Đề xuất hướng dẫn quy trình kiểm kê khí nhà kính

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.
khí nhà kính
Thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc duy trì tính độc lập với các bên liên quan

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về quy trình, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.

Nguyên tắc kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Theo dự thảo, kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đảm bảo các nguyên tắc cụ thể sau:

a- Phù hợp: thực hiện đúng nguồn phát thải khí nhà kính của lĩnh vực, cơ sở để báo cáo theo quy định hiện hành, phù hợp với năng lực thực tế. Cần có giải trình khi có sự sai khác về đối tượng, phạm vi so với quy định.

b- Đầy đủ: thực hiện đủ các nguồn phát thải khí nhà kính trong ranh giới đã xác định, các số liệu thu thập liên tục, không gián đoạn. Cần có giải trình khi có bổ sung, loại trừ so với quy định;

c- Nhất quán: thực hiện đồng nhất về biên số liệu, chuỗi số liệu và phương pháp áp dụng. Tại thời điểm có sự thay đổi (nhằm tăng tính đầy đủ, độ tin cậy, minh bạch, chính xác) cần có báo cáo so sánh, đối chứng;

d- Minh bạch: có giải thích, trích dẫn nguồn tham chiếu đối với dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán. Cần lưu giữ tài liệu trích dẫn;

đ- Chính xác: thực hiện thận trọng, đảm bảo các sai lệch và độ không chắc chắn là thấp nhất, không có sai sót chủ ý, sai số có hệ thống. Cần đánh giá độ không chắc chắn của kết quả báo cáo;

e- Độc lập, công bằng: đảm bảo tính độc lập, trung thực, khách quan và không có sự thiên lệch của các bên liên quan. Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm và cam kết của các bên liên quan trong việc thu thập số liệu, tính toán, báo cáo và thẩm định kết quả thực hiện.

Thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá; đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.

Quy trình kiểm kê khí nhà kính

Quy trình thực hiện theo trình tự 10 bước sau:

1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính;

2. Xác định phương pháp thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính;

3. Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính;

4. Lựa chọn hệ số trong tính toán phát thải khí nhà kính;

5. Tính toán kết quả kiểm kê khí nhà kính;

6. Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính;

7. Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính;

8. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính;

9. Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính;

10. Thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Điều 1.Quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Quy trình thực hiện theo trình tự 4 bước sau:

1. Xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK;

2. Đo đạc kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK (M);

3. Báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK (R);

4. Thẩm định báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK (V).

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng:

a) Các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK thuộc ngành Xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cung cấp thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK cấp ngành;

c) Khuyến khích các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và công trình xây dựng (CTXD) không thuộc mục a khoản 1 điều này cung cấp thông tin phục vụ kiểm kê KNK cấp ngành và áp dụng quy định tại Thông tư này.

2.  Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải KNK ngành Xây dựng.

Xuân An