Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) vừa mua vào 21 triệu cổ phiếu VSC của Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) vào ngày 3/7. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu tại Container Việt Nam từ 8,25% lên 16,12% vốn điều lệ, và trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.
Theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7 của cổ phiếu VSC là 21.900 đồng/cổ phiếu, ước tính Vietinbank Capital đã chi gần 460 tỷ đồng cho giao dịch trên. Trước đó, Vietinbank Capital đã mua vào 9,2 triệu cổ phiếu VSC để nâng tỷ lệ sở hữu tại Container Việt Nam từ 4,8% lên 8,25% vốn điều lệ.
Vietinbank Capital hiện là công ty con của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã cổ phiếu CTG) với tỷ lệ sở hữu 100%. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2010, hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư.
Về phía Container Việt Nam, doanh nghiệp cảng biển này đang theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A. Hiện Container Việt Nam dự kiến nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên mức tối đa 100% vốn điều lệ.
Đây được xem là thương vụ M&A mang tính chiến lược, quyết định động lực tăng trưởng của Container Việt Nam trong trung và dài hạn. Ông Tạ Công Thông - Tổng giám đốc Container Việt Nam cho biết, tại cụm cảng Hải Phòng, xu hướng các cảng tại trung tâm nội đô trong tương lai sẽ bị di dời để thực hiện phát triển đô thị hóa thành phố. Cảng Hoàng Diệu của Container Việt Nam nằm trong số đó, buộc công ty phải lựa chọn mua một cảng biển khác tại khu vực hạ lưu.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, với hệ thống cảng như hiện nay trên cùng một khu vực, việc sở hữu Cảng Nam Hải - Đình Vũ giúp Container Việt Nam tạo ra một hệ thống cầu cảng liền mạch dài 800 m, gồm Cảng Nam Hải - Đình Vũ và cảng Green VIP (Container Việt Nam sở hữu 74%); và hệ thống cầu cảng này có thể lên đến 1.500 m nếu tính cả cảng VIMC Đình Vũ (Container Việt Nam sở hữu 36%).
Qua đó, Container Việt Nam sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành các cầu cảng, giảm chi phí thuê ngoài, linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận tàu, và gần như sẽ không còn phải chuyển tàu ra các cảng khác khi phát sinh tình huống trùng lịch tàu vào mùa cao điểm.
Nếu thương vụ trên diễn ra thuận lợi, Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ giúp Container Việt Nam trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất Hải Phòng với công suất khoảng 2,6 triệu TEU (tăng 36% so với năm 2022) và chiếm 30% thị phần khu vực.
Theo kế hoạch năm 2024, Cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến sẽ đem về cho Container Việt Nam khoản lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với việc gia tăng đáng kể thị phần tại khu vực cụm cảng Hải Phòng, Container Việt Nam sẽ là doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi từ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Trung Quốc và dòng vốn FDI đổ mạnh vào Hải Phòng. Cụm cảng Hải Phòng đang chiếm khoảng 27% tổng lượng container lưu thông qua các cảng biển ở Việt Nam.
Ban lãnh đạo Container Việt Nam cũng cho biết, công ty dự kiến sẽ triển khai loạt dự án trọng điểm, bao gồm khởi công dự án cảng nước sâu tại Hải Phòng trong giai đoạn 2024 - 2025; tiếp tục nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu tại Đà Nẵng, Vũng Tàu và các khu hậu cần logistics tiềm năng.