Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong quý 1/2024, cả nước ghi nhận 138 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 30 tỉnh, thành phố và số heo phải tiêu huỷ là gần 4.500 con. Mặc dù số heo bị tiêu huỷ giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng số ổ dịch lại tăng mạnh. Trong nửa đầu năm 2023, cả nước chỉ ghi nhận 220 ổ dịch. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp.
Một số chuyên gia nhận định, với tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn ở mức cao, việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đối mặt với nhiều thách thức và chưa có biện pháp phòng chống triệt để.
Dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, chỉ trong vòng 30 tháng gần đây, ước tính đã có khoảng 27,9 triệu tấn thịt lợn bị tiêu huỷ vì dịch bệnh, theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (ESFA). Tại Philippines, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra hơn 55/82 tỉnh và chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Hiện tại trên thế giới đang có nhiều quốc gia đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi và đến hiện tại vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đấy, số ổ bệnh bùng phát mạnh trong quý 1/2024 cho thấy 2 dòng vaccine đã được thương mại hoá tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Do đó, nhiều tổ chức hiện kỳ vọng vaccine dịch tả lợn châu Phi DACOVAC-ASF2 của Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) sẽ lấp đầy khoảng trống trên thị trường hiện tại.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Dabaco đã hợp tác với Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical (Trung Quốc) nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine DACOVAC-ASF2. Winsun là 1 trong 10 doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm sinh học thú ý hàng đầu Trung Quốc. Đồng thời, tập đoàn này tiến hành triển khai Nhà máy sản xuất vaccine thú y với công suất 200 triệu liều/năm.
Về tiến độ nghiên cứu vaccine, Tập đoàn Dabaco đã tổ chức tiêm vaccine cho heo trong đàn và một số trại liên kết. Kết quả, lứa đầu tiên sau khi tiêm 70 ngày đều khỏe mạnh và ghi nhận kết quả tích cực.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco, nhà máy sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi với công suất 200 triệu liều/năm đang trong giai đoạn nghiệm thu và dự kiến quý 3/2024 sẽ có kết quả cuộc khảo nghiệm vaccine. Kết quả khảo nghiệm sẽ được công nhận thành công sau khi tiến hành thử nghiệm đủ 600.000 liều tại nhiều trang trại khác nhau.
Dựa trên tiến độ hiện tại, hãng Chứng khoán MB đánh giá, sớm nhất đến đầu năm 2025, Tập đoàn Dabaco sẽ có khả năng sẽ thương mại hóa được vaccine DACOVAC-ASF2. Đây được xem là động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn Dabaco trong trung và dài hạn.
Tuy không mang lại doanh thu cao so với quy mô kinh doanh của Tập đoàn Dabaco nhưng biên lợi nhuận mảng vaccine lên đến khoảng 47%, sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định cho tập đoàn, theo hãng Chứng khoán MB.
Dự kiến Nhà máy sản xuất vaccine thú y của Tập đoàn Dabaco khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất đồng thời 03 loại vaccine, gồm: dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, và lở mồm long móng. Đây đều là những dịch bệnh có tác động nghiêm trọng nhất, hường xuyên bùng phát trên đàn gia súc của Việt Nam.
Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường nội địa, Tập đoàn Dabaco có thể xuất khẩu vaccine ra các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... thông qua các đối tác thương mại hiện tại.