Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp, thảo luận, đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả trong thời gian qua để nhận diện những khó khăn, vướng mắc trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cũng như chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Đồng thời, đưa ra đánh giá, xác định nhu cầu thị trường cũng như khả năng tận dụng các cơ hội từ thị trường có FTA mà Việt Nam là thành viên và trao đổi, đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng với các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng như nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong hoạt động hỗ trợ sản xuất và hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu lớn, góp phần bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo và rau quả của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo và rau quả của thế giới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh, xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và ổn định. Nhiều hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đã và đang được dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thời gian vừa qua, nhưng tại các thị trường truyền thống mà Việt Nam đã và đang khai thác thì vẫn còn rất nhiều dư địa. Bên cạnh đó, còn nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,..
“Đây là những thị trường mà Việt Nam đã và đang có các Hiệp định thương mại, nhưng chưa khai thác được hiệu quả. Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trước những dự báo tình hình cũng như bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Đối với các Hiệp hội ngành hàng, cụ thể là Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam:
Thứ nhất, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, kịp thời tới các doanh nghiệp, người sản xuất về các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng (Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này, để các doanh nghiệp, nhà sản xuất hiểu và tận dụng được những cơ chế chính sách đó trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do và những yêu cầu của từng thị trường, cũng như những yêu cầu (hoặc những thay đổi về chính sách) của nước nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).
Thứ hai, đề nghị Hiệp hội làm tốt hơn công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất; cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch; đồng thời, chủ động phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn, bảo đảm chất lượng ổn định và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, rõ mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò ảnh hưởng của Hiệp hội ngành hàng với các doanh nghiệp thành viên theo đúng tôn chỉ, mục đích trong Quyết định thành lập Hiệp hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và cần có cơ chế khuyến khích, quy ước chặt chẽ, rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp thành viên trong việc tuân thủ các quy định của Pháp luật và xây dựng bảo vệ thương hiệu cho mình, cho cộng đồng và cho đất nước.
Thứ tư, chủ động cung cấp thông tin, phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động của các doanh nghiệp thành viên để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tích cực tham gia ý kiến đối với các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích sản xuất và các hoạt động xuất nhập khẩu trong lĩnh vực này.
Đối với các Bộ, ngành Trung ương:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
(i) Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…. Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định vị thế tại các thị trường truyền thống và mở rộng trên các thị trường còn nhiều tiềm năng.
(ii) Chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, các Hiệp hội và người sản xuất tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu để chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.
(iii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam; Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam.
(iv) Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong các quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn áp dụng với mặt hàng gạo, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói,…
(v) Phối hợp với Bộ Công Thương trong xử lý những vi phạm của doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực thi FTA, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với các đơn vị trong sản xuất, xuất khẩu không bảo đảm các tiêu chuẩn và yêu cầu của pháp luật.
(vi) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng.
Thứ hai, đề nghị Bộ Nội vụ: Nghiên cứu, hướng dẫn Hiệp hội ngành hàng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các điều lệ, quy chế hoạt động theo hướng cần phải có những quy định cần thiết để bảo đảm Hiệp hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; các doanh nghiệp, hội viên tuân thủ quy định của pháp luật và các quy chế, quy định để bảo vệ lợi ích cho mình, lợi ích cho cộng đồng và bảo vệ lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, đối với các đơn vị của Bộ Công Thương:
(i) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả các FTA tại các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
(ii) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thương mại thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, thương nhân để kịp thời có phản ứng chính sách và điều tiết hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
(iii) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).
(iv) Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động đàm phán, trong đó chú trọng công tác phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, kiểm dịch động - thực vật, và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản có thể xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.
(v) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu...
(vi) Đấu tranh hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam để giữ vững ổn định thị trường; đồng thời theo dõi hoạt động nhập khẩu để kịp thời triển khai biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
(vii) Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại đối với các sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có gạo và rau quả.
(viii) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp và người sản xuất trong quá trình sản xuất cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo hoặc xử lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, đối với các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội nghị hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương nghiêm túc tiếp thu có chọn lọc để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Nghị định 107/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như một số quy định của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt là gạo và rau quả nói riêng.