Năm 2023 là một năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi như Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC), BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF)... khi nguồn cung heo nội địa ở mức cao cùng với lượng thịt heo nhập khẩu giá rẻ lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu, đã khiến giá heo hơi chỉ đạt mức trung bình gần 54.000 đồng/kg, giảm 7% so với năm 2022.
Tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp lẫn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chịu áp lực từ việc dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và giá thức ăn chăn nuôi neo cao. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu sức ép mạnh nhất khi giá thành chăn nuôi trung bình khoảng 55.000 đồng/kg, cao hơn giá bán trung bình năm.
Thậm chí, giá heo hơi nhiều lúc xuống dưới ngưỡng 48.000 đồng/kg, thua lỗ kéo dài đã khiến nhiều hộ chăn nuôi “treo chuồng” và thu hẹp quy mô đàn.
Trong quý 1/2024, thống kê cho thấy Việt Nam vẫn còn xuất hiện tới 138 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 30 tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù số heo bị tiêu huỷ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số ổ dịch lại tăng mạnh (nửa đầu năm 2023 chỉ có 220 ổ dịch), cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này tiếp tục khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước e ngại việc tái đàn. Trong khi đó, nguồn cung heo nhập lậu đã giảm đáng kể do việc siết chặt kiểm soát nhập khẩu.
Việc thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá heo hơi phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay. Hiện giá heo hơi trung bình trên cả nước đạt khoảng 65.000 đồng/kg, và đã có lúc tiệm cận ngưỡng 70.000 đồng/kg trong giai đoạn cuối tháng 5 - đầu tháng 6 vừa qua.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong quý 1/2024, lượng heo giống nhập khẩu về Việt Nam chỉ đạt 565 con, bằng 10% tổng lượng heo giống nhập khẩu trong cả năm 2023. Điều này có thể báo trước nguồn cung heo ra thị trường vẫn sẽ ở mức thấp cho ít nhất tới nửa đầu năm 2025, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán MB.
Trong điều kiện nguồn cung hạn chế, dịch bệnh còn nhiều phức tạp, dự báo giá heo hơi sẽ duy trì trung bình 65.000 - 75.000 đồng/kg đến hết nửa đầu năm 2025 và giảm nhiệt kể từ nửa cuối năm 2025 khi nguồn cung heo nội địa ổn định trở lại.
Cũng theo Chứng khoán MB, trong chu kỳ giá tăng lần này, các doanh nghiệp chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín và có quy mô lớn sẽ giành được lợi thế nhờ vào khả năng kiểm soát điều kiện ăn uống, môi trường sống, khả năng kiểm soát chất lượng đầu vào của đàn lợn, hạn chế được dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đấy, khi có sự thuận lợi về điều kiện chăm nuôi và thị trường, các doanh nghiệp khép kín sẽ dễ dàng tái đàn và cung cấp thêm thương phẩm ra ngoài thị trường.
Trong đó, Tập đoàn Dabaco đã có sự chuẩn bị trước về nguồn cung heo khi đẩy mạnh tái đàn, sớm hơn phần lớn đối thủ trên thị trường. Đặc biệt, trong năm ngoái, Tập đoàn Dabaco đã có quyết định “mạo hiểm” khi nhập thêm về 10.000 con heo giống để tái đàn ngay từ những tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cũng cho biết, năng suất đàn lợn của tập đoàn hiện ở mức tốt nhất lịch sử hoạt động.
Tính đến cuối quý 1/2024, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Tập đoàn Dabaco là 3.977 tỷ đồng; trong đó, phần lớn là đàn heo thịt đợi xuất chuồng. Tập đoàn này hiện duy trì tổng đàn thường xuyên khoảng hơn 500.000 con.
Chứng khoán MB dự phóng doanh thu mảng chăn nuôi năm nay của Tập đoàn Dabaco có thể tăng 33% so với mức nền thấp của năm 2023. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi của tập đoàn này cũng được kỳ vọng cải thiện mạnh khi giá thức ăn chăn nuôi đã “hạ nhiệt” đáng kể.
Tính từ năm 2023 đến nay, đã có 7 đợt giảm giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường nội địa. Mới nhất, trong tháng 5/2025, giá thức ăn chăn nuôi lại hạ trung bình thêm 150 đồng/kg. Vào cuối quý 1/2024, đơn giá ngô và đậu tương nhập khẩu về Việt Nam đã giảm lần lượt 27% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến giá các loại ngũ cốc trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong cả năm nay nhờ nguồn cung dồi dào.