Tháng 1 xuất khẩu DMVN tăng 10% do đâu?
Lý giải về việc xuất khẩu của DMVN trong tháng 1/2021 tăng 10% so với năm 2020, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DMVN (Vinatex) cho rằng có một yếu tố ngẫu nhiên là kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2, trong khi đó Tết năm trước lại rơi vào tháng 1, nên mới có sự tăng trưởng khá cao như vậy.
Trong tháng 2/2021, tăng trưởng không được cao như tháng 1, do đó trung bình mức tăng trưởng trong hai tháng đầu năm 2021 so với hai tháng đầu năm 2020 đạt 7%. Điều đáng chú ý trong tăng trưởng này, đó là lượng xuất khẩu vào Mỹ tăng tới 8%, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 41% trong tổng lượng xuất khẩu của DMVN (trước kia, xuất khẩu của DMVN vào Mỹ thường chiếm tỷ lệ từ 48-50%). Và đây là lần đầu tiên, Trung Quốc vươn lên thành thị trường lớn thứ 2, ngang với EU trong tỷ trọng xuất khẩu của DMVN, cả hai thị trường này đều cùng chiếm 10%. Như vậy, trong hai tháng qua, lượng xuất khẩu của DMVN sang Trung Quốc đã tăng trưởng tới 50% (sợi tăng 81%, may tăng 15%). Cũng là lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng hàng may mặc của Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng cao nhất trong các thị trường chính của Việt Nam
Theo Vinatex, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 bằng với năm 2019 vẫn có khả năng cao. Với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu thì trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu-đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10%, và DMVN có thể quay trở lại mức KNXK của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường. Chúng ta cũng hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và người tiêu dùng ở các quốc gia sau hơn 1 năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ rất lớn của Mỹ cho các DN và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD.
Năm 2021 các DN đối mặt với thách thức nào?
Đại dịch xảy ra đã làm đảo lộn xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được.
Dự báo từ các chuyên gia trong Ngành cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản.
Cũng theo dự báo của Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, trong năm 2021, các doanh nghiệp DMVN phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh mảng Dệt và May. Kể từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm Dệt, May rất căng thẳng.
Hiện nay những đơn vị làm Dệt đang gặp khó, do giá vải chưa tăng, trong khi giá sợi đã tăng 25%. Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường thì DN ngành Dệt còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn.
Ngoài ra, từng DN cũng có những thách thức từ rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Cho dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020 khi thế giới đóng cửa hoàn toàn, nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Bởi ngoài việc không sản xuất, không có thu nhập, DN sẽ vẫn phải trả một phần lương cơ bản cho NLĐ và có nguy cơ chịu phạt các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài, trong khi không được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như khi toàn xã hội bị đóng cửa (ví dụ chính sách giãn nợ, giảm thuế, phí, vv…)
Giải pháp tìm khách hàng mới và cạnh tranh về giá
Hiện nay Vinatex có điểm mạnh là Tập đoàn gồm nhiều DN lớn, có uy tín với thị trường lâu năm, do đó khi thị trường phục hồi thì các DN trong Vinatex có thuận lợi trong việc tiếp cận trở lại các đơn hàng. Tuy nhiên một số khách hàng truyền thống của Vinatex gặp khó khăn, không vượt qua được trong năm 2020, nhất là thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa. Họ chính là những khách hàng của các DN lớn trong Tập đoàn.
Chính vì thế, Lãnh đạo Vinatex thống nhất đưa ra giải pháp chấp nhận vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo lãnh đạo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Chủ tịch Vũ Đức Giang lại cho rằng, việc cạnh tranh khốc liệt về giá vô hình chung đang làm lợi cho các nhà mua và bất lợi lại thuộc về chính các DNDM Việt Nam. Chính vì thế ông khuyến cáo các DNDM Việt Nam cần phải liên kết để ổn định giá cả cho các mặt hàng DMVN, tránh tình trạng các bên mua ép giá để hưởng lợi.
Để bảo vệ quyền lợi cho các DN hội viên trong Vitas nói riêng và các DN DMVN nói chung, đại diện cho tiếng nói ngành hàng xuất khẩu trên 40 tỷ USD, ông Vũ Đức Giang cho biết, trước đó Vitas đã kịp thời phát đi thông báo về việc tham gia cùng với 8 hiệp hội khác tại 5 quốc gia thuộc Mạng lưới Dệt may bền vững của khu vực Châu Á (gọi tắt là mạng lưới STAR) để yêu cầu thực hành mua có trách nhiệm hơn trong ngành Dệt May.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Vitas cũng nhấn mạnh, động thái trên của Vitas, góp phần nào hỗ trợ ngành Dệt May Việt Nam phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động và nhà cung cấp trong ngành Dệt May, đặc biệt trong đại dịch Co-vid 19.