Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 732 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, (vượt 2,5% so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với giá trị khoảng 11 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đây có thể coi là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như công tác điều hành của Chính phủ năm 2022.
“Kết quả này không chỉ đánh dấu kỷ lục về xuất khẩu của chúng ta từ trước đến nay, mà nếu tính đến bối cảnh khó khăn toàn cầu, đặc biệt tình hình địa chính trị thế giới năm 2022 có những biến động phức tạp, khó lường, thì thành tích xuất khẩu cũng cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhận định.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay vào đầu năm 2023 và trong cả thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt, chủ yếu do một số nguyên nhân:
Một là, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… Thị trường Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách zero-Covid nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng còn diễn biến khó lường.
Hai là, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Ba là, trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày,…
Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu năm 2023 cũng có nhiều cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký kết và có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.
“Mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.