Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với mức doanh thu 815 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Điều này khiến lợi nhuận gộp giảm 15%, còn 129 tỷ đồng và biên lãi gộp chỉ còn 16%.
Các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dệt may này không biến động đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, Dệt may Thành Công ghi nhận lãi ròng 22 tỷ đồng, giảm 64% so với quý 4/2022.
Như vậy, luỹ kế cả năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu gần 3.300 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 132 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 53% so với năm 2022.
So với kế hoạch kinh doanh cả năm 2023, Dệt may Thành Công mới chỉ hoàn thành được 85% chỉ tiêu doanh thu cùng 55% kế hoạch lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong vòng 7 năm trở lại đây.
Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công chia sẻ, kết quả kinh doanh chưa đạt kế hoạch và sụt giảm so với năm 2022 là do nhu cầu hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm phát kéo dài tại các thị trường xuất khẩu, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là thị trường Mỹ và EU. Trong khi đó, dệt may thời trang không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, chi phí đầu vào nguyên vật liệu, logisitcs cũng tăng cao đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.
Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cũng cho biết, trong năm vừa qua, công ty đã nỗ lực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng tại thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản vầ Trung Quốc. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi để giảm thiểu rủi ro, phần nào đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công hiện đã nhận khoảng 98% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1/2023.
“Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại của công ty, hy vọng năm 2024, tình hình đơn hàng xuất khẩu của công ty sẽ tốt hơn năm 2023 vừa qua”, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, triển vọng đơn hàng trong năm nay của ngành dệt may Việt Nam sẽ ở mức tích cực hơn nhưng các thách thức vẫn còn, đặc biệt tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý 1/2024.
Quỹ đầu tư VinaCapital hiện lưu ý, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của ngành dệt may Việt Nam.
Quỹ đầu tư VinaCapital cũng dẫn các nguồn tin thị trường cho biết, các đối tác quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.