Đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển bền vững
Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, thu hút đầu tư được địa phương xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu này.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục; nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, cải cách hành chính chuyển biến rõ nét; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện.
Thống kê trong hơn 2 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 42 dự án về lĩnh vực thuỷ điện, thương mại – dịch vụ, nông – lâm nghiệp, khu dân cư đô thị… với tổng số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng. Điện Biên đã thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thoả thuận hợp tác và thực hiện các dự án đầu tư lớn, như: Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Công ty Đèo cả, ONew...
Có được kết quả này là nhờ tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP. Điện Biên Phủ… để thu hút đầu tư. Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh... Hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), thống nhất quan điểm xuyên suốt là thay đổi tư duy, tác phong làm việc từ “cấp phép” sang “phục vụ” doa
nh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, để việc thu hút đầu tư đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Điện Biên sẽ đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: "Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư. Tỉnh tiếp tục cải thiện chỉ số về đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và có trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các dự án của các nhà đầu tư, cũng như của các doanh nghiệp."
Thời gian tới, tỉnh sẽ cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định, xuống còn 1,5 ngày làm việc. TTHC về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm. Khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng để giảm thời gian, chi phí doanh nghiệp... Điện Biên tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đồng thời, thực hiện tốt việc đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Huy động mọi nguồn lực để phát triển năng lượng tái tạo
Theo đánh giá của Viện Năng lượng Việt Nam, Điện Biên có tiềm năng phát triển điện gió với tổng công suất từ 2500 – 3000 MW. Đến nay tổng công suất dự kiến mà các nhà đầu tư đề xuất khoảng 1400 MW. Tỉnh Điện Biên xác định phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió một trong 3 trụ cột chính để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 10%.
Thời gian qua, Điện Biên cũng đang huy động nguồn lực để tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo về hạ tầng về giao thông, kết nối giao thông nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn.
Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có tiềm năng khảo sát nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, điện tích năng, điện sinh khối, điện mặt trời, thủy điện... Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư và triển khai thực hiện hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật.
Với sự thuận lợi về cơ chế, chính sách, tỉnh Điện Biên đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, khảo sát tiềm năng điện gió và phát triển các dự án điện gió tại địa phương này. Điện Biên đã cho phép 4 nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 1480 MW.
Ngoài 2 danh mục đã có trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có công suất dự kiến 200 MW, tỉnh Điện Biên đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét bổ sung 6 danh mục các dự án điện gió trên địa bàn vào trong Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất dự kiến 1280 MW.
"Nếu như được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện VIII, các dự án điện gió sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên", Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định.