Đề xuất phạt tới 300 triệu đồng với vi phạm hành chính trong đầu tư kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
đầu tư kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trong đó, dự thảo quy định rõ về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Vi phạm về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Phạt tiền từ 80 -100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện theo quy định. Kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định; Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện theo quy định.

Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc chấm dứt hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế đối với hành vi vi phạm quy định; Buộc tạm dừng việc chuyển nhượng dự án đối với hành vi vi phạm quy định; Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định.

Vi phạm về ưu đãi đầu tư bị phạt từ 50-70 triệu đồng

Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi:  kê khai không chính xác, không trung thực các thông tin cần thiết để được hưởng ưu đãi đầu tư.

Trường hợp vi phạm để hưởng ưu đãi đầu tư về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách thì bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuê và pháp luật có liên quan.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do được hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định.

Vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thực hiện thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không đúng thời gian quy định; Tăng vốn đầu tư của dự án mà không nộp bổ sung số tiền ký quỹ hoặc bổ sung bảo lãnh ký quỹ của tổ chức tín dụng theo quy định.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thực hiện ký quỹ hoặc không có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; Kê khai, lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được giảm chi phí bảo đảm thực hiện dự án.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Ngừng hoạt động của dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng (trừ trường hợp pháp luật quy định khác); Không thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trong thời hạn tối thiểu 6 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thực hiện theo đúng nội dung tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Thực hiện dự án trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; Không ngừng hoạt động sau khi cấp có thẩm quyền quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp bổ sung mức bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

Buộc nộp tiền ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do việc kê khai lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

Buộc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

Buộc ngừng hoạt động của dự án đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.

Dự thảo Nghị định được xây dựng với quan điểm kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP; sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Quy định chi tiết, đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác; với các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đảm bảo tính khả thi.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu; Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.

Xuân An