Đề xuất sửa đổi Danh mục phí và lệ phí

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang dự thảo Luật phí và lệ phí. Trong đó, Bộ này đề xuất bổ sung một số loại phí và lệ phí vào Danh mục phí và lệ phí kèm theo Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Phí thẩm định Đề án cải tạo, phục hồi môi trường; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào Danh mục phí, lệ phí

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí, Danh mục phí gồm 73 loại phí, được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành có những đặc điểm về kinh tế kỹ thuật tương tự như nhau. Danh mục lệ phí gồm 43 loại lệ phí, được xếp thành 5 nhóm, phù hợp với nhóm các công việc quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, danh mục phí, lệ phí hiện hành không còn phù hợp. Cụ thể, một số loại phí, lệ phí phát sinh trong thực tiễn và đang được quy định trong một số luật, pháp lệnh chuyên ngành, cần bổ sung vào Danh mục. Một số loại phí, lệ phí đã được chuyển sang cơ chế giá theo quy định của các Luật chuyên ngành, cần đưa ra khỏi Danh mục. Bên cạnh đó, có một số loại phí, lệ phí được quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau nhưng không thống nhất về tên gọi, cần chỉnh sửa để thống nhất về tên gọi.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung vào Danh mục một số loại phí, lệ phí. Cụ thể là một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các luật, pháp lệnh chuyên ngành. Bộ Tài chính cho biết, từ sau khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản, trong đó có quy định thêm một số khoản phí, lệ phí mà tại thời điểm ban hành Pháp lệnh chưa thể lường hết, ví dụ: phí nhượng quyền khai thác tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; phí công chứng tại Luật Công chứng, lệ phí kháng cáo tại Pháp lệnh Trọng tài thương mại... Để bảo đảm tính thống nhất của chính sách và thuận lợi trong công tác tra cứu các loại phí, lệ phí, Bộ Tài chính đề xuất đưa các loại phí, lệ phí có tên trong các văn bản pháp luật chuyên ngành vào chung trong Danh mục kèm theo dự thảo Luật Phí và lệ phí: Bao gồm 9 loại phí và 4 loại lệ phí.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất bổ sung một số loại phí, lệ phí do các Bộ, địa phương kiến nghị như: Phí thẩm định Đề án cải tạo, phục hồi môi trường; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Về thuế môn bài, Bộ Tài chính cho biết, thuế môn bài đang thực hiện theo Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002 của Chính phủ. Về bản chất, thuế môn bài là một khoản thu nhằm kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh trong năm, do đó mang tính chất của một loại lệ phí. Theo quy định, thuế môn bài kê khai theo năm. Mức thu môn bài đang thu gồm nhiều bậc thuế khác nhau phụ thuộc vào vốn đăng ký kinh doanh (áp dụng với tổ chức) hoặc căn cứ vào thu nhập của 1 tháng (hộ kinh doanh cá thể), dẫn đến khó khăn trong việc xác định mức nộp, do đó chưa phát huy chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh. Vì vậy, để phản ánh đúng bản chất của một khoản thu nhằm phục vụ công tác kiểm kê kiểm soát số lượng cơ sở kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất chuyển thuế môn bài sang lệ phí, đặt tên là Lệ phí môn bài và đưa vào Danh mục lệ phí.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa ra khỏi Danh mục một số loại phí. Đồng thời, đề xuất thống nhất về tên gọi một số loại phí, lệ phí được quy định tại các văn bản khác và phù hợp với thực tế quản lý.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

function PrintPopup() { window.open('/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=215973', '', 'width = 890,height = 480,location= yes, resizable=yes,scrollbars=yes, toolbar=no,location=no,menubar=no'); } function EmailPopup(url) { window.open('/Utilities/Email4Friend.aspx?news_url=' + url, '', 'status=no,toolbar=no,scrollbars=yes,titlebar=no,menubar=no,resizable=yes,width=640,height=480,directories=no,location=no'); return false; } function socialShare(type, title, link) { title = typeof title !== 'undefined' ? title : document.title; link = typeof link !== 'undefined' ? link : window.location.href; var eTitle = encodeURIComponent(title); var eLink = encodeURIComponent(link); switch (type) { case 'fb': window.open('http://www.facebook.com/sharer.php?u=' + eLink + '&t=' + eTitle); break; case 'tw': window.open('http://twitter.com/home?status=' + eTitle + ' ' + eLink); break; case 'zm': window.open('http://link.apps.zing.vn/share?u=' + eLink + '&t=' + eTitle); break; case 'lh': window.open('http://linkhay.com/submit?url=' + eLink + '&title=' + eTitle); break; } return false; } function sns_click(type) { var sns_sharekey; if (type == "facebook") { sns_sharekey = 'http://www.facebook.com/sharer.php?u='; } else if (type == "zingme") { sns_sharekey = 'http://link.apps.zing.vn/share?url='; } else if (type == "googleplus") { sns_sharekey = 'https://plus.google.com/share?url='; } u = location.href; t = document.title; window.open(sns_sharekey + encodeURIComponent(u) + '&t=' + encodeURIComponent(t), 'sharer', 'toolbar=0,status=0,width=626,height=436'); return false; }