Trước đó, ngày 9/4/2024 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 952/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có di sản “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” ở huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đây là cơ sở pháp lý khoa học, không chỉ khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tôn vinh các di sản văn hóa, mà còn quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa, những năm qua huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông đã mở các lớp tập huấn bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó chú trọng mở các lớp truyền dạy về cách thức, kỹ năng, quy trình trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Lào. Cùng với đó là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào.
Các hội thi làm trang phục, thêu và dệt hoa văn thổ cẩm được tổ chức thường xuyên, góp phần giới thiệu vẻ đẹp, bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân tộc Lào đến đông đảo công chúng. Sản phẩm váy, áo, túi xách, khăn quàng… được trưng bày, giới thiệu và bán tại các hội chợ triển lãm và đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để nhiều người biết đến. Địa phương đã tổ chức hội thi làm trang phục, thêu và dệt hoa văn thổ cẩm, trình diễn trang phục của người Lào nhằm giới thiệu vẻ đẹp, giá trị trang phục truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng của người Lào.
Dân tộc Lào là một trong 20 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cư trú tập trung tại 23 bản, thuộc 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được trao truyền, lưu giữ trong Nhân dân. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Lào không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của bà con mà còn ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.
Hiện nay, người Lào ở Điện Biên đã phát triển nghề trang trí trên trang phục không chỉ góp phần phục vụ đời sống, mà còn bảo tồn, lưu giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm dệt thổ cẩm, trang trí trang phục đã trở thành hàng hóa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người phụ nữ Lào.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 nghệ nhân dân tộc Lào); 20 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó dân tộc Lào có 3 di sản, gồm: Nghệ thuật trang trí trên trang phục, Tết té nước, Nghệ thuật múa.