Đầu tư cho công nghiệp ôtô Cần một sân chơi bình đẳng

Sau khi Bộ Công nghiệp ban hành QĐ 115/2004/QĐ-BCN về Quy định tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, hàng loạt vấn đề nẩy sinh trong việc cấp phép sản xuất ô tô ở các địa phương đã

 

ước mơ biến công nghiệp ô tô trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam không hề xa vời khi Bộ Công nghiệp hoàn thành “Chiến lược quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010, tầm nhìn 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2004. Phải thừa nhận rằng thời gian qua, các chính sách của Nhà nước mới được ban hành đã có tác dụng định hướng và tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư sản xuất và lắp ráp ô tô. Với con số hơn 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp, sửa chữa và chế tạo phụ tùng ô tô, trong đó có 90 cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô và chế tạo phụ tùng đã phác họa  lên bức tranh sôi động về sự phát triển của công nghiệp ô tô trong những năm đầu thế kỷ XXI. Các doanh nghiệp nhà nước như Tcty Công nghiệp ô tô, Tcty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Tcty Than VN, Tcty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đã chứng tỏ là những “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án có đầu tư quy mô lớn, bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân như Công ty Chu Lai - Trường Hải và Xuân Kiên cũng nuôi hoài bão xây dựng nhà máy của mình trở thành những trung tâm ô tô lớn trong nước và khu vực.

Song, để đặc tả bức tranh công nghiệp ô tô một cách chân thực nhất, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế, trong tổng số 200 doanh nghiệp nói trên, hầu như chưa có một doanh nghiệp nào đầu tư hoàn chỉnh vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô như động cơ, hộp số và hệ thống truyền động, kể cả các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này cũng chỉ mới dừng  ở việc lắp ráp ô tô dạng CKD là chính, trình độ công nghệ sản xuất lắp ráp gần giống nhau, tỷ lệ sản xuất trong nước đạt thấp, chủ yếu là sơn, hàn, lắp ráp và kiểm tra. Duy nhất có liên doanh Toyota là có nỗ lực thực hiện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc kêu gọi các vệ tinh là các công ty trong nước cùng phát triển công nghiệp phụ trợ. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Công nghiệp đã cảnh báo xu hướng đầu tư tràn lan trong sản xuất và lắp ráp ô tô và sẽ khó có khả năng kiểm soát, nếu như không có một động thái ngăn chặn mạnh mẽ, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Công Nghiệp. Với lý do đó, Bộ Công nghiệp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan cùng bốn Tcty lớn của Nhà nước là Tcty Công nghiệp ô tô (VINAMOTO), Tcty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Tcty Than (TVN), Tcty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) và hai doanh nghiệp tư nhân là Công ty Xuân Kiên và Công ty ô tô Chu Lai - Trường Hải với mong muốn tìm các giải pháp tháo gỡ thực trạng này.

Cuộc chạy đua không cân sức

Quy định Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công nghiệp ban hành, kèm theo quyết định số 115/2004/QĐ-BCN, ngày 27/10/2004 là một bước triển khai cụ thể và kịp thời theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có trong nước, từng bước lập lại trật tự quản lý ngành công nghiệp ô tô và góp phần tạo ra những sản phẩm ô tô có chất lượng, bảo đảm độ tin cậy, an toàn cao trong một môi trường pháp lý lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ đã giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố TW cấp phép theo QĐ 115.  Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải đáp ứng các yêu cầu của QĐ 115 mới được địa phương cho phép lắp ráp xe và được cơ quan đăng kiểm cấp giấy phép cho xe được lưu hành. Thế nhưng, theo như lời ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc VINAMOTO: Việc thực hiện QĐ 115 ở mỗi địa phương lại theo một chính sách, một cách làm riêng, dẫn đến những bất công trong đầu tư ô tô, khiến cho những doanh nghiệp có tâm huyết như VINAMOTO phải chịu khá nhiều “oan ức”. Mà điển hình nhất là việc hàng trăm xe của hai doanh nghiệp lớn của VINAMOTO là Nhà máy Thủ Đức và Nhà máy ô tô 1/5 đến bây giờ vẫn nằm “đắp chiếu” trong kho để chờ đến lượt được đăng kiểm cấp tem. Liệu đây có phải là sự chậm chễ của các cấp chính quyền địa phương trong cấp phép? trong khi một số doanh nghiệp nhỏ mặc dù chưa làm xong đường chạy thử xe, không có hệ thống sơn tĩnh điện lại được cấp giấy phép một cách nhanh chóng (?). Nực cười hơn là có một số doanh nghiệp chưa thấy đầu tư gì, nhưng đã có giấy phép. Và khi bị kiểm tra,  họ đã đối phó bằng cách viện ra lý do: còn đang di chuyển nhà xưởng. ông Đỗ Hữu Đức - Cục phó Cục Đăng kiểm khá bức xúc khi “kể tội” những doanh nghiệp đã lách “115” để chạy đua đầu tư ô tô... Cũng theo ông Đỗ Hữu Đức, cần phải nhanh chóng xem xét và điều chỉnh lại việc cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương. Cùng với quan điểm này, ông Trần Bá Dương - Gđ Cty ô tô Chu Lai - Trường Hải cho rằng: Chủ trương ban hành QĐ 115 là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp chỉ nhập khẩu linh kiện và lắp ráp ô tô chủ yếu từ Trung Quốc, thì người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt hại đầu tiên. Nếu Nhà nước không quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư “cẩu thả”, sẽ không chỉ có người tiêu dùng bị thiệt hại mà nguy hiểm hơn, nó còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.

Để giải quyết những bức xúc trên, mới đây Bộ Công nghiệp đã trình Chính phủ một số giải pháp. Theo đó, đối với các doanh nghiệp thuộc diện đã hoàn tất bổ sung nhưng chưa kịp làm thủ tục để công nhận là doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, nếu tự xét thấy đáp ứng đủ các điều kiện theo QĐ 115 có thể gửi văn bản, hồ sơ theo quy định về Bộ Công nghiệp để tổ chức kiểm tra liên ngành (có UBND địa phương tham gia) xác nhận cho doanh nghiệp, tránh gây ách tắc trong sản xuất kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp còn đầu tư bổ sung dở dang, chưa đáp ứng được một số điều kiện theo QĐ 115, phải có báo cáo gửi về Bộ Công nghiệp (kèm theo hồ sơ quyết định và ý kiến thẩm tra, xác nhận của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW). Báo cáo của doanh nghiệp phải giải trình đầy đủ các hạng mục đang đầu tư dở dang, những tiêu chuẩn doanh nghiệp chưa đạt và phải nêu rõ biện pháp, thời hạn khắc phục, nhưng không được chậm quá ngày 31/12/2005.

Trên cơ sở kết quả thẩm định của liên ngành, Bộ Công nghiệp xem xét báo cáo Thủ tướng Chính Phủ quyết định gia hạn cho từng trường hợp cụ thể để tránh việc các doanh nghiệp không tích cực đầu tư bổ sung, mà chỉ tranh thủ lắp ráp đơn giản.

Đối với những doanh nghiệp không có đầu tư bổ sung hoặc không có khả năng đáp ứng các điều kiện theo QĐ 115, trước 31/12/2005, thì chỉ cho phép sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ hết số lượng bộ linh kiện đã nhập khẩu trước ngày 1/7/2005. Sau đó, các doanh nghiệp này phải có kế hoạch chuyển sang lắp rắp các xe chuyên dùng, hoặc sáp nhập vào các doanh nghiệp đã có xác nhận đáp ứng yêu cầu QĐ 115, hoặc chuyển sang sản xuất linh kiện, phụ tùng xe ô tô...

Các doanh nghiệp đầu tư mới, tuy đã được UBND các Tỉnh, thành phố trực thuộc TW thẩm tra, xác nhận đạt Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo QĐ 115, nếu có phản ánh về việc thẩm tra, xác nhận không chặt chẽ đều phải qua hậu kiểm liên ngành. Những trường hợp không đáp ứng QĐ 115 sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Bộ Công nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập đoàn kiểm tra liên ngành. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện QĐ 115, Bộ Công nghiệp sẽ đề nghị không cho đăng kiểm chất lượng ô tô cho đến khi doanh nghiệp khắc phục được các hạng mục cần đầu tư theo quy định.

Cuối cùng, Bộ Công nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Quy trình kiểm định ô tô hiện hành theo hướng thiết lập thêm “rào cản” kỹ thuật và gắn kết chặt chẽ với Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công nghiệp ban hành, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại QĐ số 177/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004.
  • Tags: