Điện Biên: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm

Phát triển mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ, đa dạng có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Thời gian qua, hạ tầng giao thông của Điện Biên đã có bước tiến lớn song vẫn tiếp tục là một đòi hỏi cấp thiết của địa phương này trong quá trình phát triển.

Giao thông trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội

Điện Biên là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Xác định vai trò huyết mạch của hệ thống giao thông, từ năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định 44/QÐ-UBND ngày 4/2/2012 phê duyệt Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở này, ngành Giao thông vận tải Điện Biên đã tham mưu để tỉnh tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư của Trung ương, bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyền đường huyết mạch, phát triển hệ thống giao thông nông thôn và xây dựng các cầu phục vụ dân sinh. Sau hơn năm thực hiện Quyết định 44/QĐ-UBND, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Điện Biên
Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, công trình đường Hoàng Văn Thái (đoạn từ nút giao với QL 279 - cầu A1) và hệ thống điện chiếu sáng đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu A1 - nút giao với đường Trần Đăng Ninh) phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Điện Biên đã được đầu tư, nâng cấp, nâng cao khả năng khai thác, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn, trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư quan tâm đến tỉnh.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023, đáp ứng khai thác dòng máy bay A320, A321. Đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng tạo sức bật mới cho tỉnh và vùng Tây Bắc, khơi thông con đường đón các nhà đầu tư, tập đoàn lớn và khách du lịch về với Điện Biên.

Điện Biên
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023, đáp ứng khai thác dòng máy bay A320, A321

Về giao thông kết nối, Ðiện Biên đã tiến hành đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL12 đoạn Mường Lay – Mường Chà, QL.279B đoạn Nà Tầu – Mường Phăng (hoàn thành từ năm 2022, 2023) đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển du lịch địa phương. Một số dự án được triển khai từ lâu nhưng gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng thì đến nay đã được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như dự án đường 60m (đường 7 tháng 5) tại Tp.Điện Biên Phủ, dự án bến xe khách thành Tp.Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Một số dự án nâng cấp quốc lộ kết nối với Lào (qua cửa khẩu Tây Trang trên QL.279), kết nối với Trung Quốc (qua cửa khẩu A Pa Chải trên QL.4H) đã được Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án, dự kiến sử dụng vốn vay WB, dự kiến triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.

Tháo gỡ các nút thắng để giao thông phát triển

Hiện nay, hành lang pháp lý, cơ sở để thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã cơ bản đảm bảo, công tác quy hoạch ngành cũng như quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định cụ thể danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Về phía địa phương, tỉnh cũng đã cơ bản đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện đầu tư như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, nguồn vật liệu san lấp, bãi thải…. Do đó, việc đầu tư các dự án trong thời gian tới sẽ cơ bản thuận lợi.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, lưu lượng xe chưa cao, do đó việc thu hút đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư gặp nhiều khó khăn do không đảm bảo được phương án tài chính.

Về lâu dài, Điện Biên rất mong nhận được sự quan tâm của Trung ương, nhất là sự vào cuộc của Bộ GTVT trong việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Sơn La – Điện Biên, hệ thống quốc lộ chính yếu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quan tâm bố trí vốn thực hiện các dự án đường địa phương, bao gồm cả vốn vay ODA. Địa phương cam kết sẽ có trách nhiệm thực hiện tốt công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ, tổ chức công tác GPMB cũng như các điều kiện cần thiết khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trước hết, tỉnh phải thực hiện tốt công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa phương, ngành, lĩnh vực. Trong đó xác định cụ thể vai trò, vị trí của từng tuyến đường (cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ…) góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời thống nhất danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng đất dành cho giao thông trong giai đoạn tới, trong đó nghiên cứu quy hoạch nguồn vật liệu san lấp (đất đắp, cát…), vị trí bãi đổ thải để việc đầu tư hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả, không để bị động trong quá trình thi công.

Ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm

Định hướng đối với việc phát triển hạ tầng giao thông ở Điện Biên là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Điện Biên, trong đó xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Trọng tâm là ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng, giữa các địa phương với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước. như đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ, ưu tiên các tuyến kết nối với cửa khẩu quốc gia đến Lào, Trung Quốc (qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu A Pa Chải), tuyến liên kết vùng; từng bước nghiên cứu đầu tư hệ thống cao tốc đoạn Sơn La – Điện Biên.

Điện Biên
Điện Biên ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, 

Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên cho biết: "Trong giai đoạn đến năm 2025, ngành phấn đấu hoàn thành cải tạo trục chính QL12, QL279 đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi; xử lý điểm đen trên QL4H và QL4H2, mở rộng mặt đường 5,5m, thảm nhựa toàn tuyến để đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi; nâng cấp lối mở A Pa Chải thành cửa khẩu quốc gia thông thương với Trung Quốc; mở rộng mặt đường QL6 lên 5,5 m để nâng cao tốc độ vận doanh kết nối khu vực đông bắc tỉnh; cứng hoá, bê tông hoá 100% tuyến tỉnh lộ; cứng hoá 100% tuyến đường huyện, 70% tuyến đường xã; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm đảm bảo đi lại quanh năm… Từ đó, ngày càng hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt và kết nối, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh".

Lộc Minh