Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa có đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang ở xã Hồng Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) với quy mô gần 27 ha.
Theo đề xuất VIMC, dự án Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang sẽ có công suất 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý III/2024, khởi công xây dựng trong quý IV/ 2024.
Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang có chức năng cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận; lưu kho, lưu bãi hàng hóa, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ; thông quan hải quan; bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải…
Dự án được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân hối hàng hóa tại khu vực. Đồng thời xây dựng đầu mối vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 5) diễn ra sáng 17/10, UBND tỉnh Hải Dương xem xét, đầu tư Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa trị giá gần 1.400 tỷ đồng. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Giang và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát sự cần thiết thực hiện dự án, bảo đảm mục tiêu của dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng xã Hồng Phúc và quy hoạch vùng huyện Ninh Giang.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) được thành lập năm 1995. Ngành, nghề kinh doanh chính của gồm kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy, đường bộ, đa phương thức; khai thác cảng biển, cảng sông; kinh doanh kho, bãi, dịch vụ Logistics; đại lý môi giới cung ứng dịch vụ hàng hải; cung ứng tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển, tàu sông, đưa đón thuyền viên và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đường thủy.
Về kết quả kinh doanh, quý II/2023, VIMC báo doanh thu thuần đạt 3.363 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 717 tỷ đồng, giảm 42% so với quý II/2022.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu hoạt động khai thác cảng là nguồn thu chủ lực, chiếm 65% tổng doanh thu, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm. Doanh thu hoạt động vận tải biển chiếm 27% tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động dịch vụ hàng hải chiếm 12% tổng doanh thu.
Đến năm 2030, VIMC sẽ giữ vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu.