Đất thiêng Thành Cổ

Trên mảnh đất Thành Cổ máu và hoa giờ đây cây cảnh và hoa đã rở ràng khoe sắc làm dịu đi vết thương chiến tranh. Hồi sinh trên bom đạn đổ nát, thị xã Quảng Trị qua năm tháng không những lấy lại được
 
Ai đã từng đi qua Quảng Trị lại không một lần bâng khuâng câu hát: " Có non thành cổ - một màu xanh non tơ ". Thành cổ Quảng Trị được biết đến không chỉ là công trình thành lũy quân sự dưới thời Nguyễn (1809) - một công trình kiến trúc, văn hóa của đất nước mà còn là di tích lịch sử quốc gia vào loại đặc biệt quan trọng, gắn liền với chiến tích hào hùng đánh bại cuộc phản kích lớn nhất của địch, bảo vệ Thành Cổ 81 ngày đêm (28/6/1972 -16/9/1972).

Chiến tích lịch sử này cùng với thắng lợi của hai miền Nam Bắc là một trong những đòn quyết định đánh bại hoàn toàn chiến lược " Việt Nam hóa chiến tranh " buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari về Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Cổ thành Quảng Trị, nơi 81 ngày đêm tử thủ là bình địa ác liệt, " mùa hè đỏ lửa ", " đại lộ kinh hoàng", là nỗi ám ảnh dằn vặt đau đớn khôn nguôi đối với những thủy quân lục chiến Mỹ.

Bản thân Thành Cổ đã là một tượng đài bất tử nó được dựng lên bằng máu xương của hàng nghìn người lính trẻ, khắc ghi dấu ấn của dân tộc. Có ai biết dưới lớp cỏ non Thành Cổ còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ? Ngã ba Long Hưng, chốt bảo vệ Thành Cổ ở phía Nam được xem là " ngã ba bom" , " ngã ba lửa " vậy mà nhiều đơn vị vẫn bám trụ đến cùng; Hay 20 chiến sĩ do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy đã mưu trí, quả cảm chiếm lô cốt đầu cầu phía Bắc, đánh bật địch tháo chạy từ Ái Tử vào Thành Cổ qua cầu Thạch Hãn ngày 30/4/1972. Tất cả 20 con người anh hùng ấy đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ chặn đường rút chạy của quân địch. Bến sông Thạch Hãn, nơi xuất quân qua tiếp viện cũng bị bom đạn địch tàn phá, giết hại để hôm nay có người cựu chiến binh về thăm, thắp hương cho đồng đội nghẹn ngào:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ !
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"...

( Lê Bá Dương )

Trên mảnh đất Thành Cổ máu và hoa giờ đây cây cảnh và hoa đã rở ràng khoe sắc làm dịu đi vết thương chiến tranh. Hồi sinh trên bom đạn đổ nát, thị xã Quảng Trị qua năm tháng không những lấy lại được hình hài trước năm 1972 mà còn vươn đến một hình hài " cất cánh vút bay" hơn.

Cả nước hướng về Quảng Trị - một thời hoa lửa với những tình cảm trân trọng và việc làm thiết thực. Riêng ngành Điện: vói dự án Cải tạo và phát triển lưới điện thị xã Quảng Trị (vốn vay ADB) đã nói lên rất rõ điều đó. Dự án do Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) làm chủ đầu tư không chỉ đáp ứng tốt nguồn và lưới điện cho 2 phường thuộc Thành Cổ mà còn vươn ra 25 phường, xã, thị trấn các khu vực lân cận. Dự án có quy mô: cải tạo và xây dựng mới 116,8 km đường dây trung thế, 139,5 km đường dây hạ thế, 129 trạm biến áp với tổng dung lượng 18.350 KVA, thực hiện đấu nối công tơ cho 12.885 hộ với tổng chiều dài các nhánh rẽ công tơ là 158 km; Tổng giá trị quyết toán 107,7 tỉ đồng. Sau hơn 3 năm triển khai dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành vào tháng 6 năm 2006 đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho mọi khách hàng với chất lượng ngày càng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo; nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, giảm xác suất sự cố, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và an toàn sử dụng điện; Phù hợp với quy hoạch, tăng thêm tính mỹ quan, văn minh, hiện đại cho Thành Cổ và cả một khu vực rộng lớn lân cận. Đây là tiền đề quan trọng để lưới điện Thành Cổ ngày càng phát triển và khởi sắc.

Ông Nguyễn Vinh, Giám đốc Điện lực Thành Cổ cho biết: Điện lực Thành Cổ hiện quản lý 111,58 km đường dây trung thế; 339,89 km đường dây hạ thế, 140 TBA với tổng dung lượng 32.128 KVA; Sản lượng điện thương phẩm năm 2011 là 44,672 triệu kWh, 6 tháng đầu năm 2012 là 21,916 triệu kWh, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của 23.461 khách hàng sử dụng điện, trong đó có các cơ sở luyện thép Đinh Ngọc Thường và Lê Anh Thủy thuộc cụm công nghiệp Cầu Lòn ...

Về thăm lại Thành Cổ, cảm nhận sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh, tôi bùi ngùi, xúc động và thốt lên:

Máu thịt các anh trộn vào “đất lửa ”
81 ngày đêm quyết tử giữ cổ Thành
Sông Thạch Hãn ngỡ như dòng lệ ứa
Các anh còn mãi mãi tuổi thanh xuân…


Trên đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ 1 A) ngang qua thị xã Quảng Trị, rẽ về phía Đông khoảng 2 km là đến Thành Cổ một thời " lửa - thép". Mời bạn thắp nén hương tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất thiêng liêng Quảng Trị. Bạn sẽ đắm mình vào một không gian gợi nhớ đến chiến trường Quảng Trị năm 1972 đầy khốc liệt và hào hùng, cảm nhận được sự hồi sinh, vươn mình của vùng đất một thời đầy mưa bom, bão đạn. Đất thiêng Thành Cổ điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ và niềm kính phục của bạn bè thế giới đang chờ đón các bạn.
  • Tags: