Đầu xuân Quý Mùi, phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có dịp tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp trên để trao đổi về những thành công và những khó khăn của họ trong năm bản lề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Vũ Mạnh Hùng- Phó tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam:
Năm 2002, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty Than Việt Nam đều đạt khá hơn năm 2001: Tổng doanh thu tăng 9,6%, trong đó doanh thu than tiêu thụ tăng 12,4%, sản lượng than sạch đạt 14,5 triệu tấn, tăng 14%. Tiêu thụ than nội địa tăng từ 6,8 triệu tấn năm 1999 lên 9,1 triệu tấn năm 2002. Công tác quản lý đã từng bước được đổi mới. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là tình hình tai nạn lao động ở các đơn vị sản xuất than của Tổng công ty, đặc biệt 2 vụ tai nạn nổ khí xảy ra cuối tháng 12 /2002 tại Mỏ than Suối Lại và Xí nghiệp Địa chất 909.
Vì vậy, năm 2003 Tổng công ty Than Việt Nam sẽ có một chương trình đào tạo cụ thể về an toàn lao động cho công nhân và cán bộ chỉ huy sản xuất. Chúng tôi sẽ đưa chương trình này vào giảng dạy tại các trường đào tạo công nhân mỏ, tạo cho họ ý thức tác phong công nghiệp. Tổng công ty Than Việt Nam cũng đang nghiên cứu áp dụng mô hình “ Quân sự hoá” trong khai thác hầm lò của một số nước tiên tiến, cụ thể sẽ ban hành mô hình chỉ huy sản xuất thống nhất trong toàn bộ các đơn vị của Tổng công ty, phân định rõ trách nhiệm của từng khâu sản xuất và có các bộ phận giám sát an toàn đặc biệt lưu ý các đơn vị ở các điểm khai thác phân tán. Chúng tôi nhận thấy công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo. Thời gian tới, Tổng công ty Than Việt Nam tiếp tục xem xét và chấn chỉnh lại kỷ luật lao động, đồng thời sẽ chú trọng đến việc đầu tư, củng cố trang thiết bị an toàn như trang bị bình tự cứu, các thiết bị liên lạc hiện đại...
Ông Ngô Văn Trới - Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam.
Nhìn chung năm 2002 tình hình SX-KD của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Phần lớn các đơn vị trong Tổng công ty đã trang trải được chi phí và bắt đầu làm ăn có lãi. Mức tăng trưởng bình quân toàn Tổng công ty là 10%. Nhiều đơn vị SX-KD có hiệu quả cao như: Công ty Khoáng sản 4 - Đơn vị được Bộ Công nghiệp đề nghị tặng Cờ thi đua; Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên hoàn thành vượt mức kế hoạch, doanh thu trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến các đơn vị có kết quả SX-KD khá như Công ty Khoáng sản 3, Công ty Vật tư Địa chất... Năm 2002 chỉ có 2 đơn vị trong Tổng công ty làm ăn thua lỗ với số lỗ khoảng gần 4 tỷ đồng. Nếu tính chung toàn Tổng công ty thì SX-KD không bị thua lỗ mà bắt đầu có lãi.
Bước sang năm 2003, Tổng công ty cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Dự án lớn:
1. Dự án Đồng Sinh Quyền: Hiện tại thiết kế và tổng dự toán đã trình lên Bộ Công nghiệp. Tổng công ty đang tiến hành làm đường vào mỏ, đền bù giải phóng mặt bằng... để đầu năm 2003 có thể triển khai thực hiện dự án.
2. Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng: Tổng số vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD. Tổng công ty đã lập báo cáo khả thi trình Bộ Công nghiệp vào năm 2001. Hiện Tổng công ty đang hoàn chỉnh lại báo cáo khả thi (sau lần 1) để Bộ phê duyệt. Dự kiến có thể khởi công vào cuối năm 2003 hoặc đầu năm 2004.
Ngoài ra, Tổng công ty đang chuẩn bị một số dự án khác như khai thác Kẽm ở Thái Nguyên (khu công nghiệp Sông Công), khai thác Crômmit Cổ Định, xây dựng lò cao số 3 công suất 3 vạn tấn/năm tại tỉnh Lào Cai. Tổng công ty cũng đã thành lập Ban công tác để lập đề án sáp nhập Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam vào Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, trên nguyên tắc sáp nhập nhưng vẫn đảm bảo chức năng nhiệm vụ của 2 tổng công ty trước đây, sáp nhập để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Vũ Mạnh Cường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Da-Giầy Việt Nam, Giám đốc Công ty Da-Giầy Hà Nội: “ Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương cổ phần hoá của Nhà nước đối với ngành Da Giầy” .
Năm 2002 là một năm tương đối thành công đối với Công ty Da-Giầy Hà Nội. Chúng tôi đã có lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công ty thật nhiều ý nghĩa với sự kiện đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2000. Công ty Da-Giầy Hà Nội đã có rất nhiều kinh nghiệm trong SX-KD. Tuy nhiên, do mới chuyển đổi nhiệm vụ trong bối cảnh suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, khu vực cũng như trong nước, nên tình hình SX-KD của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, với sự giúp đỡ của các cấp các ngành và bằng nội lực của mình, năm 2002 Công ty đã có được những thành quả rất phấn khởi: Doanh thu đạt 65 tỷ đồng, nộp ngân sách 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 700 ngàn đồng/tháng... có thể nói Công ty chúng tôi đã tìm được hướng phát triển đúng nên mới đạt được những kết quả như vậy.
Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá của Nhà nước đối với những ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ, trong đó có ngành Da-Giầy là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và về phía doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì ngành Da-Giầy không phải là ngành nghề quan trọng, có quy mô vốn không lớn, nộp ngân sách không nhiều, chủ yếu giải quyết vấn đề lao động. Trong khi đó, công tác quản lý lao động của ta chưa có một quy chế chặt chẽ, quyền lợi và nghĩa vụ không cân đối dễ tạo kẽ hở cho người lao động “ phát huy” tinh thần thiếu tự giác, ít trách nhiệm. Công ty quốc doanh thường trong tình trạng “ cha chung không ai khóc” , vì thế rất cần có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách quản lý từ người lao động đến người sử dụng lao động. Cổ phần hoá có cơ chế vận động và làm việc năng động hơn với, tinh thần, thái độ, và trách nhiệm cao có thể khắc phục được những nhược điểm tồn tại. Năm 2003, Công ty Da-Giầy Hà Nội sẽ chuẩn bị tốt mọi điều kiện để cổ phần hoá thành công.
Ông Phạm Chí Cường - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam: “ Ngành Thép tăng trưởng mạnh song đang đứng trước thử thách lớn” .
Trong năm 2002, có thể nói vui ngành Thép bị rơi vào tình thế “ trong rủi có may” , đó chính là sự tăng đột ngột nhu cầu thép trong nước và việc nở rộ hoạt động sản xuất thép. Đến hết năm 2002, mức tiêu thụ thép cả nước đã lên đến gần 5 triệu tấn (2,5 triệu tấn thép sản xuất trong nước, 2,4 -2,5 triệu tấn thép nhập ngoại). Nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng đột biến trong thời gian qua là do triển khai nhiều công trình xây dựng lớn trên toàn quốc. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép vượt mức tính toán của Ngành. Đó là cái rủi. Nhưng cái may là sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế như các công ty Nhà nước, công ty 100% vốn nước ngoài, liên doanh, các doanh nghiệp tư nhân... trong sản xuất thép. Vì thế, thép không những đáp ứng được đủ nhu cầu mà còn mở ra một bước tiến mới cho ngành Thép nước ta.
Trước thềm năm 2003 này, ngành Thép cũng đã chuẩn bị nhiều để bước vào hội nhập.Việc đổi mới trang thiết bị, máy móc đây chuyền, nhà xưởng là cách duy nhất để hội nhập với thép quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản. Không phải đến thời điểm này, chúng tôi mới “ giác ngộ” mà thực tế công tác hội nhập đã được chuẩn bị từ lâu nhưng có lẽ chưa triệt để. Vì thế, sang năm mới, dù muốn hay không chúng tôi cũng đang “ cưỡi trên lưng hổ” , chỉ còn cách là phóng thẳng về phía trước mà thôi.
Ông Hoàng Thế Ngữ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam: “ Chúng tôi hy vọng năm mới sẽ có nhiều thuận lợi đang chờ đón” .
Năm 2002, là một năm không được “ xuôi chèo mát mái lắm” đối với chúng tôi. Tình hình SX-KD không mấy sáng sủa do nhiều lý do như: Ngành đặc thù nhưng chưa có cơ chế đặc thù, tính rủi ro trong SX-KD còn cao... đặc biệt, có một lý do đáng quan tâm là chủ trương của Bộ Công nghiệp về việc sắp xếp lại tổ chức Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam, cụ thể là sáp nhập Tổng công ty chúng tôi vào Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Về việc này, chúng tôi đề nghị được thực hiện theo nguyên tắc sáp nhập để mạnh lên, không làm mất đi chức năng của 2 Tổng công ty, sáp nhập để hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển chứ không nên sáp nhập theo kiểu “ 2 bọc 1 túi” . Chúng tôi đang chờ quyết định của Bộ Công nghiệp, của Chính phủ để tình hình SX-KD của Tổng công ty sớm ổn định và phát triển bền vững. Hy vọng năm 2003 sẽ có nhiều thuận lợi chờ đón chúng tôi.