Đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu tiêu thụ cả năm
Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10/2023 với doanh thu tiêu thụ đạt 570 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế 10 tháng qua, Dệt may TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ 6.007 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm, doanh nghiệp dệt may này hiện đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu cả năm. Đây được xem là kết quả vượt trội so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh thiếu đơn hàng dệt may khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm suy giảm mạnh và lượng hàng tồn kho cao.
Dữ liệu của Dệt may TNG cho thấy kênh xuất khẩu chiếm đến 98% tổng doanh thu; trong đó, các thị trường chủ chốt là: Mỹ (chiếm 47% tổng doanh thu), Pháp (15%), Tây Ban Nha (7%), Nga (6%), và Canada (6%). Các khách hàng lớn nhất của Dệt may TNG hiện nay là Decathlon, Nike, ANF, Adidas, Tomtailor…
Theo chia sẻ của đại diện Dệt may TNG, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành dệt may, doanh nghiệp đã phải chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và đảm bảo việc làm cho công nhân.
Lãi ròng quý 3/2023 giảm 26%, đạt xếp hạng tín nhiệm vnA
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Dệt may TNG, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.104 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán có tốc độ tăng mạnh hơn, khiến lợi nhuận gộp giảm 3%, còn 290 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ về mức 14,7%.
Đối với các khoản chi phí, chi phí tài chính đã tăng 38%, chi phí bán hàng tăng 53%; ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 7%.
Kết quả, Dệt may TNG báo lãi ròng hơn 69 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp dệt may này ghi nhận tổng lãi ròng gần 171 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái; qua đó, hoàn thành 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng giá trị tài sản của Dệt may TNG đạt 5.389 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho đã giảm mạnh hơn 34%, còn 839 tỷ đồng, tương đương 15,5% tổng tài sản. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu là phải thu của khách hàng) tăng 74%, đạt 913 tỷ đồng, tương đương 17% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn & dài hạn của Dệt may TNG đạt 2.676 tỷ đồng, gần như không đổi so với thời điểm đầu năm nay, tương đương 49% tổng nguồn vốn.
Trong một diễn biến liên quan, hãng xếp hạng tín nhiệm Saigon Rating vừa công bố xếp hạng tín nhiệm của Dệt may TNG ở bậc vnA với triển vọng ổn định. Saigon Rating cho biết, kết quả xếp hạng này phản ánh hoạt động kinh doanh của Dệt may TNG thuộc nhóm dẫn đầu ngành dệt may Việt Nam với danh mục khách hàng tương đối tốt và cơ cấu chi phí linh hoạt, giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro liên quan đến đa dạng hóa về sản phẩm, khách hàng và thị trường xuất khẩu.
Kết quả Xếp hạng này cũng phản ánh đòn bẩy tài chính của Dệt may TNG hiện đang ở mức trung bình và dự phóng sẽ được cải thiện trong 2 năm tiếp theo. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền thu về từ việc bán Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm được kỳ vọng hỗ trợ giảm thiểu nợ vay ngắn hạn và cải thiện khả năng thanh khoản của Dệt may TNG trong thời gian tới. Khả năng thanh khoản của doanh nghiệp này cũng có sự ổn định, theo Saigon Rating.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 1/11, thị giá cổ phiếu TNG đạt 17.700 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm nay.