-7,8%

Gánh nặng cho doanh nghiệp và người nông dân

Một vấn đề làm “nóng” ngành nông nghiệp trong nhiều ngày qua là đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra khi Luật thuế 71 được lấy ý kiến sửa đổi. Đây cũng là vấn đề “nóng” của ngành phân bón trong nhiều năm trở lại đây.

Thực tế, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón trong Luật Thuế 71 được đưa vào thực hiện nhiều nay không những ngược với kỳ vọng về giảm giá bán, mang lại lợi nhuận cho nông dân, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, ảnh hưởng phát triển bền vững của nền sản xuất nông nghiệp.

Tại khoản 1, Điều 3, Luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT, đã khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT, cho nên giá bán trong nước tăng lên.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2%-7,6%; phân DAP tăng 7,3%-7,8%, phân su-pe lân tăng 6,5%-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2%-6,1%,... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Điều này kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, sau khi Luật Thuế 71 đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Ngoài ra, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho nên không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn.

Phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu sang Việt Nam, đồng thời làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải “gánh” chi phí thuế GTGT.

Doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá nếu Luật thuế 71 được sửa

Tại sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam diễn ra mới đây, một trong những kiến nghị đáng chú ý là ông Vũ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem đề nghị Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tiếp tục có ý kiến kiến nghị với Chính phủ trình Quốc Hội sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng chịu thuế 5%.

ông vũ văn bằng
Ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem: Công ty sẽ giảm giá 2,5% ngay khi phân bón được đưa vào diện chịu thuế VAT 5%

Ông Vũ Văn Bằng nêu rõ, gần đây có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Theo Luật thuế số 71/2014/QH13 hiện đang áp dụng thì mặt hàng phân bón không phải là mặt hàng chịu thuế, theo đó toàn bộ thuế VAT của nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm làm giá phân bón đầu ra tăng. Người sản xuất sẽ phải tăng giá phân bón để bù đắp chi phí. Đối với sản xuất phân bón DAP toàn bộ VAT đầu vào làm tăng 7,5% giá thành.

“Khi chịu thuế 5% thì toàn bộ VAT đầu vào được hoàn, giá thành giảm 7,5%, nếu tính thuế 5% thì nhà sản xuất sẽ giảm giá thành 2,5%, và Công ty sẽ ngay lập tức giảm giá bán 2-2,5% để cạnh tranh với hàng nhập ngoại trên thị trường nội địa tại thời điểm mặt hàng phân bón được đưa vào diện chịu thuế VAT 5%” – ông Vũ Văn Bằng chia sẻ.

Đồng thời cho biết, khi giá phân bón trong nước giảm thì giá phân bón nhập vào thị trường nội địa cũng phải giảm theo. Điều này người nông dân được hưởng lợi rất lớn. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật thuế số 71/2014 sớm ngày nào thì người nông dân được hưởng lợi sớm ngày đó.

Nguyệt Anh