Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), nhìn chung giá cao su trong tuần 08-12/4/2013 vẫn tiếp tục xu hướng giảm, chỉ riêng giá cao su RSS 3 hợp đồng kỳ hạn giao sau trên sàn TOCOM có dấu hiệu tăng đầu tiên sau 5 tuần. Biên độ biến động giá chỉ giới hạn trong khoảng 2%, do các bên trông chờ tin tức từ kết quả cuộc họp 3 bên giữa.Thái Lan, Malaysia và Indonesia nhằm hỗ trợ giá cao su xuất khẩu.
Diễn biến giá cao su thiên nhiên trên thế giới
từ ngày 08 - 12/4/2013
Giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM khởi sắc sau khi giảm mạnh vào cuối tuần trước đó. So với mức giá 2.636 USD/tấn của ngày thứ 6 (05/4), giá cao su hợp đồng kỳ hạn giao sau 5 tháng vào đầu tuần đã tăng lên 2.732 USD/tấn và kết thúc tuần với 2.878 USD/tấn, tăng 55 USD tương đương tăng 2% so với đầu tuần (08/4). Giá tăng do đồng Yên giảm làm tăng sức hấp dẫn các hợp đồng mua bằng đồng Yên. Trong tuần qua, đồng Yên tiến gần mốc 100 USD/yên, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Tỷ giá giảm trong bối cảnh tiền đầu cơ đang chảy khỏi Nhật Bản để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ chưa từng có để thúc đẩy lạm phát.
Giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM
từ ngày 01 - 12/4/2013 (USD/tấn)
Cùng diễn biến với sàn TOCOM, giá cao su hợp đồng kỳ hạn TSR 20 giao sau 5 tháng trên sàn SICOM tăng lên so với cuối tuần trước đó, đạt 2.610 USD/tấn. Tuy nhiên, đà tăng này không được duy trì đến cuối tuần, kết thúc phiên giao dịch thứ 6, giá cao su hợp đồng kỳ hạn TSR 20 giao sau 5 tháng còn 2.565 USD/tấn, giảm 55 USD, tương đương giảm 2% so với thứ 2 (08/4). Bên cạnh đồng Yên tăng giá, tin tốt từ nhu cầu lốp xe của Mỹ đã tác động làm giá cao su hợp đồng kỳ hạn trên sàn SICOM tăng giá trong tuần qua. Nhu cầu lốp xe sẽ tăng khoảng 1,5% trong năm 2013, lên thành 288 triệu lốp do sự thúc đẩy mạnh của lốp xe lắp ráp cho xe mới (OE) nhưng gia tăng ít trong dịch vụ hậu mãi lốp xe, dựa trên báo cáo thị trường mới nhất của Hiệp hội Các nhà chế biến cao su Hoa Kỳ (RMA). RMA cho biết, lốp xe OE dành cho ô tô con và xe tải thương mại sẽ tăng 6% trong năm 2013, nhờ số lượng ô tô con dự kiến bán ra sẽ tăng lên thành 15 triệu chiếc. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại của các bên giao dịch trước viễn cảnh kinh tế Châu Âu chưa có nhiều khởi sắc nên giá cao su hợp đồng kỳ hạn trên sàn SICOM giảm vào cuối tuần.
Giá cao su TSR 20 trên sàn SICOM
từ ngày 01 - 12/4/2013 (USD/tấn)
Lợi ích đem lại từ việc đồng Yên suy giảm đã giúp giá cao su tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia có động lực hồi phục đầu tuần qua. Vào thứ 2 (08/4), giá cao su SMR 20 đạt 2.538 USD/tấn và tăng lên 2.599 vào cuối tuần, tăng 61 USD tương đương 2,4%. Giữa tuần, giá cao su tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia không có nhiều biến động do chờ tin tức từ cuộc họp hỗ trợ giá giữa Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Từ ngày 10 - 12/4, 3 nước xuất khẩu cao su hàng đầu đã nhóm họp tại Phuket để thảo luận các biện pháp hỗ trợ giá, bao gồm cả cắt giảm xuất khẩu.
Sau cuộc họp, chưa có sự đồng thuận của cả 3 nước trong việc cắt giảm xuất khẩu để hỗ trợ giá cao su. Riêng Thái Lan quyết định vẫn sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm xuất khẩu thêm 2 tháng (cho đến tháng 5) với mức giảm khoảng 10%. Ba nước này sẽ tiếp tục họp bàn về kế hoạch hỗ trợ giá cao su vào tháng 5/2013.
Theo ông Daud Husni Bastari, Chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia, các nhà sản xuất nên tập trung vào việc quản lý nguồn cung để hậu thuẫn giá, chứ không phải chỉ cắt giảm xuất khẩu.
Giá cao su Malaysia xuất khẩu
từ ngày 01 - 12/4/2013 (USD/tấn)
Diễn biến giá cao su thiên nhiên Việt Nam
từ ngày 08 - 12/4/2013
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu tuần qua có cùng diễn biến với giá cao su Malaysia xuất khẩu. So với tuần trước đó, giá cao su SMR 3L tuần qua chỉ đạt 2.780 USD/tấn, tương đương giảm 1,8%. Kết quả cuộc họp 3 bên giữa Thái Lan, Malaysia và Indonesia chưa mang lại tác động tích cực cho giá cao su thế giới, do đó, giá cao su xuất khẩu tuần qua của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu
từ ngày 01 - 12/4/2013 (USD/tấn)
Theo VRA