Đẩy mạnh công tác khuyến công ở Bình Thuận

Năm 2007 là năm đánh dấu bước tiến mới trong công tác khuyến công của Tỉnh Bình Thuận. Được Sở Công nghiệp Tỉnh chỉ đạo, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận đã phối hợp các địa phương và các doanh nghiệp

       Cụ thể, đã tổ chức đào tạo 22 lớp nghề với số lượng học viên tham gia là 604 người, đạt 100% kế hoạch. Trong số 604 học viên có 125 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Số học viên tập trung vào các cá nghề: Dệt vải thổ cẩm 5 lớp 76 học viên; Gốm mỹ nghệ Chăm 3 lớp 45 học viên; Mộc dân dụng và điêu khắc gỗ mỹ nghệ 2 lớp 20 học viên; Đan lục bình, bẹ chuối 4 lớp và 193 học viên; Đan lá buông 4 lớp 160 học viên; May ráp mảnh và tranh thêu tay 2 lớp và 63 học viên; Sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ sò ốc 1 lớp và 10 học viên; Tổ chức 1 lớp quản lý doanh nghiệp 37 học viên.

         Công tác đào tạo nghề đã phát huy tác dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là sử dụng thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp như huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Thị xã La Gi do Công ty TNHH Thuận Hải và HTX thủ công mỹ nghệ Thắng Lợi đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo. Kết quả đã tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã và kỹ thuật mới, phần nào đáp ứng được yêu cầu mua sắm cho khách hàng, khách tham quan du lịch, làm cho các sản phẩm của các làng nghề ngày càng phong phú, đa dạng như: dệt vải thổ cẩm La Dạ, Phan Thanh, gốm Bình Đức.

         Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập như: việc tổ chức đào tạo nhiều lớp trong một thời gian ngắn do cấp kinh phí chậm nên công tác tổ chức, quản lý và giám sát công tác đào tạo nghề còn chưa chặt chẽ; một số lớp đào tạo chưa đủ học viên (lớp dệt vải thổ cẩm xã La Dạ, lớp quản lý doanh nghiệp). Cá biệt còn một lớp do doanh nghiệp gặp khó khăn không triển khai được hoặc đã sử dụng nguồn như lớp nghề làm tranh cát cho 20 người khuyết tật tại thành phố Phan Thiết và lớp đan lục bình bẹ chuối tại xã Hàm Liêm huyện Hàm Thuận Bắc không huy động được học viên đến dự.

         Về hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật - chuyển giao công nghệ, Trung tâm Khuyến công đã chuyển kinh phí hỗ trợ 4 đề án sau khi có quyết định phân khai kinh phí chương trình khuyến công của UBND tỉnh, bao gồm đề án “Cải tiến mẫu mã, bao bì nước mắm đóng chai phục vụ du lịch” của 3 doanh nghiệp là Công ty CP nước mắm Phan Thiết, cơ sở chế biến nước mắm Trần Thị Doãn, cơ sở chế biến nước mắm Hoà Bình và đề án “Bổ sung đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất hàng hải sản ăn liền” tại DNTN Hải Ngọc.

         Trung tâm Khuyến công đã tiến hành triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 9 doanh nghiệp. Trong đó kinh phí quốc gia hỗ trợ 3 đề án xây dựng mô hình trình diễn cho Công ty TNHH Nhựa Thành Đạt, Tổ hợp tác Chế biến mủ cao su Đức Thuận và Cơ sở Đũa tre Thắng Lợi. Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp tổ chức trình diễn, tham quan học tập để nhân rộng các mô hình này ra các địa phương khác trong tỉnh, có khả năng triển khai, áp dụng hiệu quả. Nhìn chung, các mô hình trình diễn bước đầu đã có những tác động tích cực, thể hiện được khả năng sáng tạo của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường và định hướng phát triển sản phẩm. Nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại các địa phương giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững, cũng góp phần phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khi tổng hợp hóa đơn, chứng từ thanh quyết toán đề án, có đề án phải xin ý kiến chỉ đạo của Cục CNĐP để nghiệm thu, do doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ một số chứng từ hạng mục đầu tư như trong dự án đã được duyệt.

       Hầu hết các doanh nghiệp chưa hiểu nhiều về hoạt động khuyến công, nên trong thực hiện còn gặp một số sai sót, thiếu hóa đơn chứng từ và cung cấp chậm, ảnh hưởng đến  việc nghiệm thu đề án. Đồng thời khi doanh nghiệp thay đổi nội dung đầu tư thì lại chậm trễ trong việc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nhìn chung, việc hỗ trợ đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần từng bước nâng cao các dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

        Về công tác truyền thông khuyến công, Trung tâm đã phối hợp với Báo Bình Thuận, Đài PTTH Bình Thuận thực hiện mỗi tháng một kỳ thông tin về hoạt động khuyến công trên Báo, Đài truyền hình, 2 kỳ trên sóng phát thanh (đạt 100% kế hoạch). Tổ chức biên tập và xuất bản 2/4 kỳ bản tin Công nghiệp  - Tiểu thủ công nghiệp (đạt 50% kế hoạch).

        Trung tâm đã tham mưu hợp đồng thiết kế mới trang web, nhằm đáp ứng cung cấp đủ thông tin và khai thác thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu tìm hiểu về công nghiệp Bình Thuận. Ngoài ra, Trung tâm còn hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho 3 doanh nghiệp tham gia Hội trợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn các tỉnh phía Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh Tiền Giang và vận động 3 doanh  nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại – Thuỷ sản Bình Thuận năm 2007 tại  Khu vui chơi giải trí Suối Cát.

        Nhìn chung, công tác truyền thông khuyến công được triển khai có hiệu quả, xây dựng nội dung để tuyên truyền có chiều sâu và thiết thực trên các lĩnh vực đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, các mô hình sản xuất có hiệu quả, giới thiệu nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới hoặc công nghệ tiên tiến như mô hình sản xuất đồ nhựa composite từ rác thải, sản xuất đũa tăm tre, công nghệ chiết rót và đóng nút chai nước mắm.

        Những kết quả đạt được trong năm qua của khuyến công Bình Thuận đang là bài học kinh nghiệm và là tiền đề cho công tác khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp của Bình Thuận năm 2008 và các năm tiếp theo. Tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Tỉnh, Khuyến công Bình Thuận sẽ đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới.