Trong khuôn khổ tại hội nghị các doanh nghiệp đều có chung ý kiến, hiện việc đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công lao động và những dịch vụ khác tại Hà Nội cao.
Điều này khiến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội mất đi khả năng cạnh tranh về giá so các tỉnh, thành lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của doanh nghiệp khi chọn TP Hà Nội làm địa điểm đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, mặc dù các ngân hàng không hạn chế việc cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, nhưng đưa ra điều kiện quá khắt khe nên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Chẳng hạn ngân hàng BIDV đưa ra gói vay tín dụng trị giá 200.000 tỷ đồng và 800 triệu USD, nhưng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cam kết chuyển doanh thu hoạt động kinh doanh về tài khoản mở tại BIDV tương ứng với tỷ trọng tài trợ vốn; bên cạnh đó còn cần sử dụng các sản phẩm dịch vụ của BIDV.
Chủ tịch HĐQT công ty PMTT Group nêu rõ, việc chuyển doanh thu của đơn vị ngay trong năm đầu tiên vay vốn là khó có thể thực hiện, vì doanh nghiệp đã có tài khoản giao dịch ở ngân hàng khác. Đồng tình với phản ánh của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân nêu rõ, một số chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành, nhưng chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển.
“Hiện các quy định chứng nhận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn phức tạp, nên ít đơn vị được công nhận dẫn đến việc chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nghị định 111/NĐ-CP CNHT về ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ ” - ông Nguyễn Vân nêu ví dụ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng đưa ra kiến nghị: Để khắc phục những bất cập này các doanh nghiệp có chung kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam qua đó giảm thiểu nhập khẩu linh kiện.
“Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cần khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận vốn vay ODA trong quá trình mở rộng đầu tư, mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc từ đó sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao”.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng gợi ý, để ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung phát triển trong thời gian tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần tăng cường kết nối sản xuất - cung ứng - hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh nội khối. Đặc biệt nên chú trọng vào ngành công nghiệp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ mới sử dụng năng lượng thân thiện môi trường.
Tại hội nghị, đại diện Báo Kinh tế & Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp cũng cam kết, với tư cách là cơ quan tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói lên tâm tư nguyện vọng về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển một cách bền vững.