Câu chuyện về nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào sản xuất kinh doanh, giúp Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông có được sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chiếu sáng đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự Lễ công bố.
Nhân dịp này, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty nhằm làm rõ hơn về con đường mà Rạng Đông đã đi, để vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành chiếu sáng Việt Nam.
PV: Thưa ông, Rạng Đông luôn khẳng định rằng, việc áp dụng KHCN đã giúp Công ty đạt được các kết quả vượt bậc trong sản xuất kinh doanh. Vậy xin ông cho biết, Rạng Đông đã xây dựng Chiến lược phát triển KHCN/ĐMST và CĐS của mình như thế nào?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Từ khi có điện, ngành kỹ thuật chiếu sáng đã trải qua 4 lần chuyển tầng công nghệ, từ đèn dây tóc tới đèn phóng điện huỳnh quang, rồi đèn compact và nay là đèn LED. Qua mỗi lần như vậy, Rạng Đông đều có những chiến lược từ sớm để vươn lên, khẳng định bản lĩnh hàng đầu trong ngành chiếu sáng Việt Nam. Đặc biệt là đầu tư vào KHCN.
Trong 60 năm hoạt động, chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước như Viện Hàn lâm khoa học công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia, ĐH Cần Thơ, Học viện nông nghiệp Việt Nam... tiếp thu tri thức của nhân loại, để sáng tạo, vận dụng vào thực tế của Rạng Đông.
Cho đến thời điểm hiện tại, Rạng Đông đang sở hữu 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển: Lighting R&D Center; Digital R&D Center và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thương mại hóa Hệ sinh thái sản phẩm 4.0 (C4LED).
Các quá trình hợp tác nghiên cứu, thực hiện phát triển KHCN, ĐMST là nhằm mục đích hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam. Các sản phẩm Rạng Đông được sáng tạo, thiết kế và sản xuất trên dây chuyền của Việt Nam, do chính người Việt Nam nghiên cứu chế tạo, được kinh doanh trên các nền tảng do người Việt Nam sở hữu dữ liệu, có giá trị gia tăng cao, mang lại nhiều giá trị cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống và đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe khi đưa vào thị trường các nước G7 và G20.
Để phát huy chất xám của tập thể hàng nghìn công nhân lao động, từ 20 năm nay, Rạng Đông đã có phong trào thi đua gắn với “Ngày Hội sáng tạo Rạng Đông - Techday” làm nền tảng để tiếp nhận và phát triển tri thức, nơi các ý tưởng sáng tạo được thả sức phát huy, mang lại giá trị cho khách hàng, truyền cảm hứng và tạo nên một Rạng Đông mới - công nghệ cao và hiện đại.
Năm 2020, Công ty đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm là bệ phóng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Rạng Đông. Đồng thời, thành lập trung tâm nội dung số, trung tâm sáng tạo mở, 8 nhóm Design thinking tham gia vào Hệ sinh thái sáng tạo mở. Nhờ đó, Rạng Đông đã chuyển từ doanh nghiệp gia công lắp ráp sang doanh nghiệp tự động hóa cao, làm chủ thiết kế, doanh nghiệp phát triển bằng KHCN.
Và để hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam, đầu năm 2020, Rạng Đông đã quyết định thực hiện CĐS trong sản xuất để tạo ra nhà máy sản xuất thông minh. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu, Công ty đã tiến hành CĐS trên cả 3 phương diện: công nghệ, quy trình, tổ chức và con người. Xây dựng hệ thống Big Data, mở ra chân trời sáng tạo không giới hạn với sự hỗ trợ của các công cụ số như IoT, trí tuệ nhân tạo... cho phép Công ty thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, ý tưởng sản phẩm mới.
PV: Lựa chọn KHCN/ĐMST và CĐS cho sự phát triển bền vững của mình trên nền tảng một doanh nghiệp đã hoạt động từ thời kỳ bao cấp. Vậy Công ty phải đối diện với những khó khăn thách thức như thế nào để đạt được thành công?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, khi đối diện với một sự thay đổi đều gặp phải những khó khăn thách thức nhất định. Nhất là với Rạng Đông, cơ sở vật chất đã được xây dựng từ 60 năm trước. Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực đầu tư, áp dụng KHCN vào sản xuất, nhưng không tránh khỏi các thiết bị còn chưa đồng bộ, dẫn đến việc tiến hành cùng lúc sẽ gặp khó khăn.
Đầu tiên là về mặt nhận thức, doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu tăng trưởng theo mô hình giá trị, mà muốn phát triển phải dựa vào KHCN/ĐMST và CĐS để làm động lực chủ yếu. Để làm được việc này, đầu tiên là vấn đề nhận thức cần phải thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, thay đổi cơ chế vận hành, tức là phải thay đổi thói quen làm việc của một tổ chức.
Thay đổi thói quen của một cá nhân đã khó, thì thay đổi cả một tổ chức còn khó hơn rất nhiều. Đầu tiên là quyết tâm của người lãnh đạo, rồi lan tỏa quyết tâm đó xuống tầng lớp cán bộ bậc trung và tất cả người lao động. Xây dựng các chiến lược, chương trình hành động và đặc biệt phải tổ chức các chương trình ĐMST trong ngắn hạn có thể tạo ra kết quả ngay để củng cố niềm tin cho tập thể về con đường phát triển dựa trên KHCN/ĐMST và CĐS.
Tiếp đến là thách thức trong việc thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phù hợp trong quá trình CĐS vì không có hình mẫu chung về CĐS cho tất cả doanh nghiệp. Vì thế, Rạng Đông phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm CĐS của các nước tiên tiến vào điều kiện thực tiễn của Công ty, phù hợp với các nguồn lực, năng lực, trình độ tiếp thu nguồn nhân lực, nguồn lực về tài chính, thiết bị….
Thực hiện con đường CĐS cần phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, nhưng phải có những lộ trình và bước đi cụ thể, làm từng chương trình cụ thể, và cho kết quả thấy ngay trong từng khoảng thời gian ngắn.
Tiếp nữa là thách thức về máy móc thiết bị. Đối với doanh nghiệp 60 năm tuổi như Rạng Đông, máy móc thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau, ở những thời điểm sản xuất khác nhau cho nên có trình độ tự động hóa, kết nối thiết bị là khác nhau. Chúng tôi không thể phá bỏ toàn bộ các hệ thống cũ để đầu tư mới hoàn toàn, mà cần phải tìm ra một giải pháp, kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ. Giải quyết bài toán làm thế nào để hệ thống máy móc có thể “nói chuyện” được với nhau, kết nối được thành 1 hệ thống thông suốt.
Và cuối cùng là thách thức về mặt tài chính. Để xây dựng một nền sản xuất thông minh không thể thiếu hệ thống thu thập dữ liệu SCADA, hệ điều hành thông minh MIS, hệ thống khai thác hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Những giải pháp này, cả phần cứng và phần mềm nếu mua của nước ngoài, đòi hỏi chi phí rất cao và có thể lãng phí.
Điều đó đặt ra vấn đề tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp. Để đi theo con đường phát triển bằng KHCN/ĐMST và CĐS chắc chắn cần chuẩn bị tiềm lực tài chính thật tốt.
PV: Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi và đầu tư cho KHCN/ĐMST, ông đánh giá sự phát triển của Rạng Đông có xứng đáng với sự đầu tư của Công ty không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Như các chia sẻ ở trên, con đường phát triển bằng KHCN/ĐMST và CĐS chính là chìa khóa, là động lực chủ yếu để Rạng Đông phát triển, tăng trưởng bứt phá bằng mô hình giá trị theo cấp số nhân.
60 năm hình thành và phát triển, gần 2 năm thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số còn rất mới mẻ, chưa có mô hình mẫu tại Việt Nam, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất xuất sắc, được các tổ chức đánh giá cao. Đó là 32 năm liền doanh thu tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Công ty vẫn có sự tăng trưởng ổn định, thậm chí còn ở mức cao.
Năm 2020, doanh thu tăng trưởng 15,6% so với 2019; Lợi nhuận tăng 17,8%; Nộp ngân sách tăng 8,3%. Cũng trong năm 2020, Công ty có 23 nhóm sản phẩm mới, đóng góp 810 tỷ vào doanh thu sản phẩm LED, chiếm 22% doanh thu sản phẩm LED nội địa. 9 tháng đầu năm 2021, đợt dịch lần 4 đã làm gián đoạn nền kinh tế, song doanh thu Công ty vẫn tăng trưởng 12,8%, lợi nhuận tăng 11,5%, xuất khẩu tăng 47% so cùng kỳ.
Công ty được tổ chức Vietnam Report xếp hạng 50 Công ty Lợi nhuận xuất sắc trong 500 Công ty lợi nhuận tốt nhất Việt nam năm 2020 – 2021.
Giải pháp chiếu sáng HCL trong tòa nhà/căn hộ thông minh, Giải pháp chiếu sáng đường phố thông minh của Rạng Đông đã được đánh giá xuất sắc, xếp hạng 5 sao và nhận giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam.
Sản phẩm hệ sinh thái 4.0 được bình chọn TOP 1 sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.
Hiện sản phẩm Hệ sinh thái 4.0 của Rạng Đông được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực chiếu sáng khác nhau: chiếu sáng dân cư, văn phòng công sở, trung tâm thương mại, chiếu sáng đường phố, học đường, bệnh viện, công xưởng, các khu công nghiệp, chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao, chiếu sáng phục vụ đánh bắt thủy hải sản và phục vụ vật nuôi, cây trồng…
Giải pháp Chiếu sáng thông minh và Nông nghiệp chính xác trong Nông nghiệp công nghệ cao của Rạng Đông được bình chọn Giải pháp Xuất sắc và đạt giải thưởng Sao Khuê 2021.
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi hoàn toàn tự tin là mình có thể “may đo” được sản phẩm theo từng yêu cầu chuyên biệt, từng công trình, diện tích, từng nhu cầu sử dụng khác nhau; Có thể tạo ra những kịch bản, công năng chiếu sáng khác nhau, đem lại cho con người cuộc sống tiện nghi, hiện đại và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
PV: Con đường CĐS hướng đến CMCN4.0 còn dài. Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu của Công ty trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Đoàn Kết: Khi thực hiện phát triển doanh nghiệp theo con đường KHCN/ĐMST và CĐS, chúng tôi xác định sẽ phải giải quyết rất nhiều bài toán đặt ra cho doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn hiện hữu, Công ty đang phải giải quyết bài toán vừa bảo vệ sức khỏe cho người lao động, không để dịch bệnh lây lan, vừa phải thực hiện mục tiêu tăng trưởng rất cao trong quí 4. Thực hiện tái cấu trúc Mô hình kinh doanh thực hiện tăng trưởng bằng giá trị và tăng trưởng cấp số nhân. Làm mới mô hình kinh doanh truyền thống, đưa kinh doanh trực tuyến vào mô hình kinh doanh trực tiếp và phối hợp mô hình kinh doanh mới trên các nền tảng cộng hưởng thành mô hình lai. Đồng thời thực hiện chiến lược xuất khẩu chủ động để thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường. Đẩy mạnh xuất khẩu sang được thị trường các nước G7, G20.
Tới năm 2024, mục tiêu chúng tôi sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Hòa Lạc với nền sản xuất thông minh, được điều hành bằng các hệ thống SCADA, MIS, ERP.
Đến năm 2025 sẽ hoàn thành CĐS cho khâu sản xuất thực, với 80% dữ liệu được kết nối và xử lý tự động trong một hệ thống thống nhất và “trong suốt”.
Phấn đấu đến năm 2030, Rạng Đông sẽ gia nhập hội doanh nghiệp tỷ đô và đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực.
Chúng tôi tin rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Hội đồng quản trị, sự đoàn kết sáng tạo của hơn 2.000 CBCNV, người lao động, Rạng Đông sẽ hoàn thành được mọi mục tiêu đặt ra, xứng danh thương hiệu Rạng Đông Anh hùng và có Bác Hồ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc Rạng Đông tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công!