Lãi năm 2024 cao kỷ lục, tăng cường xuất khẩu trong năm nay
Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) có công văn nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã cổ phiếu HTG - sàn HoSE) vừa bổ sung và công bố các nghị quyết của Hội đồng Quản trị về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.
Cụ thể, trong năm 2024, Dệt may Hòa Thọ ghi nhận 5.130 tỷ đồng doanh thu và 353 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 9% và 66% so với năm 2023. Qua đó, tổng công ty hoàn thành và vượt 14% mục tiêu doanh thu và 60% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Dệt may Hòa Thọ.

Riêng quý 4/2024, tổng công ty thu về hơn 92 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Ban lãnh đạo Dệt may Hòa Thọ cho biết, mức tăng trưởng cao trong quý 4/2024 đến từ sự hồi phục của ngành dệt may, đơn hàng ổn định hơn, giá bán sợi cải thiện và các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả. Tổng công ty cũng tăng cường đầu tư tài chính ngắn hạn để tối ưu dòng tiền và lợi nhuận.
Năm nay, Dệt may Hòa Thọ đặt mục tiêu doanh thu ở mức 5.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 350 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức nền cao của năm 2024. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu được đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, lên mức 255 triệu USD. Các thị trường lớn của tổng công ty hiện nay là Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản.
Tổng công ty cũng đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2025 với tỷ lệ từ 25 - 50%.
Dệt may Hòa Thọ hiện là công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) với tỷ lệ sở hữu gần 62% vốn điều lệ. Tổng công ty được đánh giá là đơn vị có mức sinh lời tốt nhất hiện nay của Vinatex với chính sách cổ tức đều đặn từ 20 - 40% mỗi năm.
Mở rộng nguồn cung nguyên liệu, gia tăng giá trị chuỗi OEM
Chia sẻ một số giải pháp chiến lược cho kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Dệt may Hòa Thọ cho biết sẽ mở rộng nguồn cung nguyên liệu từ các nước khác, liên kết với các đơn vị dệt nhuộm trong nước để hạn chế rủi ro từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Đồng thời, gia tăng giá trị chuỗi OEM nội tại, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng xu hướng “xanh hoá” của các thương hiệu thời trang.
Đầu năm nay, Dệt may Hòa Thọ đã thông qua việc thế chấp loạt tài sản để vay tối đa 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Đà Nẵng nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó, đầu tư cải tạo tổng thể và bổ sung thiết bị cho Nhà máy sợi 2 - Giai đoạn 1 với giá trị cấp tín dụng tối đa gần 79,7 tỷ đồng.

Mặc dù Dệt may Hòa Thọ không công bố triển vọng đơn hàng năm nay, theo chia sẻ mới đây của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, nhiều đơn vị trực thuộc tập đoàn đã có đơn hàng hết quý 1/2025, thậm chí đến quý 2/2025, và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm.
"Dự kiến, đơn giá của các đơn hàng dệt may đang cải thiện dần, có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Ngành dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD, xuất khẩu dệt may Bangladesh có thể phục hồi từ tháng 7/2025. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 có thể đạt khoảng gần 46 tỷ USD, tăng 6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm 2024", ông Lê Tiến Trường nhận định.
Nhiều tổ chức cùng chung nhận định xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp đà của năm 2024 cũng như đón nhận các tín hiệu tích cực khi một số thị trường chính như Mỹ, EU… phục hồi kinh tế khả quan, lượng hàng tồn kho tiếp tục ở mức thấp…
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2025, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 3,19 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2024.