Điểm danh các món ăn “cứu đói” ở cửa hàng tiện lợi

Chỉ cần đợi hâm nóng thức ăn, những thực khách bận rộn đã được thưởng thức ngay hương vị của phở, mì Ý, há cảo… mà không phải tốn nhiều thời gian chờ đợi.

Với nhiều món ăn, đồ uống mang màu sắc đa dạng từ Á sang Âu, cửa hàng tiện lợi đã trở thành địa điểm thu hút người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần đợi hâm nóng thức ăn, những thực khách bận rộn đã được thưởng thức ngay hương vị của phở, mì Ý, há cảo… mà không phải tốn nhiều thời gian chờ đợi.

Theo báo cáo của Asia Plus, tính đến tháng 5-2018, trên cả nước có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi. Có thể nói, người dân ở các thành phố lớn chỉ cần dạo bộ vài bước là đã có thể bắt gặp vài thương hiệu cửa hàng tiện lợi.

Các món ăn chế biến sẵn tại một cửa hàng Circle K, quận Tân Bình. Ảnh Minh Yến.

 

Một trong những lý do khiến nhiều người tìm đến cửa hàng tiện lợi là để tiết kiệm thời gian cho việc ăn uống. Đáp ứng nhu cầu đó, thực đơn các món ăn sẵn của các hệ thống tiện lợi ngày càng trở nên đa dạng. Điển hình là Circle K, sau hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, hệ thống cửa hàng này hiện cung cấp khoảng 70 món ăn và hơn 30 loại thức uống được chế biến sẵn. Trong đó, phổ biến nhất là bánh mì sandwich và cơm nắm rong biển với nhiều hương vị như thịt xông khói, cá hồi nướng, tỏi và trứng… Ngoài ra, cửa hàng còn có các món tráng miệng như chè, trái cây tươi.

Circle K cung cấp khoảng 70 món ăn và hơn 30 loại thức uống được chế biến sẵn.

 

Mức giá trung bình cho các món ở đây dao động trong khoảng từ 20.000 đến 30.000 đồng và thường khuyến mãi theo combo, gồm phần ăn kèm nước uống.

Tương tư, Ministop cũng có khoảng 100 món  ăn với “đặc sản” là lẩu Oden ăn kèm với bún hoặc mì, được nhân viên chế biến ngay tại quầy. Hệ thống này còn có thêm nhiều món ăn  khác như kem vị chanh muối, bánh bao nhân trân châu sô cô la…

Bên cạnh những món “ăn no” thì các món “ăn chơi” cũng được đưa vào các cửa hàng tiện lợi với mức giá bình dân, phù hợp với học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Tại Cheers, khách hàng có nhiều lựa chọn như há cảo, xúc xích, bánh trứng cuộn… với mức giá trên dưới 15.000 đồng.

Hai phần há cảo hấp và chiên của cửa hàng tiện lợi Cheers có giá 30.000 đồng. Ảnh: Minh Yến.

 

Cửa hàng tiện lợi cũng là nơi du nhập ẩm thực nước ngoài. Trong đó, GS 25 nổi bật với các món ăn mang đậm màu sắc Hàn Quốc như Topokki, Gimbap, cơm nắm JeonJu Bibimbap… còn 7-Eleven thì có mì Ý, pa tê sô, cà phê Ý…

Cơm trộn Hàn Quốc với giá 32.000 đồng tại của GS 25. Ảnh: Minh Yến.

 

Tuy vậy, giới trẻ hiện nay đặc biệt ưa chuộng hệ thống 7-Eleven qua những món ăn truyền thống Việt Nam như phở bò, miến măng gà, cơm cá rô kho tiêu, cháo, súp… và các món ăn đường phố như bắp xào, gỏi cuốn, bánh tráng trộn, sâm bổ lượng với mức giá từ 20.000 đến 40.000 đồng, tương tự với giá của các quán ăn vỉa hè.

Món gỏi cuốn tôm thịt có giá 27.000 đồng. Ảnh: Minh Yến.

 

Đặc biệt, các cửa hàng tiện lợi còn “giữ chân” khách hàng bởi cơ sở vật chất tốt như wifi, máy lạnh và có khu vực ăn uống rộng rãi, thoáng mát.

Cửa hàng GS 25 (đường Trương Định, quận 3) sắp xếp bàn ghế nhiều màu sắc bắt mắt. Ảnh: Minh Yến.

 

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng tiện lợi đều trang bị sẵn nước nóng, muỗng, đũa, khăn ăn… để khách hàng tự chế biến thức ăn và dùng bữa tại chỗ một cách thuận tiện nhất. Cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 nên khách hàng có thể ghé đến để ăn sáng, ăn trưa, ăn xế, thậm chí là ăn tối hoặc bất cứ khi nào cần nghỉ chân, nạp năng lượng hoặc những lúc hẹn hò ăn uống với bạn bè.