Điện hạt nhân là nguồn năng lượng chiến lược của Việt Nam

Phát triển điện hạt nhân (ĐHN) đã được các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống trong nhiều năm. Các nghiên cứu đã khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của phát triển ĐHN ở Việ

 

Phóng viên: Có người nói, Việt Nam không cần thiết đến điện hạt nhân, vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Xét về mặt nào đó, nói như vậy không sai, nhưng chưa đúng với hoàn cảnh và nhu cầu năng lượng của việt nam. Như chúng ta đã biết: Năng lượng có vai trò hết sức quan trọng trong Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế  - xã hội của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đối với Việt Nam, nguồn năng lượng chính để sản xuất điện năng là than, khí, thuỷ điện.

Trữ lượng than là đáng kể nhất. Với độ sâu từ 300m trở lên, tổng trữ lượng than khoảng 3,8 tỷ tấn, riêng Quảng ninh khoảng 3,5 tỷ tấn. Xét trên các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật và môi trường thì không phải toàn bộ trữ lượng này có thể khai thác được hết mà đưa vào quy hoạch chỉ khoảng 2,5 tỷ tấn. Nếu tính trung bình hàng năm khai thác 30 triệu tấn than nguyên khai, thì với trữ lượng này có thể đảm bảo khai thác trong vòng 50 - 80 năm.

Tổng trữ lượng khí đã phát hiện và có khả năng khai thác của nước ta đạt khoảng 680 tỷ m3, trong đó có khoảng 590 tỷ m3 khí là khí không đồng hành. Với sản lượng khai thác trung bình 18 - 20 tỷ m3/năm thì nguồn khí của ta có thể đảm bảo khai thác khoảng 30 năm.

Tổng tiềm năng kỹ thuật thuỷ điện nước ta khoảng 120 tỷ kWh, tương đương công suất lắp đặt khoảng 31.000 MW. Nếu xem xét các yếu tố kinh tế, xã hội và tác động tới môi trường thì tiềm năng kinh tế - kỹ thuật giảm còn khoảng 75 - 80 tỷ kWh với công suất tương ứng 18.000 - 20.000 MW. Trong 20 năm tới, tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện sẽ được khai thác hầu hết. Sau công trình thuỷ điện Sơn La sẽ không còn các nhà máy thuỷ điện lớn. Thuỷ điện có thể coi là một nguồn năng lượng tái tạo, do đó có thể khai thác trong nhiều thập niên.

Nguồn năng lượng tái tạo khác có thể cung cấp cho sản xuất điện là địa nhiệt, gió và năng lượng mặt trời. Các nguồn địa nhiệt của Việt Nam thường có nhiệt độ thấp, tiềm năng không lớn, có thể đạt 200 – 400 MW vào năm 2020. Tiềm năng gió của Việt nam vào loại khá ở Đông Nam á, nhưng thuộc loại thấp trên thế giới. Tới 2020 cũng chỉ hy vọng đạt khoảng 400 MW. Năng lượng mặt trời chỉ phù hợp quy mô gia đình vùng sâu, vùng xa và còn đắt. Năng lượng tái tạo do tính phân tán và bất định, hơn nữa, quy mô của năng lượng tái tạo ở Việt nam còn quá nhỏ, chưa thể có trọng lượng trong cân bằng năng lượng.

Như vậy, nước ta có nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng nhưng không phải dồi dào, do đó, việc khai thác và sử dụng có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng là một trong những phương hướng quan trọng của chính sách năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Hiện nay, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện (NMĐ) của nước ta là khoảng 11.000 MW, trong năm 2004, sản lượng điện đạt 42 tỷ kWh, tăng hơn 5 lần so với năm 1990. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hoá, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ đạt mức từ 7,2 đến 8,0%/năm. Theo đó, nhu cầu năng lượng mà đặc biệt là nhu cầu điện năng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, mặc dù có xu hướng giảm dần ở giai đoạn sau.

Theo tính toán của Bộ Công nghiệp, dự báo nhu cầu điện sản xuất theo phương án cơ sở sẽ phải đạt là: 93 tỷ kWh năm 2010; 201 tỷ kWh năm 2020 và 326 tỷ kWh năm 2030. Trong khi đó, khả năng huy động tối đa khả năng các nguồn năng lượng nội địa của ta tương ứng là 165 tỷ kWh vào năm 2020 và 208 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy, đến năm 2020, theo phương án cơ sở, ta sẽ thiếu hụt tới 36 tỷ kWh và đến năm 2030, lượng điện thiếu hụt còn cao hơn nữa và lên tới gần120 tỷ kWh. Xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ tiếp tục kéo dài trong những giai đoạn sau.          

Nhận thức rõ tầm quan trọng của NLNT đối với Việt Nam, đặc biệt là ĐHN, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và chỉ đạo nhất quán xuyên suốt từ Đại hội VII đến nay. Việc xây dựng Chiến lược phát triển NLNT để phục vụ nhu cầu ứng dụng kỹ thuật điện hạt nhân trong các ngành kinh tế - xã hội và phát triển ĐHN chính là một bước cụ thể hoá các chủ trương đã nêu trong các văn kiện đại hội Đảng, nghị quyết hội nghị Trung ương và các quyết định của Chính phủ. Chiến lược đã khẳng định vai trò của NLNT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá về đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ con người, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và tiềm lực công nghiệp quốc gia, và góp phần bảo vệ môi trường.

PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường:  Hiện nay, chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc phát triển ĐHN, như: công nghệ ĐHN đã phát triển rất cao; năng lực công nghệ và tính sẵn sàng của các công ty, tập đoàn ĐHN quốc tế; sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế (IAEA, WANO, ...) về đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ; cơ quan đầu ngành về NLNT là Viện NLNTVN đã có lịch sử gần 30 năm hình thành và phát triển, trong đó có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm về lò phản ứng thông qua việc vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng Đà Lạt trong 20 năm qua và kinh nghiệm và trình độ thực hiện các dự án công nghiệp và điện lực ở Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất có lẽ là nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, đặc biệt là một đội ngũ chuyên gia về điện hạt nhân là một trong những thách thức hàng đầu đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của các quốc gia đang phát triển nói chung, đặc biệt là những nước chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên như Việt Nam. Bên cạnh đó, khó khăn về hạ tầng cơ sở kỹ thuật còn thấp kém; hạn chế nguồn tài chính; thiếu các cơ chế chính sách dài hạn cần thiết cho phát triển NLNT, đặc biệt là điện hạt nhân; khó khăn về công luận, bao gồm những yếu tố bất lợi về sự chấp thuận của công luận, chưa có sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của các nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý và  hoạch định chính sách ở những lĩnh vực khác nhau…

PV: Như ông đã nói, hiện nay, yếu tố bất lợi về sự chấp thuận của công luận, chưa có sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của các nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý và  hoạch định chính sách ở những lĩnh vực khác nhau…Vậy theo ông đâu là lý do chính?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Trước hết, là chúng ta chưa kịp làm công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được bản chất của ĐHN. Hiện nay, có nhiều loại thông tin về nhà máy ĐHN và chúng ta sẽ phải định hướng và cung cấp thông tin đầy đủ cho công luận để ủng hộ. Những người còn e ngại về việc xây dựng nhà máy ĐHN chủ yếu cho sự an toàn hạt nhân khi khai thác ĐHN, nhất là khi họ nghĩ đến những thảm hoạ Checnobyl.

PV: Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ nhà máy ĐHN như thế nào?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Hiện tại, trên thế giới có ba loại công nghệ nhà máy ĐHN chủ yếu, đó là công nghệ lò nước áp lực - PWR (chiếm 59,5%), công nghệ lò nước sôi - BWR (chiếm 20,8%) và công nghệ lò nước nặng - PHWR (chiếm 7,7%). Với tổng thời gian vận hành của tất cả các lò năng lượng trên thế giới khoảng 11.000 năm, ngành công nghiệp ĐHN đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý giá. Cũng như bất kỳ một công nghệ nào, công nghệ nhà máy ĐHN trên thế giới liên tục được được đầu tư nghiên cứu cải tiến với tổng kinh phí hàng năm khoảng 2 tỷ USD. Hiện nay, các lò đang vận hành trên thế giới chủ yếu thuộc loại thế hệ thứ 2, một số nước đã xây dựng hoặc đang có kế họach thay thế các lò hết hạn sử dụng bằng loại thế hệ thứ 3 và đang tập trung nghiên cứu để cho ra đời loại lò thế hệ thứ 4 với nhiều ưu việt. Ngoài mục tiêu phát điện, các lò thế hệ mới còn nhằm vào mục tiêu sản xuất hydro cho vận tải và sử dụng trực tiếp nhiệt của lò cho các mục tiêu công nghiệp như làm ngọt hoá nước biển, hoá lỏng than đá,...

Trong tương lai, chúng ta sẽ quyết định loại công nghệ trên cơ sở 3 loại lò đã được thương mại hoá (lò nước áp lực - PWR, lò nước sôi - BWR, lò nước nặng - PHWR).

PV: Việt Nam lệ thuộc vào nước ngoài về nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy ĐHN như thế nào?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Có lệ thuộc vào nước ngoài về nhiên liệu hạt nhân, nhưng có người nói sự lệ thuộc này bằng không. Bởi mua nguyên liệu hạt nhân không khó, chỉ khi nào cả thế giới cấm vận đối với Việt Nam. Xin nói thêm, nhiên liệu cho các nhà máy ĐHN hiện nay chủ yếu là uran, được cung cấp khá ổn định trên thị trường thế giới, trong đó Canada và Ôxtrâylia sản xuất tới 50% sản lượng urani của thế giới. Theo dự báo của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) trong khoảng 10-15 năm tới nguồn nhiên liệu hạt nhân vẫn có sẵn trên thị trường với giá ổn định. Chi phí cho nhiên liệu (bao gồm chi phí nhiên liệu và tái xử lý nhiên liệu đã cháy) chiếm khoảng 20-25% trong cơ cấu giá điện. Công tác chuẩn bị cho sản xuất nhiên liệu hạt nhân kể từ bước thăm dò tài nguyên đến khi sản xuất được nhiên liệu phải kéo dài 15 đến 20 năm.

Kết quả nghiên cứu điều tra cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng về quặng urani. Tổng tài nguyên urani dự báo vào năm 2002 là 230.000 tấn U3O8. Vùng Nông Sơn (Quảng Nam) có triển vọng là mỏ urani công nghiệp với tài nguyên dự báo 100.000 tấn U3O8. Ngoài ra, khu vực Tây Bắc và Kon Tum có dấu hiệu chứa những mỏ urani với giá trị kinh tế cao, đang được làm rõ.

PV: Xin ông cho biết, tầm nhìn của chúng ta về NLNT có phải chỉ trong phạm vi của Dự án xây dựng nhà máy ĐHN hay là một chiến lược lâu dài?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Chúng tôi đã xây dựng đề án phát triển NLHN đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát dài hạn của phát triển NLNT ở nước ta là đưa năng lượng hạt nhân trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật với hàm lượng khoa học công nghệ cao phục vụ sự nghiệp nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Để có định hướng triển khai ứng dụng KTHN phục vụ hiệu quả cho các ngành kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình phát triển ĐHN, theo kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cần phải sớm có Chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân (NLHN).

PV: Ông có thể nói qua về nguồn nhân lực cho phát triển NLHN ở Việt Nam

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân có trình độ, góp phần đưa UDKTHN phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, vận hành và khai thác hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt,  cũng như nghiên cứu, chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của ngành NLNT nước ta nhiều năm chưa được bổ sung đầy đủ, tuổi trung bình cao và chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề. Trong hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực còn nhiều bất cập về chính sách, chương trình, thiết bị và đội ngũ cán bộ đào tạo.

Để phát triển ĐHN cần phải có đội ngũ cán bộ không chỉ về chuyên ngành NLNT mà cả về những ngành có liên quan khác (cơ khí, tự động hoá, điện, điện tử, tin học, hoá, địa chất, xây dựng, khí tượng thuỷ văn, kinh tế, luật...

PV: Xin hỏi ông câu hỏi cuối và cũng là vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm nhất về an toàn hạt nhân của nhà máy ĐHN?

Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Thực tế, trong cuộc sống có nhiều thảm hoạ xảy ra, mặc dù con người đã cố gắng loại trừ. Nhưng có thể nói, sự cố khi vận hành nhà máy ĐHN là ít. Nhà máy ĐHN chỉ xảy ra sự cố do lỗi của thiết bị và con người vận hành không đúng quy trình. Ngày nay, thế hệ thiết bị mới đã loại trừ khả năng con người vận hành không đúng quy trình. Trước đây, nếu vận hành không đúng quy trình sẽ có thể xảy ra sự cố, nhưng ngày nay, thế hệ thiết bị mới có khả năng tự điều chỉnh không cho phép sự cố xảy ra. Chúng ta cần biết rằng, Việt Nam không phải xây dựng nhà máy ĐHN bằng mọi giá, mà phải theo nguyên tắc mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và an toàn hạt nhân. Điều này đã được thể hiện rõ, trong phiên họp ngày 25 tháng 9 năm 2003,  để xem xét Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, Bộ Chính trị yêu cầu phải “tiến hành khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân (sau năm 2015) đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sử dụng, nhằm đa dạng hoá các nguồn năng lượng”.
  • Tags: