Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, Thông tư số 58/2016/TT-BTC đã ban hành được trên 6 năm. Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nội dung quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC được ban hành mới (ví dụ như: Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu ...).
Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn triển khai, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC.
Nội dung mua sắm
Theo dự thảo, nội dung mua sắm gồm: Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên.
Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm: Nguồn thu từ phí khấu trừ hoặc để lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; nguồn vốn khác của nhà nước theo quy định.
Dự thảo bổ sung quy định về "Trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu" như sau: Đối với gói thầu mua vật tư y tế do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.
Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về trách nhiệm thẩm định kế hoạch nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ thì thực hiện theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.
Về giá gói thầu, dự thảo quy định:
Trên cơ sở dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm), người có thẩm quyền quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây để quyết định giá gói thầu sát giá thị trường:
Giá thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được tham khảo từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn; trong trường hợp không đủ 03 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.
Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá.
Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày (thay cho mức 30 ngày hiện hành).
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.