Khi khảo sát xây thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của thuỷ điện Việt Nam, các kỹ sư Liên Xô đã tính toán khả năng cung cấp điện cho miền Bắc và công năng tưới tiêu, giảm lũ, cắt lũ cho khu vực hạ du của đồng bằng Bắc Bộ.
Sau Thác Bà, chúng ta tiếp tục có Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… thực chất là những hồ chứa thủy điện lớn, với 3 chức năng chủ yếu gồm phát điện, trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và điều hòa lũ cho vùng hạ du.
Trên thực tế các hồ thủy điện đã chặn đứng những cơn lũ ở miền Bắc, mà trước năm 1980 cứ 5-6 năm lại có 1 trận ngập lụt; điển hình là những năm 1969, 1971, 1978.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (KTAT&MTCN) - Bộ Công Thương, hiện cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, chiếm 40% công suất và 37% điện năng của hệ thống điện. Các hồ chứa thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.
Số liệu của WB cho thấy, có đến 520 tỷ m3 nước từ các sông, suối từ bên ngoài lãnh thổ chuyển vào nước ta, nếu không có các hồ thủy điện, hàng trăm tỷ m3 nước sẽ trôi ra biển một cách hết sức lãng phí.
Xét về mặt hiệu quả vận hành, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện. Nhờ công suất “phủ đỉnh” của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn, như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện mặt trời, điện gió.
Đối với nước ta điều này đặc biệt quan trọng! Bởi lẽ mức độ tiêu dùng điện của nền kinh tế không đồng đều giữa các mùa trong năm, giữa các giờ trong ngày, hệ số không đồng đều của phụ tải có khi lên tới 2÷2,5 lần, việc san bằng phụ tải rất khó thực hiện, nếu không tận dụng các nguồn thủy điện.
Mặc dù vậy, sau trận mưa bão lịch sử ở miền Trung, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu thủy điện có gây thêm lũ lụt, sạt lở đất?
Tại buổi tọa đàm "Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt" do Hội Truyền thông số tổ chức sáng 30/10, Chuyên gia Nguyễn Tài Sơn khẳng định, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, nước đổ về thủy điện Quảng Trị là 1.400 m3/s, hồ Quảng Trị cắt được 296 m3 (21%). Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052 m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552 m3/s, đạt 45%.
Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam đã cắt được 50% lũ. Đợt mưa từ ngày 6 đến 20/10 ở miền Trung nhiều nơi ghi nhận hơn 2.000 mm là nguyên nhân chính dẫn tới lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng.
PGS, TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khi mưa lớn thì thủy điện phải xả lũ nhưng lượng xả tối đa sẽ chỉ bằng lượng nước đổ về nên việc lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng là do lượng mưa quá lớn chứ không phải do thủy điện xả lũ.
Tại buổi làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn chiều tối ngày 1/11 tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện”.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Điển hình như Thuỷ điện Đăk Mi 4, nếu không làm tốt công tác điều tiết nước thì như ý kiến của Quảng Nam là lũ sẽ đến sớm hơn trước ngày 28/10 và lưu lượng nước về 17.000m3/s chứ không chỉ là 11.000m3/s như báo cáo và Đăk Mi 4 đã cắt lưu lượng nước đỉnh lũ đến 55%.
Vậy tại sao có hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất thời gian qua ở miền Trung? Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải thích:
Thứ nhất, bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở.
Thứ hai, những vùng này đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định.
Thứ ba, những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15-16 m.
Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét. Về thảm thực vật, hầu hết ở khu vực này, các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70-80%.
Như vậy, rừng công nghiệp mà vẫn giữ được độ phủ thực vật như vậy là rất tốt.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận, những khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại Trà Leng và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy trong 20 ngày, khu vực này phải đồng thời chống chọi 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới kèm theo lượng mưa kỷ lục 250-300 mm, có ngày mưa đến 500 mm.
Trong khi xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch hàng trăm dự án thủy điện giai đoạn 2012-2019, trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các tỉnh rà soát tiềm năng phát triển thủy điện trên địa bàn để tổng hợp, các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Đây là 2 quá trình song song, không mâu thuẫn nhau. Một mặt, để ứng phó với biến đổi cực đoan của thời tiết, Bộ Công Thương sẽ không xem xét đề xuất bổ sung các dự án thủy điện nhỏ. Mặt khác, vẫn cần đưa những dự án thủy điện đảm bảo được các tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội vào Quy hoạch Điện VIII.
Nói cụ thể hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước.
Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Do đó chắc chắn trong Quy hoạch Điện VIII, chúng ta cũng sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa".